Hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp

PV.

Thông tin Bộ Tài chính cho biết, nhằm hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), từ ngày 13-24/3/2017, Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (QLBH) Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn khảo sát bảo hiểm nông nghiệp tại Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Gia Lai, Đắk Lắk, Long An, Tiền Giang, Khánh Hòa và Cần Thơ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đoàn công tác có chương trình làm việc với chính quyền các cấp tại các địa phương, tại đây, đoàn công tác nhận thấy việc triển khai BHNN là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh đó, Chính quyền tại các địa phương đều đồng tình với việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo là các đối tượng dễ bị tổn thương khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng với bảo hiểm nông nghiệp, từ đó giúp họ đa dạng hóa các giải pháp tài chính để giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Về kinh phí tham gia BHNN, các địa phương cũng cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của nông dân trong công tác đề phòng hạn chế tổn thất, quản lý và kiểm soát rủi ro thì không nên hỗ trợ toàn bộ kinh phí mà chỉ nên hỗ trợ một phần đối cho hộ nghèo, cận nghèo khi họ tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Các địa phương cũng đề nghị cần chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện để đảm bảo thống nhất triển khai bảo hiểm và nên cân nhắc xem xét tích hợp chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm với các chính sách hỗ trợ khác khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh để tránh trùng lắp.

Ngoài các buổi làm việc với Chính quyền địa phương, Đoàn công tác cũng tiến hành khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất nông nghiệp là các trang trại, hợp tác xã và hộ nông dân. Chia sẻ với Đoàn công tác, chủ hộ sản xuất nông nghiệp đều mong muốn tham gia BHNN, một số chủ hộ còn đề xuất Nhà nước nên hỗ trợ phí bảo hiểm trên diện rộng hơn nữa.

Trên cơ sở kiến nghị của chính quyền địa phương và người dân, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.

Trước đây liên bộ Tài chính - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có đề xuất về việc tiếp tục triển khai BHNN ra diện rộng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ sở sản xuất nào đủ điều kiện thì đều được tham gia bảo hiểm; Yêu cầu cao nhất là phải kiểm soát được rủi ro và trục lợi bảo hiểm, được các nhà tái bảo hiểm chấp nhận…
Theo Cục QLBH, sau ba năm thực hiện thí điểm (2011 - 2014), chương trình BHNN đã thu hút các hộ dân ở các địa phương được chỉ định tham gia nhiệt tình.
Trong đó, bảo hiểm cây lúa có 236.396 hộ nông dân tham gia; bảo hiểm vật nuôi thu hút 60.133 hộ nông dân tham gia; bảo hiểm thủy sản có 7.487 hộ nông dân tham gia. Quá trình thí điểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, qua đó góp phần giúp các hộ dân ổn định đời sống, tiếp tục sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 700 tỷ đồng.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHNN, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng BHNN cho những vùng có điều kiện khó khăn nhưng có lợi thế đối với sản phẩm cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp. Trong đó nêu rõ Nhà nước sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp.