Khắc phục vướng mắc các luật thuế hiện hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

PV.

Phát biểu tại buổi Họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa 5 Luật Thuế” tổ chức hôm 15/8, đại diên lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, việc xây dựng Luật sửa đổi bổ sung 5 Luật Thuế nhằm đáp ứng các mục tiêu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế, góp phần khắc phục những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chính sách thuế hiện nay cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính sách thuế hiện nay cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Lý giải về sự cần thiết này, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Về thuế thu nhập doanh nghiệp

Luật thuế TNDN hiện hành vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới như: Chưa có quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) từ đó chưa đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh với doanh nghiệp sử dụng vốn vay (chi phí lãi vay được tính vào chi phí).

Đồng thời không đảm bảo an toàn tài chính cho DN, nợ xấu gia tăng; chưa có rà soát và xác định các lĩnh vực, địa bàn cần tiếp tục ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển giai đoạn tới như: Ưu đãi thuế đối với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ để thực hiện Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ; ưu đãi thuế đối với các dự án đầu tư tại Khu (Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung); dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin; hoạt động đầu tư, cải tạo chung cư cũ; về nơi nộp thuế; về chuyển tiếp ưu đãi...

Về thuế giá trị gia tăng

Trong quá trình thực hiện, Luật thuế GTGT hiện hành đã phát sinh nhiều vướng mắc về đối tượng không chịu thuế GTGT (phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; chuyển quyền sử dụng đất) gây khó khăn cho doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Một số hàng hóa dịch vụ (nước sạch; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim…) đã được xã hội hóa mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% chưa bình đẳng với những ngành nghề, lĩnh vực khác đang chịu thuế GTGT với mức thuế suất 10%.

Việc quy định áp dụng thuế suất 5% đối với những loại hàng hóa có thể sử dụng đa mục đích, như: Lưới, dây giềng và sợi để đan lưới đánh cá; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học... dẫn đến không thống nhất trong thực hiện.

Đối với hoàn thuế GTGT, quy định không hoàn thuế đối với “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” phức tạp trong thực hiện và cùng với quy định không hoàn thuế đối với trường hợp có số thuế GTGT đầu vào lũy kế âm liên tục qua nhiều kỳ khiến doanh nghiệp thêm khó khăn do tăng chi phí thuế.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt

Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật thuế TTĐB hiện hành chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện và mức thuế suất thuế TTĐB đối với loại xe này chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lắp ráp tại Việt Nam.

Về thuế thu nhập cá nhân

Một số quy định tại Luật thuế TNCN hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế. Chưa có chính sách thuế phù hợp nhằm thu hút cá nhân là nhân lực công nghệ cao; chính sách thuế đối với cá nhân có thu nhập từ trúng thưởng...

Về thuế tài nguyên

Một số quy định tại Luật thuế tài nguyên hiện hành chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế, cụ thể: Quy định về người nộp thuế trong trường hợp khai thác nhỏ lẻ (hầu hết đều không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác) là chưa phù hợp với quy định của Luật khoáng sản, tạo điều kiện hợp thức hóa hoạt động khai thác trái phép nguồn tài nguyên.

Quy định về tên gọi các loại nước thiên nhiên tại Luật chưa thống nhất. Quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và tài nguyên khai thác xuất khẩu là chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan).

Do đó, để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế TNCN và thuế tài nguyên qua đó góp phần cơ cấu lại nguồn thu NSNN; xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế thì cần thiết nghiên cứu xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế TNCN và thuế tài nguyên.

Trong đó, mục tiêu mà việc xây dựng Luật sửa đổi bổ sung các Luật thuế hướng đến là tái cơ cấu ngân sách nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế…