Hội nhập quốc tế thu hút nhà đầu tư ngoại đến thị trường chứng khoán

Theo Chứng khoán Việt Nam

Việc thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày một sâu rộng như hiện nay. Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, sự tham gia của nhà ĐTNN cùng với một lượng vốn đầu tư gián tiếp (FII) chảy vào thị trường đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định và phát triển của thị trường.... Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Hội nhập quốc tế thu hút nhà đầu tư ngoại đến thị trường chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thưa ông! Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa thoát khỏi khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và chịu không ít ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới thì hội nhập quốc tế có ý nghĩa như thế nào đối với sự ổn định và phát triển của TTCK?

Hội nhập quốc tế đang trở thành một nhu cầu cấp thiết nhằm hướng tới việc xây dựng một TTCK hiện đại, tương thích với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Sự gia tăng không ngừng của các luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua TTCK trong những năm gần đây là một bằng chứng rõ ràng về lợi ích kinh tế mà hội nhập quốc tế mang lại cho TTCK nói riêng cũng như cho sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung.

Quá trình hội nhập giúp đẩy mạnh giao dịch xuyên biên giới về vốn, đa dạng hóa các danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư trong đó bao gồm các tổ chức và cá nhân. Tăng cường hội nhập quốc tế đối với TTCK góp phần nâng cao tính vững chắc của hệ thống tài chính, ngân hàng, tăng cường kỷ luật thị trường đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển về cấu trúc và định chế hóa thị trường. Hơn nữa, hội nhập quốc tế về TTCK góp phần mở rộng cơ hội đầu tư, cơ hội tiếp nhận các kinh nghiệm về khoa học quản lý. Từ đó thúc đẩy khai thác tiềm năng phát triển và nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đi kèm với các ưu điểm của một TTCK hội nhập quốc tế là những khó khăn, thách thức mở ra cho mỗi quốc gia, nhất là đối với những nước đang phát triển. Lý do là khi tham gia hội nhập ở mức độ cao, TTCK trong nước sẽ chịu tác động ảnh hưởng không nhỏ bởi diễn biến chung của TTCK thế giới. Hội nhập TTCK trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn đặt ra yêu cầu phải tăng cường khả năng quản lý rủi ro hệ thống. Tự do hóa tài chính bên cạnh những ưu điểm của nó sẽ là nguy cơ xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính mà xuất phát điểm thường xảy ra trên TTCK.

Bởi vì, sự gia tăng luồng vốn đổ vào một quốc gia luôn chứa đựng khả năng đổi chiều ồ ạt. Điều này sẽ rất nguy hiểm khi mà luồng vốn đó chủ yếu là các luồng vốn tư nhân, khi tổng lượng vốn đổ vào lại quá khả năng hấp thụ của nền kinh tế, trong khi đó công tác quản lý các luồng vốn đó ở cấp độ kinh tế vĩ mô lại chưa đủ trình độ và năng lực tương xứng. Do đó, mở cửa thu hút vốn đầu tư thông qua quá trình hội nhập TTCK phải phù hợp với trình độ phát triển của hệ thông tài chính trong mỗi quốc gia. Đây là vấn đề rất cần các nhà hoạch định chính sách quan tâm.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng TTCK Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm tham gia của nhà ĐTNN với minh chứng là lượng mua ròng lên tới hơn 4,5 nghìn tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm. Phải chăng, nhà ĐTNN đã nhìn thấy cơ hội đầu tư ở thị trường Việt Nam hay do cơ chế và các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà ĐTNN tại Việt Nam đã thông thoáng hơn, thưa Ông?

