Hợp tác công - tư có giải được bài toán vốn phát triển hạ tầng?

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, để các dự án hợp tác công tư (PPP) khả thi, rất cần xây dựng một cơ chế tài chính cụ thể và rõ ràng. Khác với đầu tư Nhà nước, đầu tư công, các dự án PPP đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế, khả năng sinh lời của dự án lên hàng đầu. Vì thế nếu không xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và tư nhân trong các dự án này thì sẽ rất khó thực hiện.

Theo ông, PPP có phải phương pháp tối ưu để thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng?

Hợp tác công - tư có giải được bài toán vốn phát triển hạ tầng? - Ảnh 1
TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương
Thông thường, đầu tư công của Việt Nam dành cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng tỷ trọng khá lớn (khoảng 40%). Tuy nhiên, hiện nay nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách thì không thể đủ xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông đô thị hoàn chỉnh. Trong khi, đến nay vẫn chưa thu hút được nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân. Sức ép này bắt buộc phải có giải pháp hiệu quả để khai thông nguồn lực, phục vụ sự phát triển hạ tầng giao thông đô thị của một quốc gia.

Đến nay, PPP không còn là mô hình quá mới mẻ, bản thân Việt Nam đã có những dạng thức PPP tồn tại từ trước như BTO và BOT, nhưng PPP vẫn được coi là một giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ. Với Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, đã mở cửa mô hình hợp tác này cho giới đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện tại, đã có nhiều dự án được các bộ, địa phương đề xuất triển khai đầu tư theo mô hình PPP, ước tính sơ bộ sẽ có quy mô 70-80 tỷ USD trong 10 năm tới. Tuy nhiên, đến nay mô hình này vẫn chưa được triển khai rộng rãi, cũng như chưa thực sự thu hút nhà đầu tư do sự ràng buộc của những điều kiện nhất định.

PPP có những nguyên tắc rất cơ bản, nếu không tuân thủ những nguyên tắc này thì không những không thu hút được giới đầu tư mà còn có thể dẫn đến sự thất bại. Nguyên tắc đầu tiên của PPP là phải cùng chia sẻ rủi ro, lợi ích trong đó Nhà nước phải nhìn thấy  lợi ích đem lại sự phát triển cho xã hội, còn phía tư nhân phải thu được lợi ích tính bằng trung bình thị trường đối với phần vốn mà họ đã bỏ ra đầu tư.

Nguyên tắc thứ hai là vấn đề PPP có liên quan đến nhiều mặt xã hội và có tác động lan tỏa chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính. Nguyên tắc thứ ba, trong quá trình hợp tác công – tư đầu ra và đầu vào phải rất minh bạch, nếu không đây cũng có thể trở thành “miếng mồi ngon” cho tham nhũng, nhất là trong điều kiện để đầu tư xây dựng hạ tầng luôn cần nguồn vốn lớn.

Vấn đề cuối cùng là cần có cơ chế cởi mở hơn với một số lĩnh vực được cho là vùng cấm với PPP, bởi nếu không mở cửa với những lĩnh vực này thì PPP sẽ kém hấp dẫn, nhất là với nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài. Đơn cử, kết quả kinh doanh, số liệu hoạt động của một số ngành còn mang tính độc quyền, chưa được công bố công khai, trong khi muốn có đối tác đầu tư thì thông tin, quản trị, tài chính minh bạch, rõ ràng để đảm bảo toàn xã hội cùng được hưởng lợi.

Vậy theo ông cần làm gì để khơi thông nguồn vốn từ PPP?

Để các dự án PPP khả thi, rất cần xây dựng một cơ chế tài chính cụ thể và rõ ràng. Khác với đầu tư Nhà nước, đầu tư công, các dự án PPP đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế, khả năng sinh lời của dự án lên hàng đầu. Vì thế nếu không xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và tư nhân trong các dự án này thì sẽ rất khó thực hiện.

Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, mô hình PPP là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân, vì vậy đòi hỏi phải có sự chuyển dịch về quyền lực và trách nhiệm từ cơ quan Nhà nước, chuyển dịch cung cấp dịch vụ... “Chìa khóa” cho PPP ở Việt Nam là phải xây dựng được một giải pháp có tính thị trường vững chắc, trong đó duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án.

Cũng như thông suốt với các chiến lược đầu tư, đảm bảo được nguồn tiền cho dự án, đáp ứng được yêu cầu đầu tư và tăng hiệu quả trong chuyển giao dịch vụ tới doanh nghiệp và người dân. Điều này đòi hỏi phải có chính sách, hệ thống luật pháp và cách thức triển khai... hoàn chỉnh để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông!