Khi công cụ lãi suất không phải là “đũa thần”

ThS. Lê Văn Hải - Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh

(Tài chính) Từ năm 2012, các ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất với kỳ vọng giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn không đẩy được dòng tiền ra lưu thông. Vậy vấn đề không hẳn chỉ là lãi suất!

Khi công cụ lãi suất không phải là “đũa thần”
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vai trò của lãi suất

Lãi suất là tỷ lệ mà theo đó tiền lãi được người vay trả cho việc sử dụng tiền mà họ vay từ một người cho vay. Thị trường tài chính thường phân biệt 3 loại lãi suất: (i) Lãi suất chính sách là lãi suất, mà các ngân hàng trung ương có thể kiểm soát được trực tiếp, ở Việt Nam đó chính là lãi suất cơ bản; (ii) Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất các ngân hàng thương mại cho vay lẫn nhau; (iii) Lãi suất thương mại là lãi suất các ngân hàng thương mại vay hoặc cho vay các đối tượng không phải là ngân hàng trong nền kinh tế, ví dụ lãi suất huy động, lãi suất cho vay. Về cơ bản 3 loại lãi suất này đều có liên hệ mật thiết với nhau và tuân thủ theo nguyên tắc: (i) < (ii) < (iii).

Ở nền kinh tế của thị trường lành mạnh, để đảm bảo giá trị của lãi suất thực so với lãi suất danh nghĩa, lãi suất còn phải tuân thủ theo bất phương trình: L1 < L2 < L3 < L4. Trong đó: L1 là mức lạm phát, L2 là lãi suất huy động, L3 là lãi suất cho vay, L4 là tỷ suất khả năng sinh lợi bình quân xã hội trong cùng kỳ hạn. Nói dễ hiểu hơn là, lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát, như thế mới có thể đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Tiếp theo là việc cho vay phải thu lãi cao hơn lãi suất huy động, bởi ngân hàng là tổ chức kinh tế, không thể làm dịch vụ không công cho doanh nghiệp. Huy động được vốn, cho vay ra phải có chênh lệch để bù vào các chi phí quản lý.

Vấn đề nan giải nhất là lãi suất cho vay phải nhỏ hơn khả năng sinh lợi của nền kinh tế. Nếu L3>L4, đương nhiên, các doanh nghiệp làm ăn bình thường, chân chính sẽ không thể tồn tại. Vì thế, nhiệm vụ của Nhà nước là lựa chọn mức "trần" lãi suất hoặc sử dụng “lãi suất cơ bản” sao cho phù hợp điều kiện cụ thể và mục tiêu kinh tế - xã hội của mình, đồng thời, phải luôn tính đến và có những biện pháp khắc phục hậu quả mặt trái luôn song hành của cả việc nâng cao hay hạ thấp lãi suất, nếu không, sẽ vấp phải vòng xoáy mới của lạm phát tuỳ theo mức độ phản ứng cuả các chủ thể kinh tế…

Vai trò của lãi suất trong nền kinh tế rất quan trọng, được thể hiện như sau:

(i) Công cụ khuyến khích tiết kiệm đầu tư: Lãi suất là công cụ khuyến khích lợi ích vật chất để thu hút các khoản tiết kiệm của chủ thể kinh tế, tạo quỹ cho vay đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

 (ii) Lãi suất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp: Đối với các doanh nghiệp, lãi suất cho vay hình thành nên chi phí vốn và là chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh.

(iii) Công cụ điều tiết vĩ mô: Lãi suất tạo chi phí của người đi vay. Do vậy, sự biến động của lãi suất có tác động đến đầu tư, đến tiêu dùng, qua đó tác động đến các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô.

 (iv) Công cụ phân phối nguồn lực có hiệu quả nhằm khai thác và sử dụng triệt để các nguồn lực của nền kinh tế.

