“Hóa giải” nỗi lo khi phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Nghi Kiều

(Tài chính) Dù xuất hiện không ít lo ngại sau vụ khủng bố 11/9/2001 (Mỹ) và tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) tháng 3/2011, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó các cường quốc kinh tế vẫn quyết tâm lựa chọn phát triển điện hạt nhân. Đối với Việt Nam, cũng xuất hiện không ít những băn khoăn về vấn đề môi trường, chi phí đầu tư, an toàn cho các nhà máy hạt nhân…, song những phân tích đưới đây phần nào sẽ “hóa giải” nỗi lo đó.

Điện hạt nhân góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam cho các giai đoạn phát triển trong tương lai. Trong ảnh: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt
Điện hạt nhân góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam cho các giai đoạn phát triển trong tương lai. Trong ảnh: Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), điện hạt nhân đã và đang trở lại xu thế phát triển trên thế giới. Tính đến năm 2014, trên thế giới có 436 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373.504 MW. Hầu hết các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc… đều có các lò phản ứng hạt nhân.

Trong năm 2014, trên thế giới không có lò phản ứng nào chấm dứt hoạt động, thậm chí còn có 2 lò phản ứng mới được đưa vào vận hành thương mại, gồm: Atucha-2 (Achentina) với công suất 692 MW, loại lò PHWR và Ningde-2 (Trung Quốc) với công suất 1.018 MW, loại lò PWR. Trong giai đoạn 2001 - 2014 riêng ở châu Á có 39 tổ máy, chiếm tỷ lệ 81% trong tổng số 48 tổ máy mới trên thế giới được đưa vào vận hành thương mại.

Thực tế cho thấy rất nhiều lợi ích mà điện hạt nhân mang lại cho Việt Nam khi quyết định phát triển điện hạt nhân vì mục tiêu hòa bình. Theo đó, điện hạt nhân góp phần đảm bảo ổn định và tăng cường an ninh năng lượng cho Việt Nam cho các giai đoạn phát triển trong tương lai.

Đáp ứng cân đối nhu cầu điện năng cho đất nước khi khả năng khai thác tài nguyên đã hạn chế, tăng cường tính an ninh cung cấp năng lượng, giảm phụ thuộc vào các cơn khủng hoảng dầu mỏ vốn đã hoành hoành. Một khi phát triển điện hạt nhân thành công và làm chủ được công nghệ hạt nhân cũng sẽ góp phần nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia khẳng định, phát triển điện hạt nhân là giải pháp hoàn toàn phù hợp với các điều kiện của Việt Nam trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Vậy những lo lắng xung quanh xây dựng nhà máy điện hạt nhân của người dân, có đáng lo ngại? Trên thực tế, nếu nhìn nhận và phân tích một cách kỹ càng, không khó để “hóa giải” những nỗi băn khoăn đó:

Nỗi lo về đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân

Sau vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ và tai nạn Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản tháng 3/2011, không ít người dân lo ngại về an ninh và an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc bảo vệ cho các nhà máy hạt nhân của nhiều nước thông thường được thực hiện quy trình rất chặt chẽ và nghiêm ngặt.

Đối với Việt Nam, ngày 25/3/2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an triển khai ba dự án, gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tổ chức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Tổ chức các biện pháp bảo đảm an ninh cho Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Do vậy, việc đảm bảo an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam là hoàn toàn có thể yên tâm.

Trong khi đó, an ninh hạt nhân là vấn đề không chỉ của riêng Việt Nam mà tất cả các quốc gia bởi muốn phát triển hạt nhân thì quốc gia đó phải thực hiện rất nhiều quy định, ràng buộc chặt chẽ của các tổ chức hạt nhân trên thế giới.

Hơn nữa, hiện nay, mục tiêu phát triển điện hạt nhân của Việt Nam rất nhất quán, rõ ràng, đó là các hoạt động nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân là vì mục đích hòa bình. Việc Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của các tổ chức hạt nhân quốc tế, kí kết các biên bản hợp tác với các quốc gia phát triển hạt nhân… đã thể hiện trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân trong khu vực và trên thế giới.

