IMF: Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Sự lựa chọn đúng của Việt Nam nên là đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu”, ông Sanjay Kalra, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam chia sẻ.

Kinh tế Việt Nam năm 2012 dù tăng trưởng thấp nhưng tương đối ổn định. Năm 2013 này, Việt Nam nên tập trung vào tăng trưởng, hay ổn định, thưa ông?

IMF: Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu - Ảnh 1
Ông Sanjay Kalra, Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam
Tăng trưởng đã chậm hơn trong năm 2012 và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn để tồn tại. Dù thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng rất chậm và hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Thị trường bất động sản đóng băng. Thị trường tài chính có một số bất ổn liên quan đến vấn đề nội tại của một số ngân hàng thương mại.

GDP và tăng trưởng tín dụng thấp hơn trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào cho thấy các vấn đề trong hệ thống ngân hàng cần phải được giải quyết. Tuy nhiên, các vấn đề này không thể được giải quyết mà không xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những nỗ lực để nâng tăng trưởng kinh tế mà không giải quyết các vấn đề về cơ cấu có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực, bao gồm cả lạm phát cao và tỷ giá hối đoái bất ổn.

Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, sự lựa chọn đúng nên là đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng thấp hơn trong ngắn hạn, nhưng sẽ gieo những hạt giống cho tăng trưởng cao hơn bền vững về dài hạn.

Ý ông là Việt Nam nên chấp nhận tăng trưởng kinh tế thấp trong năm 2013 để tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô?

Đúng vậy và để giữ ổn định kinh tế, các chính sách kinh tế vĩ mô nên tiếp tục thắt chặt một cách phù hợp trong năm 2013. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải duy trì lãi suất chính sách ở mức hiện tại trong một thời gian nữa. Đồng thời, NHNN phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát, kể cả những áp lực nảy sinh từ giá lương thực và giá nhiên liệu toàn cầu.

Mức dự trữ ngoại hối đã tăng, nhưng vẫn thấp hơn mức được xem là an toàn để đối phó với những cú sốc lớn từ bên ngoài. Mặc dù niềm tin vào tiền đồng đã tăng lên, song vẫn chưa đủ để đối phó với sự bất ổn của thị trường tài chính trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tăng thêm mức dự trữ ngoại tệ thông qua chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt một cách thích hợp - cả chính sách tiền tệ và tài khóa và làm cho tiền đồng mạnh hơn trong con mắt của công chúng. Để làm được điều này, việc hợp tác chặt chẽ giữa NHNN và Bộ Tài chính là rất cần thiết.

Việt Nam đã yêu cầu tham gia vào Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) mà IMF và Ngân hàng Thế giới phối hợp thực hiện. Mục đích của Chương trình là thực hiện một chẩn đoán toàn bộ khu vực tài chính và xác định các điểm mạnh cũng như điểm dễ bị tổn thương. Trên cơ sở đó, có thể thực hiện các cải cách cụ thể nhằm tạo ra một khu vực tài chính vững mạnh.

Tuy nhiên, cải cách cơ cấu cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ và phải trích lập dự phòng cho chi phí cấp vốn bổ sung cho ngân hàng và cải cách các DNNN, kể cả hậu quả của việc dôi dư lao động có thể xảy ra. Theo kinh nghiệm quốc tế, cải cách DNNN thường kèm theo nợ dự phòng lớn. Truyền thông cũng rất quan trọng để công chúng và thị trường hiểu một cách đúng đắn về những động thái chính sách của Chính phủ. Việc kêu gọi nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô thường xuất hiện ở nhiều quốc gia cũng trong hoàn cảnh mà Việt Nam đang trải qua. Nhưng Việt Nam không còn nhiều không gian chính sách để thực hiện các chính sách nới lỏng hơn nữa. Quản lý chính sách đúng đắn cần đứng trên áp lực và giải thích cho công chúng hiểu rằng, hy sinh trong ngắn hạn sẽ tạo điều kiện cho những lợi ích lớn hơn về lâu dài.

