Hướng dẫn quản lý thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 174 (12/2016)

Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN; đồng thời, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng giao dịch, KBNN đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo và trình Bộ Tài chính Thông tư quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt và một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện những quy định tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN (Thông tư 164) đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN theo hướng: Giảm bớt và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; thực hiện nguyên tắc thanh toán trực tiếp bằng chuyển khoản từ KBNN cho người cung ứng hàng hóa, dịch vụ; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh toán.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được nêu trên, trong tình hình thực tế hiện nay, thì việc thực hiện các quy định tại Thông tư 164 phát sinh nhiều vướng mắc, một số nội dung cần bổ sung, sửa đổi như các quy định về thẻ chi tiêu công, việc chuyển hình thức sử dụng từ chứng từ giấy (séc) sang chứng từ điện tử từ KBNN sang NHTM; chỉnh sửa các khoản chi bằng tiền mặt cho phù hợp với thực tế; thay đổi mức giá trị khoản chi được phép chi bằng tiền mặt…

Trên cơ sở đó, KBNN đã dự thảo và trình Bộ Tài chính Thông tư quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt và một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN, thay thế Thông tư 164.

Dự thảo Thông tư bao gồm hai nội dung cơ bản: (1) Quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN; (2) quản lý một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN. Về cơ bản, dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư 164 vẫn còn giá trị thực hiện. Ngoài ra, dự thảo Thông tư có chỉnh sửa một số nội dung, cụ thể:

Phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Thông tư bổ sung quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh so với Thông tư 164, bao gồm: Quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN; quản lý một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN (thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản; thanh toán bằng thẻ tín dụng).

Định mức tồn quỹ tiền mặt

Dự thảo Thông tư quy định việc quản lý tiền mặt tại KBNN cấp tỉnh và KBNN cấp huyện được thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt hằng quý do KBNN cấp tỉnh thông báo; đồng thời, đưa ra công thức xác định định mức tồn quỹ tiền mặt hằng quý.

Bên cạnh đó, so với Thông tư 164, dự thảo Thông tư bổ sung quy định định kỳ hằng quý (trước ngày 25 tháng cuối quý), KBNN cấp tỉnh có trách nhiệm xác định và thông báo cho các KBNN cấp huyện trực thuộc định mức tồn quỹ tiền mặt quý sau. Trường hợp KBNN cấp tỉnh chưa thông báo định mức tồn quỹ tiền mặt hằng quý, thì các đơn vị thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt đã được thông báo trước đó.

Tổ chức thu tiền mặt

Dự thảo Thông tư quy định và dẫn chiếu theo các điều, khoản tại những văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức thu bằng tiền mặt đối với các khoản thu NSNN và các khoản thu khác; đồng thời, quy định tổ chức thu bằng tiền mặt tại các đơn vị giao dịch khi có phát sinh các khoản thu NSNN bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư quy định việc ủy nhiệm thu phí của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, so với Thông tư 164, dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm quy định định kỳ tối đa không quá 05 ngày làm việc hoặc số dư tài khoản chuyên thu vượt quá 01 tỷ đồng, đơn vị phải làm thủ tục chuyển toàn bộ số dư trên tài khoản chuyên thu tại NHTM về tài khoản của đơn vị tại KBNN (Thông tư 164 chỉ quy định định kỳ tối đa không quá 05 ngày làm việc). Quy định này nhằm cải cách thủ tục hành chính và tránh việc các đơn vị có nguồn thu lớn duy trì số dư trên tài khoản chuyên thu quá lớn trong thời gian chưa làm thủ tục chuyển tiền về KBNN.

Nội dung chi tiền mặt

Dự thảo Thông tư quy định cụ thể các nội dung chi, mức giá trị của một khoản chi và trường hợp được phép chi bằng tiền mặt. Trong đó, so với quy định tại Thông tư 164, thì bổ sung một số nội dung chi bằng tiền mặt như: Chi tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non, học sinh; các khoản chi cho các đoàn công tác, chi hỗ trợ thôn, bản ở các xã; một số nhiệm vụ chi của đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (như tiền ăn hạ sỹ quan binh sĩ; chi cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức quốc tế thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; chi thanh toán đoàn ra; công tác phí, đi nghỉ phép); nâng mức giá trị được phép chi bằng tiền mặt từ 05 triệu đồng trên một khoản chi lên 10 triệu đồng trên một khoản chi cho phù hợp với thực tế thanh toán hiện nay.

