Hoàn thuế giá trị gia tăng nhìn từ thực tế của Công ty cổ phần chè Thiên Phú

ThS. DIệP Tố UYÊN – Đại học Hùng Vương

Hoàn thuế giá trị gia tăng là biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu hồi được số vốn đã ứng trước. Vì vậy, với số tiền thuế giá trị gia tăng được hoàn mỗi năm, nhiều doanh nghiệp đã có thêm điều kiện quay vòng vốn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong quá trình lập hồ sơ hoàn thuế. Khảo sát thực tiễn tại Công ty cổ phần Chè Thiên Phú (Việt Trì - Phú Thọ) cho thấy nhiều bài học rút ra….

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều kiện được hoàn thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu đánh vào tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ. Thực chất, thuế GTGT chỉ đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh ở từng khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tổng số thuế thu được qua tất cả các giai đoạn luân chuyển của hàng hóa, dịch vụ bằng với số thuế tính trên giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng.

Thuế GTGT do người tiêu dùng cuối cùng chịu, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ.

Một trong những tác dụng của thuế GTGT phải kể đến, đó là tác dụng đối với đầu tư, xuất khẩu và tăng trưởng. Đối với xuất khẩu, hàng hóa, dịch vụ ở khâu xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất 0%. Do vậy, nếu phát sinh thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu thì doanh nghiệp sẽ được hoàn lại thuế GTGT đầu vào theo đúng cơ chế đặc thù về khấu trừ của loại thuế này. Có nghĩa là, doanh nghiệp xuất khẩu không phải nộp thuế GTGT khi xuất khẩu và đồng thời được hoàn lại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào.

Ở Việt Nam, thuế GTGT được ban hành thành Luật và được Quốc hội Khoá IX thông qua tại kỳ họp thứ 11 (ngày 10/5/1997) và có hiệu lực thi hành kể từ 01/01/1999, thay thế cho Luật Thuế doanh thu. Trong quá trình thực thi, Luật thuế GTGT đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh, phù hợp với thực tiễn nước ta trong từng thời kỳ. Những quy định pháp luật mới về thuế GTGT áp dụng cho niên độ kế toán năm 2015, bao gồm: Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013; Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013; Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014; Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015.

Điều kiện được hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% [3, Điều 16], bao gồm:

i) Phải có hợp đồng xuất khẩu, gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng uỷ thác xuất khẩu hoặc uỷ thác gia công hàng hoá xuất khẩu; hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;

ii) Phải có chứng từ minh chứng cho việc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu không dùng tiền mặt và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;

iii) Có tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu và các chứng từ xuất khẩu liên quan.

Điều kiện, thủ tục được hoàn thuế GTGT [3, Điều 19] cụ thể gồm:

i) Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn nêu trên phải là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền, có con dấu theo đúng quy định của pháp luật, lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán; có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh. (Tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp phải được đăng ký với cơ quan thuế quản lý trực theo Mẫu số: 08-MST Ban hành kèm theo Thông tư số156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính)

ii) Các trường hợp cơ sở kinh doanh đã kê khai đề nghị hoàn thuế trên tờ khai thuế GTGT, thì không được kết chuyển số thuế đầu vào đã đề nghị hoàn thuế vào số thuế được khấu trừ của tháng/quý tiếp sau.

iii) Thủ tục hoàn thuế GTGT thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo.

- Cơ sở kinh doanh trong tháng/quý vừa có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hoá, dịch vụ bán trong nước thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT cho hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên. (Theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu trong tổng doanh thu toàn doanh nghiệp).

- Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tính phân bổ như trên chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng thì cơ sở kinh doanh không được xét hoàn thuế theo tháng/quý mà kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo; nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế GTGT theo tháng/quý.

Hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với trường hợp xuất khẩu cụ thể là: Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156 [2, Điều 49].

Thực tế từ Công ty Cổ phần Chè Thiên Phú

Đứng trên góc độ thủ tục pháp lý, bài viết đi sâu khảo sát quy trình và các bước cần thiết trong quá trình hoàn thuế của Công ty Cổ phần Chè Thiên Phú. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm giúp cho doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế GTGT hiệu quả.

Công ty cổ phần Chè Thiên Phú (Việt Trì – Phú Thọ) là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chè quy mô vừa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thị trường xuất khẩu của Công ty chủ yếu là Ấn Độ. Thành lập từ năm 2012, doanh thu từ xuất khẩu chè hàng năm trên 100 tỷ đồng, hàng năm Công ty được hoàn thuế GTGT đầu vào khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Chè Thiên Phú, nguyên liệu chính đưa vào sản xuất chè thành phẩm là chè búp tươi thu mua từ các hộ nông dân trồng chè, không có hóa đơn. Để đảm bảo có đủ nguyên liệu chính cho sản xuất, Công ty không chỉ thu mua chè ở địa bàn tỉnh Phú Thọ mà còn mở rộng địa bàn thu mua ở các tỉnh lân cận như: Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Các loại chè thành phẩm được phân loại, đóng bao theo tiêu chuẩn khối lượng yêu cầu của từng đơn hàng. Do vậy, chứng từ mà Công ty sử dụng làm căn cứ hạch toán chi phí nguyên liệu chính là Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn (Mẫu số 01/TNDN Ban hành kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính).

Thuế GTGT đầu vào được khấu trừ tại các doanh nghiệp xuất khẩu chè phát sinh là thuế GTGT của các tài sản, vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể:

- Thuế GTGT đầu vào của vật liệu phụ cho sản xuất chè (Bao bì đóng chè, than, củi …).

- Thuế GTGT đầu vào khi mua tài sản cố định (Máy vò chè, máy sấy, máy tách cẫng, cối vò, máy nén khí…).

- Thuế GTGT đầu vào của dịch vụ mua ngoài (điện, nước), chi phí xuất khẩu (Chi phí kiểm định, bốc xếp, niêm chì…).

Theo đó, những ưu đãi về thuế trong xuất khẩu mà Công ty cổ phần Chè Thiên Phú được hưởng cụ thể: Mặt hàng chè xuất khẩu thuộc loại hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 0% và thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. Theo đó, công ty sẽ được hoàn lại thuế GTGT đầu vào.

Quy trình hoàn thuế của Công ty Cổ phần Chè Thiên Phú được thực hiện qua các bước sau: Xác định số thuế GTGT đề nghị hoàn, gửi Đề nghị hoàn thuế GTGT đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, chuẩn bị hồ sơ cho kiểm tra hoàn thuế GTGT (Kiểm tra trước, hoàn sau hoặc hoàn trước, kiểm tra sau). Có thể tóm lược các kinh nghiệm hoàn thuế GTGT của Công ty theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Công ty kiểm tra và xác định số thuế GTGT đầu vào đề nghị hoàn. Số thuế GTGT đầu vào đề nghị hoàn được xác định trên cơ sở số thuế GTGT đầu vào đủ điều kiện được khấu trừ. Thời điểm xác định số thuế GTGT đầu vào đề nghị hoàn do Công ty tự xác định sao cho phù hợp với quy định. Số thuế GTGT đầu vào đề nghị hoàn tính đến thời điểm Công ty lập đề nghị hoàn được thể hiện trên chỉ tiêu số 41 của tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT.

Bước 2: Công ty muốn Đề nghị hoàn thuế GTGT ở kỳ tính thuế nào, thì phải chốt số thuế GTGT đầu vào đề nghị hoàn trên Tờ khai thuế GTGT (Chỉ tiêu số 42) của kỳ kế toán đó (Hình 1).

Bước 3: Công ty gửi Đề nghị hoàn thuế GTGT đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Mẫu số 01/ĐNHT Ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính).

Bước 4: Chuẩn bị hồ sơ Hoàn thuế GTGT để phục vụ kiểm tra.

Khi doanh nghiệp gửi hồ sơ hoàn thuế GTGT đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp, việc phân loại hồ sơ hoàn thuế được quy định như sau:

- Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau là hồ sơ của người nộp thuế có quá trình chấp hành tốt pháp luật về thuế và các giao dịch được thanh toán qua ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng khác. Đối với hồ sơ này, chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.

- Hồ sơ không thuộc diện quy định trên thì thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau. Đối với hồ sơ thuộc diện này, chậm nhất là 60 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, cơ quan quản lý thuế phải quyết định hoàn thuế hoặc thông báo lý do không hoàn thuế.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp nào thì doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ hoàn thuế GTGT phục vụ kiểm tra? Ngoài những hồ sơ theo quy định, để phục vụ cho việc giải trình các thông tin liên quan, thì doanh nghiệp cần chuẩn bị những hồ sơ sau:

- Hồ sơ chứng từ làm căn cứ hạch toán thuế GTGT đầu vào: Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hóa đơn GTGT, chứng từ thanh toán (lưu ý quy định mức thanh toán trên 20 triệu đồng thì phải thanh toán không dùng tiền mặt). Các chi phí đầu vào bắt buộc phải được thanh toán đúng hạn quy định trên hợp đồng, thanh toán hết công nợ tính đến thời điểm có quyết định kiểm tra của cơ quan thuế.

- Hồ sơ chứng từ làm căn cứ hạch toán thuế GTGT đầu ra: Bộ chứng từ xuất khẩu (Hợp đồng ngoại thương, tờ khai hải quan, vận đơn, …); chứng từ thanh toán (Doanh nghiệp đã thu được toàn bộ tiền hàng từ người mua nước ngoài tương ứng với doanh thu xuất khẩu). Các số liệu thanh toán phải khớp đúng với số liệu trên sổ kế toán liên quan (Sổ Cái các TK 131, 112, 511…).

- Bảng kê hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thuế suất 0% (Căn cứ giải trình cho thuế GTGT đầu ra). Bảng kê này phải có đầy đủ các thông tin: Hợp đồng xuất khẩu (Số, ngày tháng, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán…); Tờ khai hàng hóa xuất khẩu (Số, ngày đăng ký,…); Hóa đơn xuất khẩu (Số, ngày, trị giá); Chứng từ thanh toán qua ngân hàng (Số, ngày, trị giá); Chứng từ thanh toán bù trừ (nếu có).

- Báo cáo tổng hợp doanh thu, Báo cáo tổng hợp thuế GTGT đầu vào, đầu ra. Những tài liệu này sử dụng để giải trình rõ ràng hơn căn cứ và phương thức xác định số thuế GTGT đề nghị hoàn của doanh nghiệp.

Tóm lại, thuế GTGT là nội dung thuế quan trọng, hiện diện ở tất cả các doanh nghiệp, trong tất các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Để thuận lợi và rút ngắn thời gian được hoàn thuế GTGT kể từ khi nộp Hồ sơ hoàn thuế GTGT đến khi nhận được tiền hoàn thuế GTGT, thì doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế và hồ sơ phục vụ cho việc thanh kiểm tra hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế quản lý.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008;

2. Các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính: 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013; 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013; 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014; 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính;

3. Tài liệu Hoàn thuế GTGT tại Công ty Cổ phần Chè Thiên Phú (2015).