Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới

TS. Nguyễn Độ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Tài chính) Với nhiều nỗ lực thay đổi tư duy, quan điểm và hành động, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, song vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần khắc phục.

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sau gần 30 năm đổi mới
Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. Nguồn: internet

Quá trình nhận thức và việc triển khai các chính sách thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi sâu sắc và một cục diện, trật tự thế giới mới đang hình thành, trong đó các nước có chế độ chính trị khác nhau vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau. Đảng đã nhận thức rõ rằng bối cảnh đó là điều kiện để chúng ta phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở.

Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) đã xác định rõ chủ trương “độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, đánh dấu bước khởi đầu tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới của nước ta. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương với nhiều đối tác, dưới nhiều hình thức, trên nhiều lĩnh vực (trao đổi hàng hóa, đầu tư sản xuất, mở rộng quan hệ tài chính - tín dụng, hợp tác khoa học kỹ thuật), tạo ra môi trường kinh doanh trong nước thuận lợi và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Thực tế giai đoạn đó cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng đã đánh dấu bước khởi đầu của Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Tháng 11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 01-NQ/TW về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996 - 2000. Tới năm 2001, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng khẳng định chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững” theo nguyên tắc “bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.

Sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 01/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 05/02/2007 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO. Nghị quyết đã nêu rõ các cơ hội và thách thức của việc gia nhập WTO và đề ra các định hướng lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững sau khi gia nhập WTO. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP, ngày 27/2/2007, Chương trình hành động của Chính phủ về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO”; giao các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới.

Tháng 01-2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu lại nền kinh tế.

Thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả vững chắc. Việt Nam đã gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào tháng 01-2007 và tham gia 08 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương. Cụ thể, ta đã cùng với các nước ASEAN ký các Hiệp định thương mại tự do giữa khối ASEAN với các đối tác như Trung Quốc vào năm 2004, với Hàn Quốc vào năm 2006, với Nhật Bản năm 2008, với Ôt-xtrây-lia và Niu-Di-lân vào năm 2009, với Ấn Độ năm 2009. Ngoài ra, ta đã ký 2 FTA song phương là FTA Việt Nam - Nhật Bản năm 2008 và FTA Việt Nam - Chi-lê năm 2011.

Việt Nam cũng đang tích cực tham gia đàm phán 6 FTA khác, gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU), với Liên minh thuế quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan, với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA) gồm các nước Thụy Sỹ, Na-uy, Lích-tân-xten và Ai-xơ-len, FTA với Hàn Quốc và FTA giữa khối ASEAN với Hồng Công (Trung Quốc). Ngoài ra, ta cũng tích cực chủ động tham gia sâu vào diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đã đăng cai năm APEC 2006 và tiến tới sẽ đăng cai APEC năm 2017 với hàng trăm cuộc họp từ cấp chuyên viên đến cấp cao.

Một số thành tựu của quá trình gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế

Một là, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước, các tổ chức quốc tế

Chúng ta đã là thành viên chính thức của ASEAN, APEC, ASEM và WTO cũng như nhiều định chế tài chính như WB, ADB, IMF... Việc gia nhập WTO vào năm 2007 đã mở ra quan hệ thương mại bình đẳng giữa Việt Nam với 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là một thành tựu quan trọng của việc thực hiện chính sách đối ngoại đổi mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia bình đẳng trong thương mại với các nước trên thế giới.

Ngoài ra, ta đã có quan hệ thương mại với trên hai trăm quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục; trên một trăm quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư ở Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã có dự án đầu tư ở trên bảy mươi quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với việc mở rộng thị trường và quan hệ hợp tác như vậy, ta đã ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, ngày càng có tiếng nói quan trọng với ý thức trách nhiệm cao trong các diễn đàn khu vực và thế giới, do đó đã góp phần mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện cho mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu của ta, mở rộng thị trường hàng nhập khẩu, góp phần phục vụ chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời từng bước khẳng định được hình ảnh và vị thế của một quốc gia thành công trong quá trình đổi mới.

Hai là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 - 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 - 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46% (là mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Do ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 - 2013 giảm xuống còn 5,6%. Ngoài ra, có thể nói thành tựu về tăng trưởng kinh tế được nhìn nhận một cách rõ ràng nhất là đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và ra khỏi danh sách các nước kém phát triển sau 30 năm đổi mới.

Đối với hoạt động xuất, nhập khẩu, từ năm 1986 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. So với năm 1986 (kim ngạch xuất khẩu đạt 789,1 triệu USD) thì kim ngạch xuất khẩu năm 2013 tăng gấp khoảng 167 lần (132,2 tỷ USD). Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. Nước ta có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu và được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu. Năm 2012, Việt Nam đã xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 9 triệu USD và 10 tháng đầu năm 2014 xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Ba là, thúc đẩy và thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thực hiện chính sách mở cửa nền kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục phát triển cả về tổng vốn, cả về số dự án, cả về quy mô vốn/ dự án… Giai đoạn 1991 - 1997 đã diễn ra làn sóng FDI vào Việt Nam lần thứ nhất với 2.230 dự án và vốn đăng ký là 16,244 tỷ USD. Việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là cam kết gia nhập WTO đã giúp hoàn thiện và làm minh bạch hệ thống pháp luật, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vốn FDI trong năm 2007 đã có mức tăng trưởng 75,3% và năm 2008 là 42,6%.

Trong năm 2013, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã đạt 22,35 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp FDI đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 2 triệu lao động trực tiếp, và hàng chục triệu lao động gián tiếp, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần tăng vốn đầu tư phát triển xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội.

Bốn là, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện tích cực môi trường trong nước

Hệ thống luật pháp trong nước cũng không ngừng được sửa đổi theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Trong thời gian gần 10 năm trở lại đây, để thực hiện các cam kết gia nhập WTO như tự do hóa quyền kinh doanh xuất, nhập khẩu, xóa bỏ các hạn chế xuất, nhập khẩu, xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu gây bóp méo cạnh tranh, giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, minh bạch hóa chính sách… hệ thống pháp luật của ta đã và đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng ngày càng trở nên rõ ràng, minh bạch hơn, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước.

Một số hạn chế của quá trình gần 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế

Việt Nam cũng gặp phải không ít thách thức, hạn chế mà cụ thể là:

Thứ nhất, trong một thời gian dài trước khi Chính phủ ban hành Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020, việc tham gia các FTA chưa thực sự chủ động và mới chỉ tập trung vào các lợi ích mang tính ngắn hạn như cắt giảm thuế quan, mà chưa chú trọng đúng mức đến các mục tiêu dài hạn như nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, cải cách môi trường, thể chế trong nước.

Thứ hai, việc triển khai hội nhập kinh tế quốc tế chưa thực sự gắn kết đầy đủ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển ngành. Việc tập trung các nỗ lực hội nhập kinh tế vào khu vực Đông Á đã làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các nền kinh tế lớn trong khu vực về các nguồn nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị, đầu tư, công nghệ và tài chính.

Thứ ba, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của ta mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, các doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Một số sản phẩm đã gặp khó khăn trong cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dù cao hơn nhiều các nước khác trong khu vực nhưng bắt đầu có xu hướng giảm, cơ cấu hàng xuất khẩu còn nghèo nàn.

Thứ tư, các cam kết mở cửa thị trường của ta trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện cho các nước đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, trong khi đó, ta chưa thiết kế được những biện pháp bảo hộ phù hợp với cam kết quốc tế để bảo hộ sản xuất trong nước.

Thứ năm, chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản. Hiệu quả đầu tư chưa được cao như mong muốn. Tăng trưởng của ta thời gian qua phần nhiều dựa vào các yếu tố như tín dụng, lao động rẻ mà thiếu sự đóng góp đáng kể của việc gia tăng năng suất lao động hay hàm lượng tri thức.

Thứ sáu, công tác phối hợp về hội nhập giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương, doanh nghiệp chưa tốt. Nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường.

Một số khuyến nghị chính sách trong thời gian tới

Để đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, cần phối hợp nhiều nhóm giải pháp nhằm khắc phục những vấn đề còn tồn đọng, đồng thời khai thác tối đa những lợi ích mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Các giải pháp chính là:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình đã đề ra. Trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy hiện hành, cần cố gắng bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới.

Thứ hai, thường xuyên, kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, xem xét nới lỏng các điều kiện đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực tuy không cam kết mở cửa, hoặc cam kết chặt chẽ hơn quy định pháp luật hiện hành nhưng phù hợp với nhu cầu phát triển và định hướng thu hút đầu tư của nước ta trong thời gian tới.

Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành để tận dụng tối đa những lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế. Cần tiến hành đánh giá mức độ cạnh tranh của các ngành, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh cho những ngành có lợi thế cạnh tranh và định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành, doanh nghiệp không có khả năng cạnh tranh. Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực, cần có chính sách để chuyển dần từ gia công sang tự xuất khẩu. Cần có chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua nâng cấp nhân lực, công nghệ, tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng, đa dạng hóa, đổi mới sản phẩm.

Thứ tư, phát triển các ngành quan trọng đối với nền kinh tế. Cần có chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế, nhất là chế biến nông sản. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu và những cú sốc khi giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng, đồng thời tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn. Thúc đẩy các ngành dịch vụ hỗ trợ kinh doanh như tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ, ngành chế biến nông sản, có chính sách thu hút đầu tư vào các ngành này.

Thứ năm, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt coi trọng năng lực cán bộ, phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực, tăng cường nâng cao nhận thức cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nhân về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế. Song song với việc thực hiện cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, một nhiệm vụ rất quan trọng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách là phải xây dựng chính sách theo hướng tự do hóa thương mại đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước, tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp non trẻ. Về phía doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, các nguyên tắc, quy định cơ bản của WTO và diễn đàn thương mại khu vực nhằm giúp doanh nghiệp hiểu và vận dụng tối đa lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế trong kinh doanh, tự bảo vệ mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế./.