Kế hoạch tài chính – ngân sách của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2018-2020

PV.

Theo Thông tư số 71/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc lập kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 03 năm 2018-2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần chú ý một số nội dung quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, bên cạnh các nội dung có liên quan về công tác lập kế hoạch thu, chi NSNN 03 năm 2018-2020 quy định tại Điều 15 (về Lập kế hoạch thu NSNN) và Điều 16 (về Lập kế hoạch chi NSNN 03 năm 2018-2019 của các bộ, cơ quan trung ương và cơ quan, đơn vị ở cấp tỉnh) tại Thông tư số 71/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính, thì việc lập kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn phải chú ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương 05 năm 2016-2020 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định và dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2018; trên cơ sở dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2019, 2020; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương năm 2019, năm 2020, gửi Sở Tài chính để làm căn cứ lập kế hoạch tài chính – NSNN năm 03 năm 2018-2020.

Thứ hai, căn cứ số thu được giao, phạm vi thu NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, dự kiến dự toán thu NSNN trên địa bàn địa phương năm 2018, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan địa phương và các cơ quan khác có liên quan ở địa phương lập kế hoạch thu NSNN năm 2019, năm 2020, trong đó:

- Phân tích, đánh giá cụ thể những tác động tăng, giảm thu gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến triển khai các chính sách thu mới theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW (Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ) trên địa bàn.

- Xác định số thu NSĐP được hưởng theo phân cấp trên cơ sở quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Riêng đối với khoản thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sản xuất trong nước và nhập khẩu tạm xác định theo tỷ lệ của năm 2018.

- Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh dự kiến nguồn thu phí, lệ phí cho năm 2019, năm 2020 theo quy định hiện hành tổng hợp vào dự toán thu ngân sách các năm 2019, năm 2020; Lập kế hoạch nguồn thu học phí, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ sự nghiệp công và các khoản thu khác (nếu có) theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các Nghị định về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực, việc sử dụng để cải cách lương theo quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, trên cơ sở dự kiến nguồn thu trên địa bàn, nguồn thu của địa phương theo chế độ phân cấp, trần bổ sung từ NSTW cho NSĐP do cơ quan có thẩm quyền thông báo trong 03 năm 2018 - 2020; các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2019, năm 2020; dự kiến dự toán chi NSĐP năm 2018; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan khác ở địa phương lập kế hoạch chi NSĐP năm 2019 và năm 2020, đảm bảo ưu tiên bố trí đủ kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách, nhiệm vụ đã được ban hành và cam kết chi (bao gồm cả chính sách đặc thù do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định).

Bên cạnh đó, xác định nhu cầu bổ sung có mục tiêu từ NSTW đối với các chế độ, chính sách của Trung ương cho từng năm của giai đoạn 2018-2020 theo quy định tại Quyết định số 579/QĐ-TTg. Đối với các nhiệm vụ chi mới của địa phương trong từng năm của giai đoạn 2018-2020, bố trí theo thứ tự ưu tiên để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương, trong phạm vi khả năng nguồn lực từng năm 2018-2020.

Chủ động bố trí các nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương); 50% tăng thu NSĐP hằng năm theo chế độ, số thu được để lại theo chế độ phù hợp với lộ trình kết cấu chi phí vào giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 16/NĐ-CP để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Thứ tư, việc lập kế hoạch số bội chi/bội thu, vay và trả nợ của NSĐP các năm 2019, 2020 thực hiện theo đúng quy định của Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 69/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và theo các quy định về lập kế hoạch số bội chi/bội thu, vay và trả nợ của NSĐP năm 2018 quy định tại khoản 3, điều 13 Thông tư này, đảm bảo mức dư nợ vay của địa phương vào thời điểm cuối từng năm không vượt giới hạn theo quy định.