Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho công tác giảm nghèo

PV.

(Tài chính) Trong những năm qua, nhờ nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, nên công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, từ đó đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, cần tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mớ; Huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh trông chờ vào ngân sách Trung ương…

Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nguồn: internet
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nguồn: internet

Giảm nghèo bền vững

Theo Báo cáo kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8-6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).

Trong năm năm 2014 công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được Đảng và Nhà nước quan tâm, được ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt hơn nguồn lực đầu tư và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Về mục tiêu giảm nghèo của năm 2015, theo Ban Chỉ đạo Trung ương, sẽ phấn đấu đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%. Theo đó, mục tiêu tổng quát là đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã nghèo.

Trong khi đó, về mục tiêu cụ thể, cần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyên, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo. Đưa thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015.

Đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm về giảm nghèo

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu công tác giảm nghèo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp quan trọng, cụ thể:

Thứ nhất, năm 2015 và những năm tiếp theo, cả nước tập trung chỉ đạo thực hiện nhằm mục tiêu giảm 1-1,5% hộ nghèo, số hộ nghèo trong các huyện nghèo giảm 3-4%, xuống dưới 30%. Các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt và nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Phải coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là một tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền.

Thứ hai, tập trung rà soát chính sách để loại bỏ những chính sách lạc hậu, không còn phù hợp và bổ sung những chính sách mới, phù hợp. Các chính sách sửa đổi, bổ sung phải hướng vào hỗ trợ hộ nghèo, hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo 2 hướng là hỗ trợ sản xuất và hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Về hỗ trợ sản xuất, tập trung vào hỗ trợ cho nhân dân trong sản xuất trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; giao đất, giao rừng cho người dân gắn với phát triển và bảo vệ rừng, điều chỉnh các chính sách về giữ rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ lương thực, giống, khuyến nông, đào tạo nghề, lãi suất cho vay phát triển sản xuất; hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn khó khăn và thu hút lao động tại chỗ gắn với hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp. Về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, trong chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, cần thực hiện hỗ trợ các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch, bảo hiểm y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, đầu tư hạ tầng.

Thứ ba, cần huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Thủ tướng cho biết ngân sách Trung ương sẽ cân đối để bảo đảm chi cho nhiệm vụ này đồng thời đề nghị các địa phương tiết kiệm chi để bố trí thêm. Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng; khuyến khích nỗ lực vươn lên của người nghèo, hộ nghèo. Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội tăng thêm dư nợ tín dụng người nghèo so với chỉ tiêu 10% hiện nay để tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng hộ nghèo được hỗ trợ tín dụng chính sách; đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Thứ tư, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 cần chuẩn bị tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 và xây dựng Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với những tiêu chuẩn, tiêu chí cao hơn, gắn với việc xây dựng, ban hành và thực hiện chuẩn nghèo mới. Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong thời gian tới.


Phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giảm nghèo bền vững mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Trong mọi hoàn cảnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống nhân dân”. Thủ tướng khẳng định đồng thời yêu cầu cần phải nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của công tác này để làm tốt hơn trong thời gian tới, trong đó cần khắc phục tình trạng chính sách trùng dẫm, chồng chéo, khó thực hiện, hoặc có chính sách mà không cân đối được nguồn lực để thực hiện; kết quả giảm nghèo chung cả nước đáng ghi nhận nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao; tình trạng huy động nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu, sử dụng nguồn lực hiệu quả chưa cao, có nơi chưa dành ưu tiên cho công tác giảm nghèo hoặc trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Trung ương…