Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018: ASEAN 4.0 cho mọi người

Theo Hồng Loan/daibieunhandan.vn

Cách mạng 4.0 tạo ra nhiều thay đổi, trong đó tác động trực tiếp đến vấn đề việc làm. Người lao động có kỹ năng thấp bị thay thế. Nhưng nhiều cơ hội việc làm mới sẽ xuất hiện. Điều quan trọng là “mỗi cá nhân cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết”.

Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả”	Ảnh: Lâm Khánh
Các đại biểu thảo luận tại Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả” Ảnh: Lâm Khánh

Trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), sáng 11/9, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì diễn đàn mở với chủ đề: “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

ASEAN cần nắm chắc 4 chữ I

Theo GS. Klaus Schwab - Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi phương thức sản xuất, liên lạc, tiêu dùng, truyền thông… nó không chỉ đơn thuần ảnh hưởng tới tất cả hoạt động mà còn tác động tới bản thân mỗi con người, dẫn đến sự kết hợp hòa trộn giữa thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học.

Một trong những sự khác biệt căn bản của cuộc cách mạng 4.0 là tốc độ và nội hàm; từ đó làm thay đổi mạnh mẽ các mô hình kinh doanh, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, các nền kinh tế và các xã hội.

“Trong tương lai, các quốc gia thành công là các quốc gia có thể nắm bắt cơ hội, ưu thế mà cuộc cách mạng này đem lại”, Chủ tịch điều hành WEF nhấn mạnh.

Để sẵn sàng cho sự thích ứng này, ông Klaus Schwab cho rằng, điều kiện tiên quyết là cần ý thức được đúng mức tầm quan trọng của cách mạng 4.0, tăng cường sự hiểu biết về những điều đang diễn ra xung quanh; đồng thời huy động mọi nguồn lực để chuẩn bị tốt nhất cho việc nắm bắt các cơ hội.

Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng những chính sách cần thiết, khuyến khích tinh thần của cộng đồng doanh nhân trong xã hội và cởi mở trước những sự thay đổi.

“Có thể nói, số phận của ASEAN nằm trong tay thanh niên ASEAN và việc nắm bắt được cách mạng 4.0”, GS. Annie Koh, Đại học Quản lý Singapore chia sẻ quan điểm tương đồng với GS. Klaus Schwab.

Bà cho rằng, ASEAN cần nắm chắc  4 chữ “I”, gồm: Identity - Bản sắc; Innovation - Sáng kiến; Inclusive - Bao trùm và Intergration - Hội nhập. “Nếu chúng ta có đủ 4 chữ I này, ASEAN có thể sẵn sàng hướng tới tương lai”, bà Annie Koh nói.

Theo ông Rajan Anandan, Giám đốc điều hành Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Công ty Google Ấn Độ, tiềm năng của ASEAN nằm ở vai trò và vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp rất lớn vào GDP của khu vực và tạo ra phần lớn công việc cho người dân. Vì vậy, ông cho rằng, việc đào tạo kỹ năng của doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng vô cùng quan trọng để lực lượng xương sống của nền kinh tế ASEAN khai thác tốt nhất cơ hội của cách mạng 4.0.

“Không có công việc nào là cố định”

Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động. Vì thế, vấn đề việc làm cho giới trẻ ASEAN được các diễn giả đặc biệt quan tâm.

Bà Yasmin Mahmood, Chủ tịch tập đoàn kinh tế số của Malaysia cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ khiến những người lao động có kỹ năng thấp bị thay thế. Nhưng “chúng ta không nên bi quan”, GS. Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF nói, vì “nhiều cơ hội việc làm mới sẽ xuất hiện”. Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần chuẩn bị sẵn sàng bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết.

“Mọi người chỉ tập trung vào những gì cần học mà thôi”, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Syed Abdul Rahman chia sẻ. Ông phân tích rằng, cách mạng 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ, đặc biệt là khi có một nền giáo dục tốt. Một điều bổ trợ là, trong bối cảnh mới, thời gian đào tạo sẽ nhiều hơn nhưng chi phí có thể rẻ đi vì đã được số hóa. 

Ông Lê Hồng Minh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty VNG Việt Nam khuyên người trẻ chú trọng tiếp cận cái mới. Một ví dụ là, trong 5 năm, ngành marketing đã trở thành lỗi thời, kiến thức trong trường học không còn nhiều giá trị thực tế bởi sự thay đổi quá nhanh chóng.

“Vì thế, các bạn trẻ phải luôn luôn cập nhật, không có công việc nào là cố định”. Quan điểm của ông Lê Hồng Minh trùng với bà Yasmin Mahmood. “Giới trẻ nếu không muốn bị thất nghiệp cần phải phát huy tìm hiểu thông tin mới”, bà nói.

Bên cạnh khả năng cập nhật, tính sáng tạo cũng rất quan trọng. “Trong kinh doanh, phương thức thông thường là nghiên cứu những mô hình thành công. Nhưng tôi cho rằng, chúng ta cần phải sáng tạo chứ không phải là sao chép nguyên bản. Khi tôi đến Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ, tôi nghĩ có thể đặt một văn phòng ở đó chứ không phải sao chép nó tại Việt Nam. Tôi nghĩ cần phải sáng tạo trong một môi trường phù hợp khi thế giới đang hình thành những trung tâm sáng tạo”, Giám đốc điều hành Tổng Công ty VNG Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Cũng trong ngày hôm qua, WEF đã công bố kết quả cuộc khảo sát đối với giới trẻ ASEAN về tác động của công nghệ tới việc làm. Có 64 nghìn công dân ASEAN được khảo sát thông qua tài khoản Garena và Shopee, hệ thống trò chơi và giao dịch điện tử của SEA, hầu hết đến từ 6 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.

Theo đó, giới trẻ ASEAN rất lạc quan về tác động của công nghệ tới khả năng tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập. 52% trong số những người dưới độ tuổi 35 tại Đông Nam Á tin rằng công nghệ sẽ mở ra cơ hội việc làm mới; 67% tin rằng công nghệ sẽ giúp họ cải thiện thu nhập.

Diễn đàn Tăng trưởng châu Á 2018 chủ đề “Đổi mới để tạo ra thay đổi: Khám phá và truyền cảm hứng” - một hoạt động trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018 - cũng đã diễn ra tại Hà Nội sáng 11.9. với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực ASEAN, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn toàn cầu và các công ty có đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực ASEAN.

Diễn đàn thảo luận nhiều chủ đề quan trọng như tài chính nông nghiệp, đổi mới kỹ thuật số trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp với cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ chính xác trong nông nghiệp, nông nghiệp phát thải thấp, chuyển giao công nghệ tới người nông dân trong chuỗi giá trị, chuyển đổi lao động nông nghiệp…

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông, lâm, thủy sản trong khu vực không chỉ bảo đảm an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người mà còn góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.