Hoàn thiện thể chế kinh tế: Câu chuyện về phân vai giữa Nhà nước và thị trường

TS. Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Thể chế kinh tế của nước ta, tuy không ngừng được đổi mới trong suốt 25 năm qua, nhưng không bắt kịp đòi hỏi của thực tiễn, nhất là sự vận động của cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trở lực lớn của quá trình hoàn thiện thể chế lại xuất phát từ vấn đề nhận thức về kinh tế thị trường, dù mô hình này đã được thực hiện trong hơn một phần tư thế kỷ.

Hoàn thiện thể chế kinh tế: Câu chuyện về phân vai giữa Nhà nước và thị trường
Trong phạm vi bài báo này, tôi muốn đề cập đến đổi mới nhận thức về chức năng kinh tế của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, đây cũng là cơ sở để hoàn thiện thể chế kinh tế.

Còn lẫn lộn về vai trò của Nhà nước

Kinh tế thị trường được vận động với sự tham gia của 3 chủ thể chính: Người sản xuất (tức người cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường); Hộ gia đình - người tiêu dùng; Nhà nước. Hiện nay, trong quản lý nền kinh tế của chúng ta, có sự lẫn lộn về vị trí, vai trò của 3 chủ thể này.

Thực tế, nhiều việc Nhà nước cần phải làm, nhưng Nhà nước lại không làm, hoặc làm không đầy đủ. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, Nhà nước đã can thiệp vào vai trò chức năng của các chủ thể khác. Điển  hình như, trong lĩnh vực quản lý kinh tế vĩ mô, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là định hướng mục tiêu phát triển, dự báo tình hình biến động của thị trường; kiểm soát độc quyền; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…, nhưng Nhà nước không tập trung đúng mức, mà lại can thiệp vào vấn đề giá cả, tiền lương… - là chức năng của doanh nghiệp.

Chúng ta cần thấy rõ một nguyên tắc là, khi Nhà nước không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình ở từng cấp, từng ngành trong quản lý kinh tế thị trường, thì không thể quản lý có hiệu quả sự vận động của thị trường. Việc chậm thay đổi thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường cũng là một nguyên nhân khiến Nhà nước vận hành thị trường thiếu hiệu quả. Cần phải nhắc lại rằng, chính các công cụ gián tiếp mới mang lại hiệu quả quản lý nhà nước và phù hợp với tính chất của cơ chế kinh tế thị trường. Quản lý nhà nước nền kinh tế thị trường chính là tạo ra khuôn khổ pháp luật phản ánh được mục tiêu, ý muốn chủ quan của Nhà nước trong quá trình phát triển, để qua đó các chủ thể khác tự quyết định các hoạt động của mình.

Việc chậm thay đổi thói quen can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính, thay vì sử dụng các công cụ can thiệp gián tiếp để điều tiết thị trường cũng là một nguyên nhân khiến Nhà nước vận hành thị trường thiếu hiệu quả.
Nhà nước chưa “bổ khuyết” được cho thị trường  

Lý luận cũng như thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào thị trường cũng đúng trong việc phân bố nguồn lực của nền kinh tế. Sự thất bại của thị trường sẽ mang đến những hệ quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, tạo nên sự lãng phí các nguồn lực và những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Điều này cũng đã được minh chứng tại thực tế ở Việt Nam, trong những năm gần đây, với các cơn “sốt” rồi lại “đóng băng” nhà đất, chứng khoán, lương thực, thực phẩm… Do đó, nhiều nhà kinh tế đã ví mối quan hệ giữa thị trường với Nhà nước như “hai bánh xe” của một cỗ xe vận hành nền kinh tế. Sự thiếu đồng bộ trong quá trình vận hành của “hai bánh xe” này chính là sự bất cập trong quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường.

Về thuộc tính của kinh tế thị trường, các nghiên cứu và thực tiễn đã chỉ ra 3 khuyết tật lớn là:

 (1) Luôn luôn có nguy cơ mất cân đối cung - cầu tạo ra các cuộc khủng hoảng thừa, hoặc khủng hoảng thiếu;

(2) Vì mục tiêu lợi nhuận và cạnh tranh, doanh nghiệp ít quan tâm đến lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng (gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, trốn tránh luật pháp gian lận thương mại…);

(3) Kinh tế thị trường về bản chất là mô hình làm giàu cho thiểu số, vì thế tự nó không thể làm giàu cho mọi người.

