Hướng đi nào cho tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020?

PV.

Trong giai đoạn 2011- 2015, cả nước đã triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm qua cũng cho thấy nhiều vấn đề cần bàn thảo để đưa ra những giải pháp hữu hiệu hơn cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn tiếp theo…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gần 5 năm triển khai đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh đã để lại những kết quả tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô liên tục được giữ vững. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng, đạt 83% GDP vào năm 2015. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn khoảng 46,5%.

Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được thực hiện tập trung trên 3 lĩnh vực là đầu tư (trọng tâm là đầu tư công), doanh nghiệp (trọng tâm là doanh nghiệp nhà nước) và hệ thống tài chính (trọng tâm là ngân hàng thương mại). Trong đó, hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, năng suất nhân tố tổng hợp đã được cải thiện đáng kể. Các hoạt động đầu tư công, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, của hệ thống ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn, có sự giám sát lớn hơn. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư đã được cải thiện mạnh mẽ nhờ thông qua các luật về doanh nghiệp, đầu tư… và đã được các tổ chức xếp hạng thế giới ghi nhận có sự cải thiện.

Quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế đã đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, xét trên ba vấn đề chính là tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu đầu tư công vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”.…

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ dừng lại ở siết kỷ luật đầu tư công chứ chưa tập trung vào các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí đầu tư. Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tốc độ cổ phần hóa vẫn còn chậm, chất lượng cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vẫn còn những hạn chế nhất định như quy trình xử lý nợ xấu vẫn kéo dài và chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn còn đang cao là rào cản tiếp cận lãi suất của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tái cơ cấu vùng, ngành chưa đi vào thực chất. Đổi mới thể chế kinh tế chỉ thực hiện trên bề mặt thông qua cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hệ thống pháp luật chuyên ngành… So với các nước trong khu vực thì những cải cách vẫn chưa đủ để đáp ứng tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi thân thiện với thị trường.

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng: "Nền kinh tế Việt Nam chưa quay về tốc độ tăng trưởng 7% đạt được vào giữ thập niên 2000, dù GDP đã cải thiện. Lý do là bởi tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa được làm triệt để".

Để tiến tới giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu phấn đấu trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5- 7%/năm; Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD…, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Ban Kinh tế vĩ mô Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nền kinh tế phải giải quyết được 3 vấn đề lớn. Thứ nhất là tạo việc làm cho người dân với công cụ then chốt phải là doanh nghiệp tư nhân; Thứ hai là nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư; Thứ ba là đổi mới chính sách quản lý kinh tế theo hướng, phải tạo điều kiện tối đa cho DN tư nhân phát triển, quản lý đầu tư công theo thông lệ thế giới...

Cùng chung quan điểm trên, Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng, mục tiêu tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, cần phải chú ý tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân là ưu tiên hàng đầu, trong đó doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là công cụ then chốt. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực đầu tư, đổi mới thể chế quản lý kinh tế.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhận định thách thức lớn nhất hiện nay là đang có một khoảng cách lớn giữa thể chế tạo ra bởi các hiệp định thương mại tự do và thể chế trong nước. Theo ông Cung: “Chỉ khi chúng ta thay đổi thì chúng ta mới biến những thách thức thành cơ hội”

Còn theo chuyên gia kinh tế Raymond Mallon, cố vấn cấp cao Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV), thì tái cơ cấu không phải là một mục tiêu. Các mục tiêu của tái cơ cấu phải là: công bằng, ổn định, nâng cao mức sống, tạo việc làm… Tái cơ cấu kinh tế chỉ là một phần của quá trình thay đổi dẫn tới các mục tiêu này. “Do đó, để thực hiện tái cơ cấu cần phải đưa ra những mục tiêu rất rõ ràng, cụ thể để thực hiện”, ông Raymond Mallon nhấn mạnh.