Với vai trò quan trọng như vậy, nên lãi suất là một trong những biến số dược theo dõi một cách chặt chẽ nhất trong nền kinh tế. Diễn biến của nó được đưa tin hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng

Nhưng, không phải là “đũa thần”

Trong rất nhiều trường hợp, công cụ lãi suất đã phát huy tác dụng như kỳ vọng của nhà điều hành, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc sử dụng công cụ này đang cho thấy, tác động không như mong muốn. Đặc biệt, hiện nay, công cụ lãi suất được nhận định là đã kém nhạy cảm với cung - cầu tín dụng. Lãi suất huy động và cho vay đều ở xu hướng giảm mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, NHNN có 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Cụ thể là:

- Ngày 26/3, NHNN giảm 1% các lãi suất chủ chốt gồm tái cấp vốn (còn 8%), tái chiết khấu (6%), cho vay qua đêm trong thanh toán liên ngân hàng (9%), lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên (10%/năm). Trần lãi suất huy động giảm từ 8% xuống 7,5%/năm.

- Ngày 10/5, NHNN giảm tiếp 1% các lãi suất chủ chốt. Lãi suất tái cấp vốn còn 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu còn 5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng còn 8%/năm. Lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên giảm còn 10%/năm.

- Ngày 28/6, NHNN giảm 0,5% trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống 7%/năm, kỳ hạn 6 tháng trở lên được thả nổi, trần lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng còn 1,2%/năm. Trần lãi suất USD cũng giảm 0,75% xuống còn 1,25%/năm. Như vậy, đến cuối tháng 6, lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại nhà nước còn dưới 13%/năm bao gồm cả các khoản vay cũ và mới, giảm mạnh so với mức 15% cuối năm 2012. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm mạnh, với lãi suất trung, dài hạn hiện phổ biến còn quanh 13%-14%/năm, lãi suất ngắn hạn còn 9,5%-11,5%/năm.

Lãi suất huy động liên tục giảm do tín dụng tăng yếu, ngân hàng thừa vốn. Đến cuối tháng 6, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dao động từ 5%-7%/năm, lãi suất kỳ hạn dài từ 7,1%-10%/năm.

Dù lãi suất ở xu hướng giảm mạnh, đến cuối tháng 6 chỉ còn 7%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng và kỳ hạn dài chỉ còn từ 8-10%/năm, nhưng huy động vốn vẫn tăng mạnh. Huy động vốn của toàn hệ thống đến 20/5/2013 tăng 5,8% so với cuối năm 2012 và ước trong 6 tháng đầu năm đạt mức tăng khoảng 7%. Tổng phương tiện thanh toán đến hết tháng 5/2012 đạt 3.899.158 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm 2012, cao hơn so với mức tăng 3,88% tính đến cuối tháng 5/2012 trong kỳ so sánh. Trong đó: Tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 1.331.219 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng 2,54%. 

Theo NHNN, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6 ước tăng 4,5% so với cuối năm 2012, trong đó tín dụng bằng VND tăng 7,55%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 9,4%. Đến hết tháng 5, nợ xấu của toàn hệ thống giảm xuống 4,65% trên tổng dư nợ, thay vì 6% vào khoảng tháng 2 và 8,6%-10% hồi tháng 10/2012.

Nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng kém nhạy cảm đối với việc hạ lãi suất thông thường là do nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào năng lực sản xuất, kinh doanh, cũng như sức khỏe nội tại của chính doanh nghiệp đó. Nhưng, hiện nay, không bình thường là ở chỗ doanh nghiệp muốn vay nhưng không hội đủ điều kiện, trong đó phổ biến nhất là nợ cũ chưa trả, nợ xấu còn nhiều.

Tại Hội thảo Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế do Học viện Ngân hàng tổ chức ngày 7/5/2013, TS. Nguyễn Đức Trung (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngân hàng) cho biết, kết quả khảo sát các doanh nghiệp cho thấy, tăng hay giảm lãi suất đóng vai trò rất mờ nhạt đến tăng trưởng tín dụng (Phạm Tuyên, 2013).

Với mẫu lựa chọn từ 479 doanh nghiệp niêm yết cho thấy, có 63% doanh nghiệp chịu đựng được mức lãi suất 15%. Cụ thể, tỷ trọng doanh nghiệp có hệ số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên dư nợ lớn hơn 25% và 15% lần lượt chiếm tới 44% và 63%. Đây là nhóm doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng chi trả lãi vay ngân hàng với mức lãi suất vay vốn cao hơn 15% trong gian đoạn đầu năm 2012. Nếu so sánh với mức sinh lời từ hoạt động kinh doanh, thì mặt bằng lãi suất cuối năm 2012 và quý đầu năm 2013 là hoàn toàn phù hợp với khả năng chịu đựng của các nhóm doanh nghiệp này. Đối với nhóm có mức sinh lời từ 12%-15% (chiếm tỷ trọng 7%), thì lợi nhuận sau khi đã chi trả lãi vay của một số doanh nghiệp sẽ ở mức thấp.

“Mức sinh lời thấp của nhóm doanh nghiệp này bắt nguồn chủ yếu từ nội tại của doanh nghiệp, từ những khó khăn chung của nền kinh tế chứ không thể hoàn toàn đổ lỗi cho lãi suất cao”, ông Trung cho biết.

Cũng tại Hội thảo này, dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Xuân Hòe cho biết, câu chuyện lãi suất chỉ chiếm 1%, còn lại 99% phụ thuộc vào vấn đề của nền kinh tế. Do vậy, nếu cứ sử dụng mãi công cụ lãi suất, thì chính sách tiền tệ của Việt Nam có thể đi chệch hướng!

Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Có thể thấy, nếu chỉ một mình công cụ lãi suất, thì dù được linh hoạt điều chỉnh giảm cũng khó phát huy tác dụng, đặc biệt nếu không đi kèm với các giải pháp đồng bộ về giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh việc điều chỉnh lãi suất, thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm hàng tồn kho. Cụ thể:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định thị trường tiền tệ, như: kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại hoạt động tốt, xử lý nợ xấu... đẩy nhanh dòng vốn trên thị trường tiền tệ. 

Đặc biệt, cần tiếp tục nâng cao lòng tin của thị trường đối với các tín hiệu chính sách của NHNN và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên thị trường, minh bạch hóa thông tin, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ cùng với việc củng cố vững mạnh các định chế tài chính để tạo nền tảng cơ bản cho việc hình thành lãi suất trên thị trường dựa trên quan hệ cung cầu, qua đó có thể hình thành đường cong lãi suất chuẩn; Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, thúc đẩy nhanh dòng chu chuyển vốn… Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm giữ nghiêm kỷ luật thị trường.

Thứ hai, các ngân hàng thương mại cũng cần tiếp tục có biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh thời hạn vay cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất của các khoản vay cũ xuống mức 11-12%/năm cho các doanh nghiệp đang có dư nợ lãi suất cao.

Thứ ba, tìm đầu ra cho sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. Theo kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2013 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hơn 70% doanh nghiệp cho biết khó khăn của họ hiện nay không còn là vấn đề lãi suất hay không thể tiếp cận vốn ngân hàng, mà là ở thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Bởi vậy, gỉai pháp trước mắt đó là Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, các hiệp hội ngành hàng, các địa phương tìm cách kích cầu tiêu dùng, đầu tư; điều chỉnh chính sách thuế nhằm góp phần khai thông một phần khó khăn cho hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thì các bộ, ngành, địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển các ngành hàng của nền kinh tế, nâng cao chất lượng công tác dự báo, không để tình trạng đầu tư theo kiểu “phong trào”.

Với các giải pháp nêu trên cùng với các biện pháp đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, tăng giải ngân các công trình, dự án trọng điểm…, thì khả năng trong những tháng cuối năm 2013 thị trường tiện tệ, nhất là thị trường tín dụng sẽ khơi thông nguồn vốn tạo đà cho sự phát triển ổn định thị trường kinh tế.

Tài liệu tham khảo

1. N. Gregory Mankiw (2003). Kinh tế vĩ mô, Nxb Thống kê, Hà Nội

2. CafeF (2013). Báo cáo Kinh tế tài chính tháng 06/2013, phát hành tháng 7/2013

3. Phạm Tuyên (2013). Ngân hàng mắc kẹt với tiền “chết”, Báo Tiền Phong online, truy cập từ http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/625957/Ngan-hang-mac-ket-voi-tien-chet-tpp.html