Để bổ khuyết những hạn chế trên, các quốc gia, tùy theo điều kiện lịch sử và đặc điểm của mình, cũng như những mục tiêu của nhà nước đó, mà đề ra những công cụ quản lý - điều tiết khác nhau.

Hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Và dù đã bao quát mọi mặt, nhưng thực tế, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế lại còn kém, nguyên nhân là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, một mặt, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Song, mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.

Đặc biệt, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của các nền kinh tế, vai trò của Nhà nước càng quan trọng. Sự cạnh tranh doanh nghiệp, cạnh tranh sản phẩm đã trở thành cạnh tranh giữa các quốc gia. Hiện tại, 3 giác độ cạnh tranh này đang không thể tách rời, mà yếu tố cạnh tranh quốc gia đã và đang trở thành nhân tố quyết định đối với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và cạnh tranh sản phẩm trong quan hệ kinh tế khu vực và quốc tế. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm, trước hết dựa vào sức cạnh tranh của nền kinh tế và trong mối quan hệ tác động qua lại giữa 3 chủ thể này, thì sức cạnh tranh của nền kinh tế có vai trò là chủ thể dẫn đường. Do đó, có thể nói rằng chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước là tạo ra các yếu tố dẫn dắt thị trường phát triển.

Thế nhưng, dường như, ở nước ta, một số chính sách và quan niệm lại đi lệch theo hướng cường điệu hóa vai trò của thị trường trong phát triển, mà chưa thấy hết vai trò của Nhà nước. Thị trường hoạt động theo quy luật của “bàn tay vô hình”, mà các quy luật đó giống như quy luật “nước chảy xuống chỗ trũng”. Còn vai trò của Nhà nước can thiệp vào thị trường là “dẫn dắt dòng nước chảy” theo mục đích của mình (như: đắp đê, khai mương, đặt máy bơm…). Điều đó cho thấy, quan hệ giữa nhân tố khách quan của quy luật thị trường với ý muốn chủ quan trong mục tiêu phát triển của Nhà nước không làm triệt tiêu lẫn nhau.

Tuy nhiên, đây chính là điểm khó khăn nhất về phương diện tư duy, cũng như hành động trong suốt quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đó cũng chính là điều bất cập trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay ở nước ta.

Ba vấn đề trọng tâm cần đổi mới tư duy về thể chế kinh tế

Thực tiễn cho thấy, dù mô hình kinh tế thị trường nào cũng đều có điểm chung là lấy sự phát triển bền vững làm mục tiêu. Để phát triển bền vững tức là giải quyết đồng bộ cả 3 vấn đề: kinh tế, xã hội và môi trường, Việt Nam cần đổi mới 3 vấn đề trọng tâm sau:

Thứ nhất, cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường. Quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường, ngoài việc tạo môi trường pháp lý minh bạch thông thoáng cho sự vận động của các chủ thể tham gia, thì còn có vai trò khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường để tạo nên một sức mạnh tổng hợp của cả Nhà nước và thị trường.

Thứ hai, nền kinh tế thị trường của Việt Nam đi sau, nên hoàn toàn có thể vận dụng những công cụ vận hành của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta trong bối cảnh đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng, thị trường là công cụ, là nơi chuyển tải mục tiêu phát triển của một quốc gia, chứ bản thân nó không phải là mục tiêu. Do đó, sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với mục tiêu định hướng xã hội chủ nghĩa trong mô hình kinh tế của Việt Nam.

Thứ ba, để bảo đảm tính đồng bộ của luật pháp cho sự vận hành của thị trường, cần tổ chức rà soát lại hệ thống luật pháp có liên quan đến từng loại thị trường. Do đó, cần tổ chức việc hoàn thiện các loại thị trường theo từng đề án. Mỗi đề án có nhiệm vụ rà soát hệ thống pháp luật có liên quan. Ví dụ: Để hoàn thiện thị trường bất động sản, thì liên quan rất nhiều đạo luật hiện hành, nên cần rà soát một cách tổng thể để có sự hoàn thiện, tạo tính đồng bộ của khung pháp lý trong quá trình vận hành.

Sự phát triển của các loại thị trường phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu và lợi thế của nền kinh tế trong quá trình cạnh tranh. Do đó, vấn đề hoàn thiện các loại thị trường ở nước ta cần xác định trên 2 nguyên tắc:

Một là
, bảo đảm tính đồng bộ trong mối quan hệ kinh tế giữa các thị trường với nhau. Bởi, không có một loại thị trường nào phát triển riêng biệt, mà luôn luôn tồn tại trong mối quan hệ nhân - quả với nhau. Ví dụ, nếu các ngành kinh tế khác không phát triển, thì không có điều kiện để phát triển thị trường tài chính và nếu thị trường tài chính không phát triển, thì không bảo đảm được nguồn vốn cho các ngành kinh tế khác, cũng như các thị trường khác.