Tôi cho rằng sự khởi sắc của hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài trên TTCK xuất phát từ cả hai nguyên nhân như đã đề cập. Trước hết, nhà ĐTNN với kinh nghiệm đầu tư, kỹ năng phân tích tốt luôn có xu hướng tìm kiếm những thị trường có tiềm lực phát triển và khả năng sinh lời trong dài hạn. Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế trong nước cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, với hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Lãi suất giảm, các thị trường vàng, ngoại hối, bất động sản đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ chính sách giải quyết nợ xấu, tín dụng sản xuất và thuế. Khi tình hình kinh tế chung đang có dấu hiệu tốt lên, TTCK đang dần có vai trò như phong vũ biểu của nền kinh tế sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà ĐTNN với chiến lược đầu tư dài hạn.

Về phía cơ quan quản lý TTCK, trong thời gian qua, Bộ Tài chính, UBCKNN đã ban hành một loạt các văn bản hướng dẫn mới, có tác động tích cực tới thị trường. Có thể kể đến các văn bản như Thông tư 213 hướng dẫn hoạt động của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam, các Thông tư 210 và 212 hướng dẫn tổ chức hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và công ty quản lý quỹ (công ty QLQ)...

Đặc biệt là sự ra đời của các Thông tư hướng dẫn thành lập và quản lý áp dụng cho các công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hoán đổi danh mục, quỹ bất động sản đã tạo cơ sở để hình thành những loại hình tài sản tài chính mới trên thị trường, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư cho các nhà đầu tư trên TTCK. UBCKNN cũng đã có những nỗ lực trong việc củng cố lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường thông qua việc tăng cường năng lực quản lý, giám sát TTCK, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, hiệu quả và phòng ngừa rủi ro hệ thống.

Điều này thể hiện ở việc hoàn thiện hệ thống văn bản về giám sát thị trường, đồng thời cũng thể hiện ở việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động giám sát thông qua việc khai trương hệ thống Giám sát Giao dịch Chứng khoán (MSS) gần đây. Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế đóng góp một phần không nhỏ trong việc chuyển giao kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng các thông lệ tốt nhất trong quản lý TTCK do Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị cũng như hợp tác với các nước thông qua các chương trình, dự án tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý TTCK.

Xin ông cho biết tình hình triển khai thực hiện các cam kết hội nhập trong lĩnh vực TTCK của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như một vài dự định trong kế hoạch hợp tác quốc tế của UBCKNN thời gian tới nhằm tăng cường sự tham gia của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam?

Năm 2013 đánh dấu một năm cam kết WTO về dịch vụ chứng khoán có hiệu lực đầy đủ. UBCKNN đã có nhiều nỗ lực trong việc chuyển hóa các cam kết quốc tế vào quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động của TTCK.

Cụ thể là Luật Chứng khoán, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập CTCK, công ty QLQ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định 58/NĐ-CP đã cho phép thành lập chi nhánh công ty QLQ nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài chính, UBCKNN đang phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng để trình Chính phủ Quyết định thay thế Quyết định số 55/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sự tham gia của bên nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Theo đó, sẽ nới rộng “không gian” tham gia của các nhà ĐTNN tại các công ty đại chúng, công ty niêm yết và các tổ chức trung gian thị trường.

Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các Ủy ban Chứng khoán trong khu vực, ủng hộ sáng kiến kết nối thị trường giao dịch chứng khoán ASEAN, hướng tới việc hình thành một TTCK ASEAN thống nhất với hình ảnh là một “loại hình tài sản đầu tư – asset class” trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế.

Đồng thời, UBCKNN sẽ triển khai áp dụng các thông lệ tốt nhất trong quản lý TTCK do IOSCO khuyến nghị, thông qua việc tham gia đầy đủ vào Biên bản Ghi nhớ Đa phương (MMOU) của IOSCO. Những dự án hợp tác với nước ngoài, với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực tăng cường quản trị công ty, quản lý rủi ro cho thành viên thị trường, tăng cường năng lực quản lý, giám sát TTCK cho cơ quan quản lý sẽ được tiếp tục triển khai, hy vọng sẽ đem lại những kết quả tốt, giúp TTCK phát triển bền vững theo định hướng phát triển và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!