Huy động trái phiếu địa phương và bài học từ Trung Quốc

Theo Sài Gòn Tiếp thị

“Làn sóng” phát hành trái phiếu địa phương như cứu cánh để “bồi lấp” các khoảng bội chi, bất chấp các cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước bởi khi các địa phương ồ ạt phát hành trái phiếu mà không có khả năng trả thì “con nợ” không ai khác là Chính phủ.

Huy động trái phiếu địa phương và bài học từ Trung Quốc
TP. Đà Nẵng lần đầu tiên phát hành trái phiếu để thêm nguồn tài chính cho các dự án công lớn

Ngày 3/1/2013, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Ủy ban Nhân dân TP. Đà Nẵng đã phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng khối lượng phát hành có giá trị 5.000 tỉ đồng. Năm 2012, ngân sách nhà nước gặp phải “bội chi” khi thâm hụt 11 tháng đầu năm 2012 đã tăng lên mức khoảng 6,2 tỉ USD.

Trái phiếu địa phương "lấp đầy ngân sách"?

Theo báo cáo của Chính phủ, phát hành trái phiếu chính phủ trong nước năm 2010 được 68.292 tỉ đồng, năm 2011 đạt 80.447 tỉ đồng và dự kiến năm 2012 là 120.000 tỉ đồng. Gần đây, sau khi công bố bội chi được nêu ra, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, khu vực đua nhau kiến nghị phát hành trái phiếu địa phương.

Tuy nhiên, sẽ rất nguy hiểm nếu “cuộc đua” trái phiếu địa phương này không nhằm mục đích phục vụ chính sách, dự án, hay kèm theo giải pháp đầu tư nào mà chỉ nhằm “hoá đầy” ngân sách, đảm bảo mục tiêu GDP.

Trước hết, việc huy động trái phiếu địa phương để “đầy” ngân sách sẽ khiến đồng tiền “dừng” một cách vô nghĩa. Khi đó, quy luật hàng – tiền – hàng sẽ mất đi, nghĩa là đồng tiền mất khả năng cho ra đời những sản phẩm mới thông qua quá trình đầu tư, phát triển, sản xuất. Như vậy, tiền lúc này mất đi chức năng cơ bản là phương tiện trao đổi, đồng thời lâm vào trạng thái “đóng băng”, gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Hoặc giả, tiền sau khi được huy động được đổ vào đầu tư công nhằm phục vụ lợi ích chung cho nền kinh tế. Trường hợp này sẽ chỉ có ích ở một mức độ nhất định, nếu việc huy động trái phiếu địa phương quá cao để đổ vào đầu tư công thì đầu tư tư nhân – mắt xích nền kinh tế quốc gia – sẽ bị “buộc lại”.

Theo tính toán từ một nghiên cứu thực nghiệm của ông Nguyễn Trí Dũng, người điều phối dự án tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô, uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn từ năm 2000 – 2010, việc gia tăng đầu tư công quá lớn khiến đầu tư tư nhân bị chèn ép rất nhiều. Theo đó, “cứ 1% tăng lên của đầu tư công năm đầu tiên sẽ khiến đầu tư tư nhân thu hẹp 0,48% sau một thập niên”. Đó là chưa kể đến những hệ luỵ to lớn nếu khủng hoảng nợ công xảy ra.

Tính đến hết năm 2011, nợ công của Việt Nam chiếm 55% GDP trong khi con số này chỉ khoảng 30% ở các nước châu Á. Khi các địa phương ồ ạt phát hành trái phiếu mà không có khả năng trả thì “con nợ” không ai khác là Chính phủ. Thế nên quyết định nâng trần nợ công Việt Nam năm 2015 không vượt quá mức 65% vẫn còn là một dấu “chấm hỏi” trong bối cảnh vay nợ chỉ vì “ngân sách” hoặc đầu tư các dự án thiếu đảm bảo, đặc biệt là kinh tế chưa có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ như hiện nay.

Bài học từ Trung Quốc

Tháng 11/2011, Bộ Tài chính Trung Quốc đưa ra một quyết định mang ít nhiều tranh cãi khi chính thức cho phép hai tỉnh Chiết Giang và Quảng Đông, cùng hai thành phố lớn là Thượng Hải và Thâm Quyến tự do phát hành trái phiếu địa phương kỳ hạn từ 3 – 5 năm. Tháng 6/2012, Bộ Tài chính Trung Quốc đã buộc phải ra quyết định thu hồi quyết định này.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 để lại cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều hệ quả lớn, một trong số đó chính là những khoản “nợ xấu” khổng lồ giữa các chính quyền địa phương và các ngân hàng Trung Quốc.

Nhìn lại năm 2009, để giúp guồng máy kinh tế Trung Quốc nhanh chóng quay trở lại nhịp độ phát triển “nóng” của mình, các nhà hoạch định vĩ mô đã quyết liệt theo đuổi chính sách kích thích kinh tế bằng phương thức “kích cầu”.

Bên cạnh việc cung một lượng tiền khổng lồ để giải cứu các doanh nghiệp, Bắc Kinh cũng đồng thời nới lỏng quản lý và khuyến khích các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, và cả những dự án đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, quả bóng nợ ngân hàng tại Trung Quốc dần căng lên cũng là một hệ luỵ tất yếu.

Theo ông Ting Lu – chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Merrill Lynch (Hoa Kỳ), gần 90% cơ sở hạ tầng đô thị tại Trung Quốc được tiến hành xây dựng bởi các công ty, được lập nên dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương.

Để xây dựng được những công trình đó, các công ty này buộc phải “vay mượn” tiền mặt từ ngân hàng. Tuy nhiên, thực trạng ảm đạm của thị trường bất động sản, khiến cho các chính quyền địa phương đứng trước bài toán khó giải: cho các “gói nợ” hơn 10.000 tỉ nhân dân tệ.

Việc cấp phép thử nghiệm phát hành trái phiếu địa phương vào tháng 11/2011 đã mở ra một “kênh” mới để các chính quyền địa phương tăng tính thanh khoản cũng như minh bạch chính sách đầu tư, đồng thời huy động tiền mặt đổ vào các dự án xây dựng. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất và cấp thiết nhất có vẻ là “vay nợ để trả nợ”.

Ngay từ khi “phép thử” trái phiếu địa phương này được ban hành vào cuối năm 2011, những chuyên gia kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đã lên tiếng cảnh báo về những “mặt trái” mà kế hoạch này vấp phải. Liệu các khoản “nợ địa phương” này đủ sức chi trả cho các khoản nợ ngân hàng? Những rủi ro về vỡ nợ đã được lường trước và suy tính cách xử lý hay chưa?...

Tháng 6/2012 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã buộc phải ra quyết định thu hồi giấy phép về việc các địa phương được trực tiếp phát hành trái phiếu.

Thay vào đó, tất cả các chính quyền địa phương muốn sử dụng công cụ trái phiếu sẽ phải đăng ký về ngân hàng Trung ương, và để cho chủ thể này phát hành trên danh nghĩa của mình. Động thái này cho thấy rõ mối quan ngại của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Một chính quyền địa phương thiếu kiểm soát chặt chẽ về tài chính, tâm lý chủ quan trong việc phát hành trái phiếu sẽ dẫn đến sự lạm chi trong ngân sách nhằm đạt được một số mục đích chính trị lẫn kinh tế của riêng mỗi vùng. Tất cả đều dẫn đến một hậu quả chung là quả bong bóng “nợ” của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục được bơm căng, cho đến khi nào nền kinh tế này không còn đủ sức chịu đựng được nữa.