Đăng ký rút tiền mặt và thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại

Dự thảo Thông tư quy định các đơn vị sử dụng NSNN có nhu cầu rút tiền mặt trong một ngày vượt mức quy định tại dự thảo Thông tư (từ 200 triều đồng trở lên đối với đơn vị thực hiện giao dịch với KBNN cấp tỉnh; từ 100 triệu đồng trở lên đối với đơn vị thực hiện giao dịch với KBNN cấp huyện) phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất một ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ, kịp thời cho đơn vị.

So với Thông tư 164, dự thảo Thông tư bổ sung thêm quy định việc công chức KBNN nhận đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị tổng hợp, báo cáo Giám đốc KBNN hoặc người được ủy quyền phê duyệt; đồng thời, thông báo số lượng và thời gian dự kiến rút tiền mặt tại ngân hàng cho NHTM nơi KBNN mở tài khoản để ngân hàng chủ động cung cấp tiền mặt cho KBNN.

Mặt khác, bổ sung quy định trường hợp đơn vị sử dụng NSNN đăng ký rút tiền mặt qua điện thoại, thì phải gửi bổ sung văn bản đăng ký rút tiền mặt khi đơn vị đến KBNN làm thủ tục thanh toán (để tránh các trường hợp đơn vị đăng ký ảo). KBNN phải mở sổ theo dõi việc đăng ký rút tiền mặt của các đơn vị.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc các đơn vị giao dịch với KBNN cấp huyện khi có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 01 tỷ đồng trở lên trong 01 lần thanh toán, thì sau khi kiểm soát chi NSNN và kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt theo chế độ quy định, KBNN chuyển chứng từ rút tiền mặt theo phương thức điện tử đến NHTM nơi mở tài khoản để đơn vị giao dịch thực hiện lĩnh tiền mặt tại NHTM nhằm giảm số lượng chi bằng tiền mặt tại KBNN và phù hợp với thông lệ chung trên thế giới; đồng thời, nêu rõ quy trình rút tiền mặt tại các NHTM nơi KBNN cấp huyện mở tài khoản.

Thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản

Dự thảo Thông tư quy định đối tượng áp dụng và các nội dung thực hiện chi trả qua tài khoản. Trong đó, quy định cụ thể quy trình các bước thực hiện thanh toán, chi trả cá nhân qua tài khoản từ bước đơn vị giao dịch ký hợp đồng với NHTM đến bước NHTM chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của công chức, viên chức đơn vị giao dịch.

Thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng mua hàng

Dự thảo Thông tư quy định phạm vi thực hiện và quy trình thực hiện thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng. Trong đó, so với Thông tư 164, thì dự thảo Thông tư không quy định về số lượng thẻ tín dụng, giao thủ trưởng đơn vị giao dịch phối hợp với NHTM nơi mở tài khoản quyết định và tự chịu trách nhiệm cho phù hợp với thực tế nhu cầu chi tiêu của đơn vị.

Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn thời gian thanh toán thẻ tín dụng và việc chấp nhận/từ chối thanh toán của KBNN (hằng tháng, đơn vị giao dịch có trách nhiệm tổ chức đối chiếu với các hóa đơn mua hàng được lưu tại đơn vị với sao kê tài khoản thẻ. Chậm nhất trước thời hạn phải thanh toán theo quy định của NHTM là 05 ngày làm việc đối với khoản tạm ứng hoặc 07 ngày làm việc đối với các khoản thanh toán, đơn vị giao dịch phải gửi đầy đủ hồ sơ chứng từ thanh toán đến KBNN để làm thủ tục kiểm soát chi và thanh toán cho ngân hàng). Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể các khoản phí liên quan đến dịch vụ thanh toán của ngân hàng; các khoản chi phí phát sinh do lỗi của đơn vị giao dịch trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng.

Các khoản phí

Dự thảo Thông tư quy định các khoản phí và đối tượng trả phí; cụ thể bao gồm các khoản phí liên quan đến sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng thì đơn vị giao dịch thực hiện chi trả theo thỏa thuận với ngân hàng; các khoản phí mở tài khoản thanh toán của cá nhân tại ngân hàng, phí chuyển tiền vào từng tài khoản của cá nhân, các loại phí phát hành, phí thường niên của thẻ tín dụng là một khoản chi của NSNN; các khoản chi phí phát sinh do lỗi của đơn vị giao dịch trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng do đơn vị tự xác định nguồn chi trả theo nguyên tắc không lấy tiền có nguồn gốc từ NSNN để chi trả.

Dự kiến Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2017. Khi triển khai thực hiện Thông tư sẽ giúp tăng cường quản lý, kiểm soát thanh toán bằng tiền mặt trong nội bộ hệ thống KBNN để giảm bớt khối lượng thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN, phấn đấu đến năm 2020, KBNN cơ bản không thực hiện thu, chi tiền mặt.