Quy định quốc tế về các biện pháp phi thuế quan

Trước khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, Việt Nam đã ký kết thành công Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ. Do đàm phán với Hoa Kỳ là bước khởi đầu cho tiến trình gia nhập WTO nên những vấn đề đàm phán trong BTA đều tương đối đồng nhất với những quy định của WTO. Vì thế, Việt Nam phải cam kết tuân thủ những quy định của WTO về điều kiện và mức độ áp dụng các biện pháp phi thuế quan trong quan hệ thương mại hàng hóa giữa các quốc gia Thành viên. Mặc dù những biện pháp phi thuế quan đều có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các chủ thể, tuy nhiên WTO chỉ cấm những biện pháp gây ra hàng rào cản trở thương mại bất hợp lý.

Về mặt nguyên tắc, WTO không cho phép các Thành viên sử dụng các biện pháp kiểm soát số lượng đối với các doanh nghiệp (DN) bên ngoài, trừ một số trường hợp vì lý do thật sự cần thiết đã được quy định cụ thể trong Hiệp định GATT. Vì vậy, khi quyết định áp dụng nhóm biện pháp hạn chế định lượng như cấp giấy phép, hạn ngạch nhập khẩu, cấm nhập khẩu hoặc hạn chế xuất khẩu tự nguyện thì các quốc gia phải lưu ý đến những trường hợp ngoại lệ như để đối phó tình trạng thiếu lương thực trầm trọng (Ðiều XI:2); Bảo vệ cán cân thanh toán (Ðiều XVII:B); Bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật (Ðiều XXV) và bảo vệ an ninh quốc gia (Ðiều XXIV)...

Với nhóm biện pháp quản lý giá cả để tính toán trị giá áp thuế hải quan, WTO có văn bản riêng là Hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan (CVA) làm cơ sở để tất cả các nước thành viên của WTO áp dụng một cách đồng bộ, rõ ràng và công bằng (do biện pháp này có thể bóp méo sự công bằng trong quan hệ thương mại giữa các nước). Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam cam kết tuân thủ Hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan của WTO ngay từ khi gia nhập. Việt Nam sẽ không áp dụng giá tính thuế tối thiểu và sẽ tuân thủ hoàn toàn các quy định của WTO về nguyên tắc và trình tự xác định trị giá tính thuế nhập khẩu. Việt Nam cũng cam kết sửa đổi một số văn bản về xác định trị giá tính thuế chưa hoàn toàn phù hợp với WTO. Tuy nhiên, đối với ô tô cũ nhập khẩu thì Việt Nam đã bảo lưu được quyền xác định lại giá nhập khẩu nhằm tránh gian lận thương mại.

Trong những trường hợp phát hiện việc nhập khẩu loại hàng hóa nào đó có thể đe dọa hoặc đe dọa gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước thì WTO tạo ra cơ chế bảo vệ tạm thời cho các quốc gia thành viên thông qua việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa đó. Để chống trường hợp lạm dụng biện pháp tự vệ này, WTO đã ban hành Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định về chống bán phá giá (ADA) để các quốc gia phải tuân thủ. WTO cho phép các quốc gia trợ cấp hàng hóa của nước mình, tuy nhiên, các nước thành viên phải tìm hiểu kỹ để áp dụng những hình thức trợ cấp nào được phép theo WTO để không bị khởi kiện hoặc bị áp dụng các biện pháp đối kháng do bóp méo thương mại.

Các quốc gia thành viên cũng có thể áp dụng các biện pháp liên quan đến đầu tư để thiết lập các điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài. WTO cho phép các quốc gia được xây dựng hàng rào về quyền sở hữu trí tuệ cũng như những tiêu chuẩn và kỹ thuật. Tuy vậy, WTO vẫn khuyến khích các biện pháp phù hợp với các tiêu chuẩn chung. Những yêu cầu này thường gây khó khăn nhất định cho quá trình xuất khẩu của các nước đang phát triển tới những quốc gia phát triển. Do biện pháp này phù hợp với WTO nên thường được nhiều quốc gia, đặc biệt các nước phát triển sử dụng để bảo hộ hàng hóa nội địa.

Trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), những hàng rào về kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ cũng như yêu cầu về bảo vệ môi trường…sẽ là một thách thức lớn cho tất cả các quốc gia thành viên. Cam kết cắt giảm thuế quan ở một số mặt hàng tiến tới tự do hoàn toàn về thuế quan giữa các nước trong cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE) có hiệu lực vào năm 2015 sẽ là một thách thức cho Việt Nam trong nỗ lực bảo hộ hàng hóa trong nước.

Đề xuất xây dựng khung hàng rào phi thuế quan của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế

Trước thực trạng giao lưu thương mại giữa các quốc gia ngày càng thông thoáng, xu hướng giảm thiểu thuế quan đòi hỏi Việt Nam cần phải xây dựng các hàng rào phi thuế quan phù hợp với các quy định của các hiệp định và công ước mà Việt Nam đã tham gia. Các biện pháp phải tuân thủ nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và đối xử quốc gia (NT) trong các hiệp định FTA các nước và nội khối. Bản chất của những nguyên tắc này là nhằm đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cả MFN và NT đều có thể được áp dụng một cách linh hoạt trên cơ sở tận dụng các trường hợp ngoại lệ về quốc phòng, an ninh, sức khỏe con người, động thực vật, môi trường… Do đó, các trường hợp ngoại lệ này cần được thống nhất trong tất cả các lĩnh vực pháp luật.

Hiện Việt Nam đang áp dụng chế độ ưu đãi thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc ký kết các hiệp định FTA về tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa sẽ tạo ra một cơ chế để xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa một cách thống nhất giữa các thành viên trong nội khối, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nước nằm ngoài FTA, qua đó bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Một trong những hàng rào hiệu quả nhất mà nhiều quốc gia phát triển hiện đang áp dụng hiệu quả chính là việc thiết lập các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việt Nam cũng vậy, hiện đang áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) cho nhiều mặt hàng. Trước đây, khi hàng quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc khá thịnh hành trên thị trường Việt Nam do giá rẻ nên hấp dẫn người tiêu dùng, tuy nhiên, sau khi Việt Nam ban hành quy định về kiểm tra lượng hóa chất tồn dư thì chỉ sau 6 tháng hàng dệt may của Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm đáng kể. Gần đây nhất, Việt Nam vừa ban hành quy định cấm nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng cũng đã tác động không nhỏ đến lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Việc thiết lập các hàng rào tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm và vệ sinh dịch tễ thông qua các biện pháp kiểm tra, kiểm định hoặc kiểm dịch động thực vật vừa không vi phạm các cam kết của các hiệp định quốc tế mà còn giúp bảo hộ tốt ngành sản xuất nội địa. Để làm được điều này, đòi hỏi Việt Nam cần ban hành đầy đủ và kịp thời các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các mặt hàng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các biện pháp liên quan tới môi trường là một xu hướng mới trong thương mại quốc tế. Có thể xem xét xây dựng cơ sở pháp lý để áp dụng nhãn sinh thái là một tiêu chuẩn, không chỉ giúp người tiêu dùng nhận thức về sản phẩm, tác động đối với môi trường mà còn là một hàng rào giúp bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Luật Bảo vệ môi trường, Luật về tiêu chuẩn quy chuẩn và Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm cần có các quy định cụ thể về các tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường, về an toàn vệ sinh đối với những thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam cũng như đưa ra điều kiện bảo vệ con người là những căn cứ quan trọng. Việc Việt Nam căn cứ vào các tiêu chí của quốc gia mình để quyết định cấp nhãn hiệu sinh thái cho một sản phẩm nhập khẩu nào đó là một hàng rào hữu hiệu, giúp bảo hộ thị trường trong nước một cách công bằng và phù hợp với quy định của WTO và với các hiệp định FTA khác. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có các tiêu chí để cấp nhãn hiệu sinh thái cho sản phẩm được quy định cụ thể trong Luật Nhãn hiệu hàng hóa - căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền áp dụng.

Đối với thủ tục hải quan, các quy định cần phải nhằm đến mục tiêu giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa bằng việc minh bạch hóa các chính sách và các yêu cầu của cơ quan quản lý. Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định danh sách hàng hóa cấm xuất nhập khẩu và xuất nhập khẩu có điều kiện, danh mục giấy tờ cũng như những tiêu chuẩn kỹ thuật cho những hàng hóa đặc biệt một cách minh bạch, không vi phạm nguyên tắc NT và nguyên tắc MFN. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 đã quy định những chứng từ mà DN nhập khẩu cần phải có để được thông quan, tuy nhiên, những quy định này còn thiếu và tỏ ra khá lạc hậu bởi lẽ để làm tốt được những chứng từ này Việt Nam cần phải có được trang thiết bị và máy móc hiện đại cũng như trình độ mới có thể kiểm tra hiệu quả.

Vấn đề về xác định xuất xứ đã được đề cập khá nhiều trong các hiệp định song phương và đa phương mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, cụ thể là hiệp định TPP. Hiện Việt Nam đang áp dụng chế độ ưu đãi thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc ký kết các hiệp định FTA về tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa sẽ tạo ra một cơ chế để xác định nguồn gốc xuất xứ hàng hóa một cách thống nhất giữa các thành viên trong nội khối, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nước nằm ngoài FTA, qua đó bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Các tiêu chí xuất xứ khắt khe và quy định phức tạp về cấp và kiểm tra C/O có tác dụng giới hạn độ mở của các FTA cũng như các hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), để chính các nước tham gia FTA hoặc các nước cho hưởng GSP tránh được sự gia tăng nhập khẩu ngoài khả năng kiểm soát do ảnh hưởng của các ưu đãi cao hơn mức MFN. Theo đó, Việt Nam cần tăng cường ký kết các hiệp định với nhiều quốc gia hơn và hoàn thiện quy định về xác định xuất xứ hàng hóa cho phù hợp với các cam kết đó.

Ngoài việc quy định về thủ tục hải quan, sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ thương mại là những công cụ rất hữu hiệu mà rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa. Khác với thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chỉ được áp dụng cho những đối tượng cạnh tranh không công bằng, biện pháp tự vệ là một giải pháp cấp thiết trong trường hợp quốc gia nhận thấy một hành vi có khả năng đe dọa hoặc gây thiệt hại đến tình hình hoạt động kinh doanh bình thường của mình.

Khi lựa chọn áp dụng biện pháp về tự vệ thương mại, do hạn ngạch thuế quan mang bản chất của hàng rào về thuế. Do đó, theo cam kết WTO, biện pháp quản lý nhập khẩu bằng hạn ngạch sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, hạn ngạch thuế quan vẫn được phép áp dụng. Các khoản phụ thu dành cho hàng hóa nhập khẩu phải được minh bạch hóa và cụ thể trong Luật Hải quan. Khác với hình thức sử dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, sử dụng các biện pháp tự vệ phải tuân thủ nguyên tắc NT và MFN trong các hiệp định và điều ước quốc tế. Để tăng khả năng cạnh tranh cho DN trong nước, Chính phủ Việt Nam cần tận dụng những hình thức gián tiếp về mặt khoa học kỹ thuật công nghệ, giống cây trồng, nghiên cứu và phát triển thị trường… và loại bỏ những dạng trợ cấp đèn đỏ mang tính chất hỗ trợ trực tiếp bị cấm.

Xu thế hội nhập quốc tế sẽ ngày càng khẳng định giá trị của tài sản trí tuệ, vì vậy bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ là một hàng rào bảo hộ rất tốt đối với hàng hóa nhập khẩu vào trong nước. Việc thiếu cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ là thiệt hại lớn cho Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang ngày càng có nhiều sản phẩm có uy tín trên thế giới như nông sản (cà phê, gạo, ngũ cốc…) và nhiều sản phẩm khác trong tương lai. Đặc biệt, Việt Nam còn đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện Luật SHTT quy định cơ quan hải quan có quyền kiểm tra các sản phẩm nhập khẩu để tránh tình trạng vi phạm quyền SHTT. Cơ quan hải quan sẽ thực hiện theo yêu cầu của Cục Khoa học công nghệ hoặc theo đơn yêu cầu từ phía DN, chủ sở hữu nếu chứng minh được là chủ thể của quyền SHTT, bằng chứng của việc xâm phạm cũng như thực hiện ký quỹ. Pháp luật hiện nay chưa có quy định nào cho phép cơ quan hải quan trên cơ sở các thông tin được cung cấp, được quyền chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá đang bị nghi vấn vi phạm quyền SHTT (thẩm quyền tạm dừng đương nhiên). Thiếu một cơ chế như vậy, trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan hải quan trong lĩnh vực bảo hộ SHTT sẽ không được phát huy và hiệu quả thu sẽ khó đạt được như ý.

Chính vì vậy, cần phải bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với các quy định trong công ước quốc tế liên quan đến quyền SHTT mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (TRIPs). Bởi vì đây là những công ước xương sống của hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện pháp luật hải quan, trong đó qui định cơ quan hải quan có quyền đương nhiên trong việc ra quyết định tạm dừng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vi phạm quyền SHTT. Đồng thời, cần tăng thêm các chế tài để xử lý về hành chính và dân sự cũng như quy định thêm chế tài hình sự với một số tội danh vi phạm SHTT.

Xu thế hội nhập và ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương đang ngày càng phổ biến, do đó, các hàng rào phi thuế quan nên tập trung vào việc bảo hộ quyền SHTT, áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẫn kỹ thuật cho sản phẩm. An ninh, sức khỏe con người và môi trường… là những lý do hợp pháp cho việc bảo hộ hàng hóa trong nước mà hoàn toàn không đi ngược với các cam kết hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Thách thức từ các rào cản phi thuế, Báo Hải quan;

2. David Hanson, Non-tariff barriers in the European Union, Japan and United states;

3. Schaffer, R. F. Agusti and B. Earle (2008), International Business Law and its Environment (7th edn), Mason, Ohio, Cengage Learning.

Hoàn thiện khung pháp lý về hàng rào phi thuế quan phù hợp với thông lệ quốc tế

TS. NGUYỄN NGỌC ẢNH, ĐỖ THỊ MAI HOÀNG HÀ - Đại học Tài chính Marketing

(Tài chính) Xu thế hội nhập và ký kết các điều ước quốc tế song phương và đa phương ngày càng phổ biến. Vì vậy, các hàng rào mậu dịch phải tiếp cận với các hàng rào phi thuế quan một cách tinh vi hơn. Những hình thức mang tính hạn chế sẽ có xu hướng vi phạm các cam kết. Từ những kinh nghiệm quốc tế, bài viết đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng khung hàng rào phi thuế quan của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xem thêm

Video nổi bật