Huy động nguồn ngoại tệ trong dân: Từ chủ trương đến hiện thực

Theo daibieunhandan.vn

Cho rằng việc huy động ngoại tệ trong dân của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đúng và cần làm để tăng thêm nguồn lực phát triển, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm biến chủ trương thành hiện thực bằng những giải pháp cụ thể.

Việc huy động USD sẽ ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất. Nguồn: Internet
Việc huy động USD sẽ ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất. Nguồn: Internet

Xác định rõ nguồn ngoại tệ

Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với NHNN mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, yêu cầu NHNN sớm có chủ trương huy động nguồn lực trong dân.

“Làm thế nào huy động được nguồn USD đang nằm trong dân; thay vì gửi lãi suất 0%, nên có chính sách huy động nguồn lực này để phục vụ đầu tư. Đó là một trong số tiêu chí để phấn đấu hạ lãi suất”, Bộ trưởng nói.

Giải đáp về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, phần lớn ngoại tệ trong dân đã được chuyển hóa thành đồng Việt Nam, chuyển hóa trực tiếp vào đầu tư kinh doanh.

Đây là điều tốt nhất, phù hợp nhất trong điều kiện chúng ta vẫn kiểm soát được ổn định vĩ mô và không để những biến động bên ngoài tác động vào thị trường tiền tệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.

Theo đánh giá của Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải, những năm qua, Chính phủ đã có những định hướng đúng để chống USD hóa như giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ về mức 0%/năm, góp phần làm giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi bằng VNĐ. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chống USD hóa còn chưa quyết liệt, đồng USD vẫn còn được đề cao gây tác động đến tỷ giá.

Đối với việc huy động USD trong dân, chuyên gia này băn khoăn khi không biết huy động bằng cách nào? Theo ông Hải, việc huy động ngoại tệ bằng cách nâng lãi suất tiền gửi ngoại tệ hay phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ để vay của dân rồi cho vay lại là hạ sách.

Còn theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, NHNN cần báo cáo lại với Chính phủ con số chính xác về nguồn ngoại tệ trong dân. Phải biết rõ trong dân còn có bao nhiêu ngoại tệ, trước khi có chính sách huy động để phục vụ đầu tư.

Với tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam thì dự trữ ngoại hối của NHNN có thể đạt 200 tỷ USD chứ không phải 40-50 tỷ USD như hiện nay. Bởi người dân có thói quen dự trữ vàng, ngoại tệ nên việc huy động chưa được nhiều.

Cải cách hệ thống ngân hàng

Theo các chuyên gia, việc huy động USD sẽ ảnh hưởng đến việc hạ lãi suất. Nếu NHNN thực hiện huy động USD dưới hình thức tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ thì Chính phủ sẽ không thể thực hiện được việc giảm lãi suất cho vay. Điều này có thể dẫn đến mâu thuẫn với việc hạ lãi suất, ông Hải phân tích.

Trên thế giới, các nước thực hiện các chính sách như lãi suất tiền gửi ngoại tệ âm, người gửi phải trả phí khi gửi tiền vào ngân hàng, thực hiện chính sách không cho vay ngoại tệ, đánh thuế VAT với giao dịch vàng... để bảo vệ đồng nội tệ. Ở nước ta, nếu Chính phủ có chính sách bảo vệ đồng nội tệ và thực hiện tốt điều đó thì lãi suất tiền gửi VNĐ có cơ hội hạ thấp.

Đồng thời, chuyên gia này băn khoăn về các biện pháp mà NHNN đề ra để huy động USD. Vấn đề hạ lãi suất không nhất thiết phải dựa vào việc huy động USD trong nhân dân. Theo Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, trước tiên NHNN cần phải quán triệt trách nhiệm, quyền hạn và thực thi các trách nhiệm của ngân hàng Trung ương.

Căn cứ Điều 10 và Điều 11 của Luật Ngân hàng Nhà nước, NHNN có thể cho ngân hàng  thương mại vay theo lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định, có thể là 1-2% để ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay với lãi suất không quá 5%.

Bên cạnh đó, NHNN có thể thiết lập một “Chương trình tái cấp vốn đặc biệt”, ưu tiên cho “thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, thủy sản… Chương trình tái cấp vốn đặc biệt, với lãi suất thấp từ NHNN, sẽ được thực hiện theo các quy tắc bảo đảm nguồn tiền đi đúng hướng, đúng mục đích và không gây ra lạm phát vì chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đã được NHNN quy định.

Do vậy, hoạt động kinh tế sẽ dần dần phát triển ổn định, nguồn vốn trong nhân dân “chảy” vào hệ thống ngân hàng sẽ tăng, thanh khoản của các tổ chức tín dụng sẽ được cải thiện và số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải, với tình hình hiện nay, việc hạ lãi suất cho vay rất khó, đòi hỏi Chính phủ phải có giải pháp khác. Ông Hải cho rằng, cần mạnh mẽ cải cách hệ thống ngân hàng để nâng cao hiệu quả, giảm nhanh bội chi ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi tiêu của Chính phủ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì mới có khả năng giảm nhanh lãi suất cho vay cũng như huy động nguồn USD trong dân vào sản xuất kinh doanh.