Khắc phục đầu tư dàn trải bằng kế hoạch đầu tư trung hạn?

Theo Báo Hải quan

Kế hoạch đầu tư trung hạn liệu có phải là "cây đũa thần" khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán như hiện nay?

 Khắc phục đầu tư dàn trải bằng kế hoạch đầu tư trung hạn?
Chủ trương tái cơ cấu đầu tư công vẫn đang được khởi động

Tại Hội thảo Đổi mới công tác kế hoạch và Đầu tư công tổ chức ngày 6-11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng: Kế hoạch đầu tư trung hạn phải bảo đảm giải quyết dứt điểm những hạn chế của kế hoạch đầu tư hằng năm. Muốn vậy phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, đồng thời phải góp phần thực hiện thắng lợi ba khâu đột phá và tái cơ cấu nền kinh tế.

Kế hoạch đầu tư lâu nay là một thành tố gắn bó với kế hoạch hằng năm nhằm phát triển đất nước. Bên cạnh ưu điểm đóng góp cho sự phát triển chung, kế hoạch với thời gian ngắn hàng năm có nhược điểm là không bao quát hết chu kì dự án. Cho nên sự lựa chọn đầu tư năm sau không đủ sức đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án chuyển tiếp, trong khi các dự án mới rất cấp bách lại đang đặt ra ở các vùng miền khác nhau. "Và để "cân bằng", các ngành và địa phương cứ kéo dài thêm danh mục dự án nhưng vốn không thể đáp ứng đủ" - Ông Cao Viết Sinh chia sẻ.

Hệ quả là tình trạng đầu tư dàn trải mà nền kinh tế đang phải vất vả chống đỡ trở nên phổ biến, còn thời hạn xây dựng các dự án thường vượt mức đề ra, làm giảm hiệu quả đầu tư công.

Dự thảo Kế hoạch đầu tư trung hạn mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến được các nhà nghiên cứu đón nhận như một cách làm mang tính đột phá, hứa hẹn đầu tư công sẽ được tái cơ cấu. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, bản dự thảo kế hoạch đầu tư trung hạn cũng có những nhược điểm quan trọng cần cân nhắc để hoàn thiện.

GS.TS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư kí Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá dự thảo là "quá cứng".

Theo đó, bản dự thảo quy định việc bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn được ổn định trong 5 năm. Nó có ưu điểm là kế hoạch đầu tư được cân nhắc trong chu kì dài hạn hơn, bao quát phần lớn dự án nhóm B (4 năm), nhóm C (2 năm) và có điều kiện xem xét kĩ lưỡng hơn dự án nhóm A.

Tuy nhiên trong điều kiện chất lượng dự báo chưa cao và điều kiện thế giới còn biến động phức tạp khó lường thì dự báo và các cân đối trung dài hạn có độ chính xác không cao. Hiện nay ngay cả các tổ chức tài chính quốc tế có nhiều kinh nghiệm nhưng dự báo từ đầu năm cũng phải tiến hành điều chỉnh vài lần.

Khi công tác kế hoạch trung hạn nói chung chưa trở thành công cụ chủ yếu điều hành nền kinh tế thì việc bố trí kế hoạch đầu tư "cứng" cho 5 năm và quyết một lần đã biến ý đồ tốt, thành các quyết định không hiệu quả vì quá cứng nhắc. Điều này sẽ dẫn tới khả năng có sai lầm rất khó bổ sung kế hoạch. Minh chứng là hồi tháng 6-2012, Quốc hội phải thảo luận để bổ sung thêm 5 dự án cho các vùng khó khăn, sau khi đã "chốt" cứng kế hoạch đầu tư công.

Do đó GS.TS Nguyễn Quang Thái đề xuất sửa đổi bản dự thảo kế hoạch đầu tư trung hạn là xây dựng kiểu kế hoạch "trượt". Tức là sang một năm mới, kế hoạch đầu tư lại tính thêm một năm kế hoạch khi xem xét điểu chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn.

Như vậy trên cơ sở tầm nhìn 5 năm, căn cứ diễn biến tình hình thực tế sau mỗi năm cần có những điều chỉnh theo diễn biến. Như vậy lúc nào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng có thể nhìn trước tổng thể kế hoạch 5 năm và hằng năm và có vi chỉnh kế hoạch đầu tư mới phát sinh. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng: Việc vi chỉnh cũng cần có quy định cụ thể như phải được 2/3 số đại biểu tán thành nếu sửa các cân đối và nếu sửa từng dự án thì cũng phải quá bán mới thi hành.

GS.TS Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh: "Tình trạng đầu tư dàn trải vì thế sẽ từng bước được khắc phục. Kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ trở nên linh hoạt hơn, bảo đảm cân đối, hiệu quả, hỗ trợ cho sự phát triển chung, hướng tới việc xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững".