Hướng đầu tư khác của các doanh nghiệp Hàn Quốc

Theo thoibaonganhang.vn

Nếu so sánh thì sự đầu tư bứt phá của doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại Việt Nam đang ngày càng lớn hơn DN Nhật Bản, và sản phẩm của Hàn Quốc hướng đến thị trường và người tiêu dùng Việt nhiều hơn bất cứ quốc gia nào đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Phía Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang khuyến khích DN đầu tư vào Việt Nam như một địa bàn chiến lược...

Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Nguồn: internet.
Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Nguồn: internet.


Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bốn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam trong 11 tháng/2016 có hai dự án của DN Hàn Quốc là dự án của Tập đoàn LG Display Co, Ltd, có tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD và dự án của Tập đoàn LG Innotek Co.,Ltd, với vốn đầu tư 550 triệu USD (tại Hải Phòng).

Hàn Quốc cũng vượt qua 67 quốc gia, vùng lãnh thổ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong 11 tháng của năm 2016, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,29 tỷ USD, chiếm 29,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. DN Hàn Quốc đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng, bán buôn bán lẻ, logistics…

Bà Choi Hye Jung, đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, xu hướng đầu tư của DN Hàn Quốc tại Việt Nam không giống DN nhiều quốc gia khác là đầu tư vốn lớn xây dựng nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, điện tử. DN Hàn Quốc đầu tư mạnh vào sản xuất hàng tiêu dùng (điện lạnh, điện tử gia dụng, ô tô) phục vụ thị trường Việt Nam.

Không chỉ số lượng DN, dự án đầu tư tăng mạnh qua từng năm, mà DN Hàn Quốc còn mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như dịch vụ, giải trí, công nghiệp thực phẩm, hàng tiêu dùng, phân phối và bán lẻ.

Nhìn vào danh mục các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian đầu (trước năm 2014) là những tập đoàn công nghiệp lớn như Samsung, LG, Kumho, Posco, Lotte, E-Mart… đến hiện nay đã có thêm rất nhiều DN nhỏ và vừa đến Việt Nam đầu tư độc lập, hay với tư cách là công ty vệ tinh của những tập đoàn lớn.

Chưa hết, một số DN lớn của Hàn Quốc đã liên tục mở rộng quy mô công ty hay mạng lưới DN. Cụ thể như Công ty CJ Việt Nam, vốn 100% từ Hàn Quốc, ban đầu chỉ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đường. Nhưng sau 10 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện nay Công ty CJ đã có mạng lưới 12 công ty con, hoạt động trong nhiều lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, phân bón, truyền hình mua sắm và sản xuất, phát hành phim.

Lotte đầu tư ban đầu là trung tâm thương mại Lotte tại TP. Hồ Chí Minh, sau 8 năm đã có đến 20 công ty thành viên và đang trong quá trình phát triển thêm nhiều loại hình kinh doanh khác tại Việt Nam như bán hàng qua mạng, thức ăn nhanh, rạp chiếu phim…

Nếu so sánh thì sự đầu tư bứt phá của DN Hàn Quốc tại Việt Nam đang ngày càng lớn hơn DN Nhật Bản, và sản phẩm của Hàn Quốc hướng đến thị trường và người tiêu dùng Việt nhiều hơn bất cứ quốc gia nào đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Phía Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang khuyến khích DN đầu tư vào Việt Nam như một địa bàn chiến lược.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dự báo thời gian tới, nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào nhiều lĩnh vực như công nghiệp điện tử, với những DN đi đầu là Samsung, LG cùng nhiều DN vệ tinh. Hay lĩnh vực bán lẻ với tên tuổi Lotte, E-Mart, Shinseghe, bất động sản với Kumho, dịch vụ giải trí, logistish của CJ… và rất nhiều DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thực phẩm chế biến…

Song hành cùng làn sóng DN đầu tư, sẽ hình thành những khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ DN Hàn. Bên cạnh lợi ích thu hút vốn đầu tư lớn cho đất nước, những DN Hàn Quốc còn đang tạo sức ép cạnh tranh để ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam phát triển.

Việc DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp cho những tập đoàn sản xuất điện tử, ô tô (Samsung, LG, Hyundai) đã cho DN Việt thấy rõ năng lực của mình đang đến đâu trong chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó phát huy thế mạnh. Và đến nay, chỉ tính riêng Samsung đã có gần 200 DN Việt trở thành nhà cung cấp.

Đầu tư tăng, đi đôi với nhu cầu tuyển dụng lao động, bà Choi Hye Jung cho biết, hiện nay DN Hàn Quốc tại Việt Nam đang sử dụng trên 700 nghìn lao động tại chỗ và dự tính con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Vì hầu hết các DN Hàn Quốc đang có kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất hay hệ thống kinh doanh tại Việt Nam.