Ông có nói đến việc đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu, vậy ông đánh giá thế nào về tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến nay?

Chính phủ đã thực hiện các biện pháp để củng cố khu vực ngân hàng, bao gồm cả việc sáp nhập ngân hàng yếu kém vào cuối năm 2011 và giữa năm 2012; xem xét thành lập một công ty quản lý tài sản để giải quyết vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và những nỗ lực để tăng cường quản lý rủi ro và quản trị tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Các ngân hàng cần phải chấp nhận mức độ nợ xấu thực sự. Việc đảo nợ khi quá hạn không phải là giải pháp cho vấn đề này, bởi nó không thay đổi được năng lực trả nợ của người vay. Một khi mức độ nợ xấu thực sự được công nhận, các ngân hàng cần phải thực hiện các điều chỉnh trong bảng cân đối kế toán, gồm cả trích lập dự phòng cho các khoản vay này, xóa bỏ nợ xấu khỏi bảng cân đối và điều chỉnh giảm vốn. Nợ xấu cần phải được xử lý và cần có các nỗ lực để thu hồi chúng.

Giải quyết nợ xấu nhất thiết phải liên quan đến việc sử dụng các nguồn lực công. Điều này sẽ phải được chấp nhận, vì đã được thực hiện ở một số nước từng trải qua các vấn đề tương tự. Điều quan trọng là những hoạt động này phải hiệu quả, minh bạch. Nhưng vẫn cần phải có một chiến lược xử lý các ngân hàng toàn diện và rõ ràng. Đòi hỏi cấp bách hiện nay là phải có một kế hoạch giải quyết hiện thực, được xây dựng trên cơ sở thanh tra tại chỗ kỹ lưỡng thực trạng của các ngân hàng để biết mức độ thực chất của tổn thất và nhu cầu cấp vốn bổ sung. Kế hoạch giải quyết cần phân biệt giữa các ngân hàng thiếu thanh khoản và mất khả năng thanh toán, buộc các cổ đông hiện hữu chấp nhận tổn thất trước khi được bơm vốn mới và xử lý các tài sản xấu. Sự chậm trễ trong cải cách ngân hàng sẽlàm tăng các khoản nợ dự phòng và gây rủi ro cho sự bền vững của nợ công.

Còn tiến độ cải cách DNNN, nên đi với tốc độ nào, thưa ông?

Tiến độ cải cách DNNN cũng đã chậm đáng kể so với mức độ cần thiết. Một phần đáng kể của các khoản vay trong khu vực ngân hàng là cho các tập đoàn kinh tế và DNNN. Các vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay không thể giải quyết được mà không giải quyết các vấn đề của khách hàng vay. Vì vậy, cải cách các tập đoàn kinh tế và DNNN là rất quan trọng. Chiến lược cải cách của các nhà chức trách hiện tại chủ yếu tập trung vào việc giữ lại các doanh nghiệp lớn, làm ăn có lãi với quyền lực độc quyền lớn hoặc nằm trong các lĩnh vực chiến lược trong tay của Nhà nước.

Chúng tôi tin rằng, bước đi đầu tiên là tình hình tài chính thực sự của các tập đoàn kinh tế và DNNN phải được công bố cho công chúng, bao gồm cả báo cáo thu nhập và cân đối kế toán được kiểm toán và sự vay mượn của các doanh nghiệp này từ hệ thống ngân hàng. Những doanh nghiệp này sử dụng tiền công quỹ cho các hoạt động của họ và công chúng cần được biết về các hoạt động này. Sau khi tình trạng tài chính thực sự của các doanh nghiệp được công khai, mới thực hiện các bước để cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị. Các kế hoạch này phải được xây dựng, bao gồm cả dự toán chi phí cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần và được thực hiện trong một thời gian nhất định.