Khả năng thực hiện kiểm toán hoạt động của việt nam

ThS. Trương Hải Yến

(Tài chính) Kiểm toán hoạt động là loại hình kiểm toán mới được phát triển trên thế giới từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ XX; cung cấp các thông tin về tính hiệu quả và sự hữu hiệu của các khoản chi tiêu công quỹ quốc gia so với vai trò truyền thống của kiểm toán là chỉ tập trung vào tính tuân thủ các quy định về các khoản chi tiêu công; từ đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình về hiệu quả, sự hữu hiệu của các khoản chi tiêu công quỹ của những người có trách nhiệm trong quản lý, sử dụng công quỹ.

Các chuyên đề kiểm toán trên đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới kết quả chấp hành ngân sách hàng năm và trung hạn. Nguồn: internet
Các chuyên đề kiểm toán trên đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới kết quả chấp hành ngân sách hàng năm và trung hạn. Nguồn: internet

Hiện nay, rất nhiều Cơ quan Kiểm toán Tối cao của các nước có nền kinh tế phát triển như: Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Ấn Độ, Bỉ, Hà Lan, Nauy, Đan Mạch… xem kiểm toán hoạt động là hoạt động chính và chủ yếu trong hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN Việt Nam) trong những năm gần đây đã từng bước tăng cường thực hiện loại hình kiểm toán hoạt động. Trong các cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, ngoài mục tiêu là đánh giá tính tuân thủ, chấp hành quy định luật pháp, chính sách, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính những sai sót về số liệu tài chính, kế toán, KTNN đặt ra mục tiêu đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và sự hữu hiệu trong quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước của các đơn vị, trong các hoạt động đầu tư công, các chương trình, dự án dùng nguồn lực ngân sách...; tập trung đánh giá việc thực hiện các giải pháp điều hành ngân sách của Chính phủ nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tiết kiệm trong đầu tư, chi tiêu công, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh.

Bên cạnh các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán NSNN truyền thống, KTNN còn đẩy mạnh kiểm toán hoạt động thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện ở cả 2 cấp độ, phạm vi: chuyên đề toàn ngành và chuyên đề đặc thù của từng lĩnh vực, khu vực, trong đó:

- Các cuộc kiểm toán chuyên đề được lựa chọn nhằm đánh giá việc thực hiện những chính sách, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; những vấn đề dư luận cả nước quan tâm; hay gắn với các kế hoạch, chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như: kiểm toán các Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở …); chuyên đề quản lý thuế; chuyên đề miễn, giảm, giãn, hoàn, xóa nợ thuế và công tác chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp; chuyên đề về công tác quản lý thu từ hoạt động tạm nhập, tái xuất; chuyên đề quản lý và sử dụng phí, lệ phí đường bộ; chuyên đề cấp giấy phép và quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản; chuyên đề quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; chuyên đề về Quỹ bình ổn giá xăng dầu; chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ; chuyên đề chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; quản lý và sử dụng vốn ODA …

- Các cuộc kiểm toán chuyên đề đặc thù của từng địa phương được lựa chọn có liên quan đến những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, quan tâm; theo yêu cầu giám sát của chính quyền địa phương …như: chuyên đề quy hoạch, quản lý và sử dụng đất; chuyên đề đánh giá hiệu quả đầu tư công đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực đặc thù của địa phương, thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương.

Các chuyên đề kiểm toán trên đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới kết quả chấp hành ngân sách hàng năm và trung hạn. Qua các cuộc kiểm toán chuyên đề này, KTNN đưa ra những đánh giá về tính kinh tế, tính hiệu quả, tính hiệu lực của chính sách, công tác quản lý, vận hành …; từ đó kiến nghị về những tồn tại, bất cập của cả hệ thống, của từng ngành, từng địa phương để hoàn thiện.

Thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển đến năm 2020 của KTNN, đáp ứng yêu cầu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, KTNN xác định nhiệm vụ: Đa dạng hóa các loại hình kiểm toán theo quy định của Luật KTNN, trọng tâm là kiểm toán báo cáo tài chính và kiểm toán tuân thủ, từng bước thực hiện kiểm toán hoạt động để đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Việc mở rộng, tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động phải đáp ứng mục tiêu một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh; từ đó ưu tiên kiểm toán hoạt động đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và một số tỉnh, thành phố, bộ, ngành trực thuộc Trung ương có quy mô ngân sách tương đối lớn; mở rộng và đẩy mạnh kiểm toán đánh giá hiệu quả hoạt động sự nghiệp công lập như giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, môi trường...

Để tạo điều kiện pháp lý cho KTNN phát huy vai trò của KTNN nói chung và thực hiện kiểm toán hoạt động nói riêng, xin kiến nghị một số nội dung liên quan khi nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật NSNN; đó là:

- Sửa đổi, bổ sung Luật NSNN theo hướng đảm bảo bao quát thẩm quyền, trách nhiệm của KTNN đối với việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực NSNN; từ khâu lập, chấp hành và quyết toán ngân sách.

- Sửa đổi Luật NSNN theo hướng chi tiết, cụ thể các quy định về phí, lệ phí; về sử dụng dự phòng ngân sách, về ứng trước dự toán ngân sách năm sau, về chuyển nguồn ngân sách …

- Tăng cường tính minh bạch thông qua việc bổ sung trách nhiệm báo cáo, giải trình của các bộ ngành, địa phương, đơn vị sử dụng ngân sách về kết quả chấp hành ngân sách hàng năm, trung hạn có gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đây chính là căn cứ để kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý và sử dụng NSNN.

- Bổ sung trách nhiệm công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được kiểm toán. Từ đó nâng cao tính hiệu lực của kết luận, kiến nghị kiểm toán; đồng thời cung cấp thông tin kịp thời phản biện lại những kết luận, kiến nghị kiểm toán còn chưa phù hợp, thiếu khả thi để hoàn thiện.

- Quy định trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán; quyền xử phạt, khen thưởng của các cơ quan có thẩm quyền.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 2  - 2014