Nỗi lo về rác thải hạt nhân

Theo các chuyên gia hạt nhân, khối lượng chất thải phóng xạ là rất nhỏ nếu so sánh với lượng chất thải được tạo ra bởi các nguồn phát điện sử dụng tài nguyên hóa thạch. Bên cạnh đó, khối lượng chất thải tạo ra bởi ngành công nghiệp hạt nhân là rất nhỏ so với những chất thải của ngành công nghiệp sản xuất khác. Ở những quốc gia sở hữu năng lượng hạt nhân, chất thải phóng xạ chỉ chiếm khoảng 1% toàn bộ khối lượng chất thải độc hại trong công nghiệp (bất kể mức độc hại).

Mỗi năm, các cơ sở phát điện hạt nhân trên toàn thế giới tạo ra khoảng 200,000 m3 chất thải với mức phóng xạ vừa và thấp, cùng khoảng 10,000 m3 chất thải có mức phóng xạ cao gồm cả nhiên liệu đã sử dụng cũng được đánh giá là chất thải. Trong các quốc gia thuộc khối OECD, khoảng 300 triệu tấn chất thải độc hại được tạo ra mỗi năm, nhưng lượng chất thải phóng xạ chỉ vào khoảng 81,000 m3 /năm.

Ngày nay, các công nghệ giảm bớt thể tích, giảm lượng chất thải cũng như khả năng xử lý tốt trong quá trình làm việc đều góp phần làm giảm bớt khối lượng chất thải tạo ra. Các chất thải phóng xạ của điện hạt nhân nhỏ về thể tích và khối lượng và hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng các công nghệ và thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, cho dù khối lượng chất thải hạt nhân được tạo ra là rất nhỏ, song vấn đề quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp hạt nhân là làm sao quản lý được độc tính tự nhiên của chúng một cách thân thiện với môi trường và không gây nguy hại gì đối với cả những công nhân làm việc cũng như đối với cộng đồng.

Bên cạnh đó, không giống với các loại chất thải công nghiệp khác, mức độ độc hại của chất thải hạt nhân (tính phóng xạ) sẽ thuyên giảm theo thời gian. Tuy nhiên, cần phải cách ly và phân tán các chất thải loại này để hàm lượng của hạt nhân phóng xạ khi quay lại môi trường sinh thái sẽ không còn gây độc hại nữa.

Để đạt được điều này, tất cả các chất thải cần được lưu giữ và quản lý – một số loại chất thải cần được chôn sâu mãi mãi. Quá trình sản xuất điện hạt nhân không cho phép tạo ra ô nhiễm độc hại. Tất cả các chất thải cần được xử lý an toàn, không chỉ các chất thải phóng xạ…

Nỗi lo về chi phí đầu tư

Hiện nay, không ít băn khoăn về việc chi phí đầu tư để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là rất lớn và việc huy động vốn không hề dễ dàng trong bối cảnh suy thoái của kinh tế trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù chi phí đầu tư nhà máy điện hạt nhân lớn hơn so với nhà máy điện than và nhà máy điện khí, song chi phí vận hành lại rẻ hơn. Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, thậm chí 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi nhà máy thuỷ điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô.

Thêm vào đó, nếu tính thêm chi phí ngoài (là chi phí do hoạt động của nhà máy điện gây ra những tác động đối với xã hội; là những chi phí thực tế phát sinh liên quan đến sức khỏe và môi trường) thì điện hạt nhân sẽ có một lợi thế đáng kể về tính kinh tế so với sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch.

Đối với nguồn kinh phí xây dựng, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, ban hành cơ chế huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện hạt nhân.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường

Sau tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Nhật Bản tháng 3/2011, nỗi lo về thảm họa môi trường sẽ xảy ra một khi nhà máy điện hạt nhân không may gặp sự cố.

Tuy nhiên, trên một góc độ nào đó, đối với Việt Nam, khả năng xảy ra như sự kiện ở Nhật Bản sẽ ít hơn, bởi việc khảo sát nơi đặt nhà máy hạt nhân được tiến hành kỹ càng, với sự tư vấn và tham gia của chuyên gia nước ngoài, ngoài ra Việt Nam ít bị nguy cơ sóng thần hơn Nhật Bản...

Ngược lại, theo các chuyên gia hạt nhân, cùng với các dạng năng lượng mới và tái tạo khác, điện hạt nhân được xem là một nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính, góp phần chống lại sự nóng lên của trái đất, đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ môi trường.