Hai là, sự phát triển các loại thị trường phải thông qua các chính sách của Nhà nước phải được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật có liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta cần dựa vào 2 nguyên tắc này để xem xét về tính đồng bộ và trình độ phát triển của từng loại thị trường trong cơ cấu nền kinh tế thị trường, cụ thể đối với 5 loại thị trường chủ yếu: Hàng hoá (xây dựng thị trường hàng hoá tập trung và giao dịch thị trường tương lai); Tài chính; Bất động sản; Lao động; Công nghệ.

Để khắc phục và bổ khuyết những khuyết tật của thị trường

Như đã đề cập, mô hình kinh tế thị trường luôn luôn tồn tại 3 khuyết tật cố hữu, gắn liền với bản chất của nó. Năng lực quản trị có hiệu quả của một nhà nước thể hiện ở khả năng sử dụng các công cụ để hạn chế những hệ quả tiêu cực do các khuyết tật đó gây ra.

Nhà nước phải đóng vai trò tích cực nhất trong việc khắc phục, hạn chế 3 khuyết tật cố hữu của thị trườngthông qua hệ thống công cụ điều tiết vĩ mô, đóng vai trò "người dẫn đường" cho quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Việc sử dụng các tổ chức kinh tế của Nhà nước chính là sự can thiệp vào thị trường bằng sức mạnh vật chất của Nhà nước. Do đó, vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước chính là tái cấu trúc để lực lượng này làm tốt vai trò “bổ khuyết” thị trường, cung cấp tốt hơn các loại “hàng hoá và dịch vụ công cộng” phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.Nếu đứng trên quan điểm này để phân tích lực lượng doanh nghiệp nhà nướchiện hữu, thì đang tồn tại 3 vấn đề sau đây:

(i) Nhập nhằng giữa doanh nghiệp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận (hình thức công ty) với định chế công phi lợi nhuận (phi lợi nhuận không có nghĩa là bản thân tổ chức đó hoạt không sinh lời, mà chủ sở hữu không thu lợi nhuậnthì vẫn có các chỉ tiêu đánh giá đúng hiệu quả của hoạt động).

(ii) Mặc dù tất cả các doanh nghiệp nhà nước hiện nay đều được chủ sở hữu (Nhà nước) cho được hưởng cơ chế phi lợi nhuận (Nhà nước không lấy lợi nhuận sau thuế như khu vục tư nhân chia cỗ tức), nhưng trong hầu hết các ngành có doanh nghiệp nhà nướcđều không “dẫn dắt” được thị trường, nếu bỏ cơ chế độc quyền. Điều nàylà minh chứng rõ nhất trong việc quản trị kém hiệu quả của Nhà nước.

(iii) Hai lĩnh vực cần sự can thiệp mang tính chủ đạo của lực lượng kinh tế nhà nước là: cung cấp hàng hoá và dịch vụ công cộng; các ngành kinh tế có hiệu quả sinh lời thấp, nhưng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa,như:cơ khí chế tạo, làm đầu tàu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ, đầu tư cho thị trường bất động sản sơ cấp, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghiệp công nghệ cao…Tuy nhiên,thực tế, dường như Nhà nước lại “nhường”việccho thị trườngđiều tiết.Điều cần làm hiện nay là, Nhà nước khi đầu tư phát triển lĩnh vực nào, thì phải thể hiện quyết tâm chính trị củamình, chứ không phải một mặt, thì để mặcdoanh nghiệp nhà nướccân nhắc hiệu quả tài chính đơn thuầnnhư vừa qua.Mặt khác, lại chiều theo các lợi ích nhóm để can thiệp thị trường trái quy luật, tạo ra các cơn “giật cục” có hại cho cả nền kinh tế.

Như vậy, để đổi mới thể chế kinh tế, Nhà nướcphảiđóng vai trò tích cực nhất trong việc khắc phục, hạn chế 3 khuyết tật cố hữu của thị trườngthông qua hệ thống công cụ điều tiết vĩ mô, đóng vai trò "người dẫn đường" cho quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, vai trò của Nhà nước càng quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp.