Huy động vàng, USD – bài toán khó?

Theo baodauthau.vn

Câu chuyện làm thế nào để huy động vàng, USD trong dân tiếp tục trở thành đề tài “nóng” trong các cuộc làm việc, thảo luận của Chính phủ, các bộ, ngành và các chuyên gia, tổ chức trong lĩnh vực kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phải có môi trường kinh doanh thuận lợi

Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại 3 lần việc NHNN cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD đang nằm trong dân.

Theo Thủ tướng, thay vì gửi USD với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì phải làm sao huy động được nguồn lực trên. Chúng ta vẫn đang phải phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất trên 4%.

Tại Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ cũng đã yêu cầu NHNN nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, GS., TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, việc đưa ra giải pháp huy động được nguồn lực vàng, ngoại tệ thời điểm này là rất khó.

“Trong thời gian qua, có nhiều thời điểm lạm phát bất ổn, tiền đồng mất giá nên đa số người dân vẫn có tâm lý chia tiền ra làm 3 phần, một phần gửi tiết kiệm, một phần USD, một phần vàng để đảm bảo trong mọi trường hợp. Chính vì tâm lý này, việc muốn huy động nguồn lực ngoại tệ hay vàng trong dân không phải là dễ”, ông Lược cho biết.

Trên thực tế, NHNN trong nhiều năm qua đã có biện pháp bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ bằng cách không cho nhập khẩu vàng, giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm. Những chính sách này đã góp phần làm cho thị trường vàng bình ổn, một phần USD đã được chuyển hoá thành tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên vẫn chưa xử lý triệt để được hiện tượng găm giữ vàng, USD trong dân.

Theo ông Võ Đại Lược, trong bối cảnh hiện này, chỉ có thể huy động nguồn lực trong dân thông qua việc khuyến khích đổ tiền vào các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán. Nếu phát triển được thị trường chứng khoán bền vững, người dân sẵn sàng bán vàng, USD để đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, việc huy động nguồn lực trong dân cần được hiểu là có cơ chế, chính sách làm sao để tạo được môi trường vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh cải thiện, giá trị và niềm tin vào VND được củng cố, qua đó sẽ kích thích nguồn lực vàng và ngoại tệ chuyển động, đi vào sản xuất, kinh doanh.

“Khi môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi thì vàng vẫn được coi là nơi trú ẩn an toàn để người dân bảo toàn tài sản của họ. Việc tìm cách chuyển vàng trong dân thành tiền đầu tư sản xuất là vấn đề không dễ và cũng chứa đựng không ít rủi ro”, ông Thành nhận định. 

Nên hay không huy động vàng, USD?

Nếu huy động từ dân cư, lãi suất huy động USD nếu được điều chỉnh lên 0,25% thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đi vay từ các ngân hàng nước ngoài. Như vậy cũng góp phần giảm lãi suất đầu ra
TS. Cấn Văn Lực
Đề cập đến việc huy động vàng trong dân, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, bản chất của việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Bởi vàng hiện được cất giữ trong dân có bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.

“Để đồng tiền Việt mạnh và ổn định, tôi không tán thành việc huy động vàng hay USD. Bởi lẽ nếu thực hiện huy động bằng cách thêm chức năng lãi suất, vàng và USD sẽ có thêm chức năng lưu thông trở thành phương tiện thanh toán, dễ gây hỗn loạn cho thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ”, ông Thành nêu quan điểm.

Do vậy, theo ông Thành, NHNN cần kiên định con đường tách vàng và USD ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng lại bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương huy động vàng, USD trong dân. Ông Lực cho rằng, nên phát hành chứng chỉ vàng để người dân cầm cố vàng, vay tiền để đầu tư, sản xuất, kinh doanh mặc dù giải pháp này không được giới chuyên gia đánh giá cao về tính khả thi. Ông Lực dẫn chứng, việc huy động vàng đã được Ấn Độ làm thành công và bối cảnh hiện nay Việt Nam cần nghiên cứu thêm.

Cũng theo ông Lực, việc phát hành chứng chỉ vàng không có lãi suất sẽ giúp người dân có thể dùng chứng chỉ vàng để cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng. Áp dụng giải pháp này, vàng sẽ không bị “cất giấu” trong tủ mà được đưa vào sản xuất kinh doanh. Với hình thức này, vàng vẫn chỉ mang tính chất tài sản, chứ không phải là phương tiện thanh toán.

Còn về giải pháp huy động đồng USD, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NHNN nên xem xét huy động ngoại tệ này bằng cách nâng trần lãi suất huy động từ 0% lên khoảng 0,25%.

Theo ông Lực, nhu cầu cho vay ngoại tệ năm nay cao hơn năm trước. 6 tháng đầu năm 2017, cho vay ngoại tệ tăng khoảng 5%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng khoảng từ 1,5 - 2%. Điều này cho thấy nền kinh tế có nhu cầu vay ngoại tệ rất lớn. Trong khi đó, các ngân hàng phải đi vay ngân hàng nước ngoài, lãi suất khoảng 2,5%/năm.

“Nếu huy động từ dân cư, lãi suất huy động USD nếu được điều chỉnh lên 0,25% thì sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đi vay từ các ngân hàng nước ngoài. Như vậy cũng góp phần giảm lãi suất đầu ra”, ông Lực nêu quan điểm.