Hội nhập là sức ép thúc đẩy cải cách

Theo doanhnhanonline.com.vn

(Tài chính) Việt Nam đang đứng trước một cột mốc lịch sử khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hoạt động vào năm 2015. Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh đã có những chia sẻ về sự kiện chắc chắn sẽ tác động lớn đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng.

Hội nhập là sức ép thúc đẩy cải cách - Ảnh 1
TS. Lê Đăng Doanh
Phóng viên: Đâu là nguyên nhân khiến các quốc gia trong khu vực quyết định tăng tốc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 thay vì 2020? Quyết định này phải chăng quá mạo hiểm?

TS. Lê Đăng Doanh: Các nước ASEAN đã thông qua Thỏa thuận Bali II về xây dựng 3 Cộng đồng: Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC). Trong đó Cộng đồng Kinh tế dự kiến sẽ hoạt động từ đầu năm 2015, sau đó vì chuẩn bị chưa kịp nên hoãn lại vào cuối năm 2015.  Việc hình thành AEC phản ánh đòi hỏi cấp bách nâng cao hiệu quả và nội dung liên kết của ASEAN trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc trở nên lớn mạnh nhanh chóng, thu hút quá nhiều đầu tư nước ngoài cũng như có kim ngạch xuất khẩu tăng rất nhanh. Nếu AEC không nhanh chóng hoạt động có hiệu quả, vai trò trung tâm của ASEAN về chính trị có thể bị thách thức, vì vậy ASEAN đã có quyết định mạnh bạo này mặc dầu biết rằng chênh lệch giữa các nước về trình độ phát triển kinh tế, về thể chế v.v…còn rất lớn.

Hiện nay, các điều kiện cụ thể của AEC vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và có lo ngại về sự chậm trễ của bốn nước CLMV (Campuchia-Lào, Myanmar, Việt Nam) trong khi 6 nước ASEAN khác đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Họ đã có chính sách rõ ràng và các doanh nghiệp cũng tích cực chuẩn bị để đón nhận AEC.

Theo tiến sỹ, khi ASEAN tiến đến xây dựng AEC vào 2015, những kịch bản nào có thể miêu tả chính xác nhất tác động của “trụ cột” này đối với nền kinh tế Việt Nam?

Balassa đã xếp hạng các nấc thang hội nhập như sau:

dn3

Theo đó, ASEAN đang ở mức Khu vực thương mại tự do (AFTA) đi thẳng lên Liên minh kinh tế là bước tiến quá nhanh. Trong thực tế, AEC là một cộng đồng kinh tế với mức độ liên kết chỉ cao hơn Liên minh thuế quan theo phân hạng trên đây của Balassa. Mức độ liên kết của ASEAN nhưng chưa bằng mức liên kết của Cộng đồng Châu Âu (EU), như chưa có đồng tiền chung, chưa có Ủy ban điều hành chung và Nghị viện chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi nước vẫn có chính sách kinh tế riêng, độc lập và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Trụ cột của AEC là thị trường hàng hóa và sản xuất chung, thị trường dịch vụ chung, lao động có tay nghề có thể dịch chuyển trong 10 nước ASEAN cũng như những liên kết giao thông vận tải (xa lộ, hàng không), năng lượng được đẩy mạnh.

AEC sẽ tạo ra cơ hội và thách thức lớn đối với Việt Nam vì trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam thấp hơn nhiều nước ASEAN khác. Việt Nam có năng lực cạnh tranh và chất lượng môi trường kinh doanh thấp hơn, trong khi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ của quốc gia chủ yếu là cạnh tranh với các nước ASEAN khác (như về gạo, dệt-may, da giày, v.v…).

Dn1

Chỉ số Năng lực cạnh tranh do Diễn Đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 3.9.2014 cho thấy thứ hạng khiêm tốn của Việt Nam so với nhiều nước ASEAN khác..

Dn2

Việt Nam có thể phát huy lợi thế về lao động trẻ, học nhanh, khéo tay. Chúng ta có thể có thế mạnh nhất định về công nghệ thông tin và phần mềm, nhưng lại chịu sức ép cạnh tranh nặng nề đối với các sản phẩm và dịch vụ khác như bán lẻ, ngân hàng v.v… Đặc biệt, các nước đã lập chuỗi siêu thị ở nước ta như Metro của Thái, Parkson của Malaysia. Khi AEC hoạt động với thuế suất giảm bằng không, hàng công nghiệp và nông sản của các nước khác sẽ tràn vào Việt Nam.

Tiến sĩ thấy việc gia nhập AEC là tiềm năng phát triển cho Việt Nam hay là mối đe dọa?

Nếu Việt Nam cải cách và tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ và có hiệu quả thì Việt Nam có thể hưởng lợi, nếu không Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà. Công nghiệp, nông sản không tiêu thụ được và người Việt Nam sẽ đi làm thuê cho các doanh nghiệp ASEAN khác.

Người lao động Việt Nam chưa được đào tạo một cách kĩ lưỡng, theo tiến sĩ có phải là quá vội vã khi Việt Nam gia nhập AEC vào năm 2015 không? Bởi lẽ, khi đó, sẽ có một làn sóng chuyển dịch của người lao động chuyên môn cao giữa các quốc gia trong khu vực.

Hội nhập là sức ép thúc đẩy cải cách. Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục-đào tạo, có nội dung, chương trình tương thích với các nước ASEAN tiên tiến khác. Từ đó, chúng ta có thể phát huy được ưu thế về lao động. Nếu không cải cách thể chế, trọng dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước (meritocracy) thì người tài, lao động có chuyên môn cao sẽ chuyển sang các nước ASEAN khác và hệ quả đối với Việt Nam sẽ rất nặng nề.

Lợi thế cạnh tranh của Doanh nghiệp Việt Nam so với những đối thủ trong khu vực và thế giới là gì? Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về sự năng động, sáng tạo nhưng kém hơn các quốc gia khác về tính chuyên nghiệp, về năng lực tài chính. Doanh nghiệp Việt Nam có thể vẫn trụ vững ở thị trường nông thôn nhưng sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt trên thị trường thành thị và các chuỗi siêu thị.

Trong tương lai, tiến sĩ nghĩ ngành nào ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nhất? Tại sao?

Việt Nam có lợi thế nhất định về dệt-may, da giày, chế biến nông, thủy sản, dịch vụ phần mềm, một số lĩnh vực trong y khoa (như bệnh nhi, ngoại khoa) và kết hợp du lịch với chữa bệnh, nghỉ dưỡng. Những lĩnh vực khác cần tái cơ cấu và cải cách mạnh mẽ. Ngoài ra, cải cách thể chế, bộ máy cũng rất quan trọng để giảm chi phí về thời gian và tiền bạc, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhận định của chuyên gia về quá trình chuẩn bị của nhà nước về công cụ, chính sách, cơ chế cho doanh nghiệp Việt cho công cuộc hội nhập này? Nhà nước chính quyền Việt Nam đã chuẩn bị những công cụ gì nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước cũng như ổn định nền kinh tế thị trường?

Chính phủ đã có một số nghị quyết về chuẩn bị gia nhập AEC nhưng việc triển khai quá chậm. Việt Nam cần thông tin kịp thời, tập huấn và cải cách bộ máy, chính sách để toàn dân và các doanh nghiệp biết.

Chuyên gia đánh giá như thế nào về tính sẵn sàng của Doanh nghiệp Việt để gia nhập AEC vào 2015? Làm thế nào để tăng tính sẵn sàng đó?

73% doanh nghiệp Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ về AEC. Chính phủ, các hiệp hội cần hoạt động có hiệu quả hơn để chuẩn bị cho các doanh nghiệp bước vào giai đoạn hội nhập mới.

Theo chuyên gia, mặc dù còn nhiều vấn đề cần chuẩn bị, nhưng đâu là điểu mấu chốt để tạo nên cú huých tổng lực cho doanh nghiệp Việt Nam trước AEC 2015?

Cần xây dựng chương trình hành động để mỗi ngành, mỗi cấp và doanh nghiệp thực hiện.

Xin cám ơn Tiến sĩ!