Khó bán tài sản thu hồi nợ xấu

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Nợ xấu là vấn đề các ngân hàng đang tập trung xử lý để tái cơ cấu nhằm thực hiện chiến lược phát triển dài hạn. Cùng với giải pháp gần đây là bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng tích cực thực hiện các giải pháp tự xử lý. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng bởi tự giải quyết nợ xấu đang vướng ở khâu xử lý tài sản đảm bảo.

Khó bán tài sản thu hồi nợ xấu
Xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ khi khách hàng mất khả năng chi trả là điều không dễ vì nhiêu khê thủ tục. Nguồn: internet
Tự xử lý không dễ

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết quý III/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống NHTM hơn 142.000 tỷ đồng, chiếm 4,62% tổng dư nợ, tăng 20,2% so với cuối năm 2012. Để xử lý khối nợ xấu này các ngân hàng đã tiến hành nhiều giải pháp như trích lập dự phòng rủi ro, bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC.

Với giải pháp tự xử lý nợ xấu, các ngân hàng phải phát mãi tài sản để thu tiền mặt, nếu không thu được bằng tiền thì thu bằng tài sản nhưng thương lượng với khách hàng để định giá lại. Việc cơ cấu nợ với 2 điều kiện: ngân hàng tuân thủ quy định của NHNN sau khi cơ cấu nợ và khách hàng phải trả được nợ theo lịch cơ cấu nợ.

Tuy nhiên, sau một thời gian tự xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng cho biết vướng mắc lớn nhất trong việc tự xử lý của ngân hàng là tài sản đảm bảo. Bởi hiện tại, các khoản nợ xấu khi đưa qua thi hành án chưa được xử lý suôn sẻ. Do đó kể từ lúc thu hồi tài sản, bán được tài sản để thu hồi được nợ ngân hàng phải mất nhiều năm. Cùng với đó thị trường bất động sản hiện đang đóng băng nên bán tài sản cũng rất khó.

Theo ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc MHB chi nhánh Sài Gòn, trong việc giải quyết nợ xấu hầu như chưa có ngân hàng nào tự động bán tài sản thế chấp để thu nợ, bởi quá trình này rất nhiêu khê. Đơn cử một cá nhân vay ngân hàng làm ăn, khi kinh doanh thua lỗ, khách hàng bỏ trốn, căn nhà thế chấp lại đang cho thuê.

Khi ngân hàng đưa đơn ra tòa án để phát mãi, tòa xác nhận khách hàng này có cư trú ở đây nhưng đã bỏ nhà nên trả đơn lại không thụ lý, do đó ngân hàng không thể thu tài sản được. Từ lúc nợ của khách hàng chuyển sang nhóm 3 ngân hàng đã bắt đầu tiến hành các thủ tục chứ không phải chờ đến khi chuyển sang nhóm 5, nhưng từ khi tham gia vào giải pháp thu nợ cho đến lúc thu được nợ mất 3-4 năm là chuyện bình thường.

Nguyên nhân vì việc giải quyết của tòa án chưa ủng hộ tích cực cho ngân hàng. Trước đây, khoảng năm 1999-2000, đã từng có quy định cho phép ngân hàng được phép bán tài sản nhưng cho đến nay chưa có ngân hàng nào bán được, nên không ngân hàng nào tự xử lý tài sản được. Do đó, hiện nay ngoài khởi kiện bán tài sản thu hồi nợ, MHB phải tăng cường tích cực phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý quỹ dự phòng để giải quyết nợ và bán nợ cho VAMC để giảm bớt nợ xấu.

Chưa được hỗ trợ

Nhiều ngân hàng cũng cho biết, nếu liệt kê cụ thể sẽ có ngân hàng ghim hồ sơ đến 10 năm chưa bán được, nhưng có ngân hàng mới chỉ 1 tháng đã bán được. Việc bán tài sản đảm bảo tùy vào hồ sơ cụ thể, tùy vào quan điểm hỗ trợ của từng địa phương. Thí dụ có nơi khi đưa đơn ra tòa, tòa án dẫn chứng Hiến pháp Việt Nam, theo đó muốn xử lý tài sản đảm bảo là nhà ở của người dân phải tìm chỗ ở khác cho người dân tòa mới xử lý.

Hiện nay, tốc độ các hồ sơ qua thi hành án cũng như đấu giá tài sản để thu hồi nợ, xử lý nợ xấu thực hiện rất chậm, vì rất nhiều thủ tục cũng như pháp luật còn kẽ hở nên người vay có thể biện dẫn để kéo dài thời gian.

Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank, nhận định lâu nay công tác xử lý nợ xấu và hỗ trợ xử lý nợ không ai đề cập đến. ngân hàng cho vay đã có tài sản thế chấp, có công chứng, đăng ký tài sản đảm bảo nhưng khi xảy ra trường hợp nợ xấu, không trả được nợ, ngân hàng không được chủ động bán tài sản đảm bảo mà phải thông qua cơ quan tòa án, thi hành án.

“Chúng tôi đã từng có món nợ kéo dài đến 10 năm, đi qua 6 vòng sơ thẩm, phúc thẩm sau đó mới ra được bản án. Việc này tốn nhiều thời gian của các ngân hàng, làm cho tốc độ xử lý nợ xấu của ngân hàng chậm đi. Hay khi xử lý nợ xấu bán tài sản giữa các tỉnh, thành phố cũng quy định khác nhau. Chẳng hạn khi phát mãi tài sản không có người mua, ngân hàng chấp nhận lấy tài sản đó để cấn nợ, ở TP. Hồ Chí Minh không cho phép trong khi các tỉnh, thành khác cho phép. Việc này nhiều ngân hàng kiến nghị rất cần được sửa để thống nhất” - ông Đặng cho biết.

Nhìn nhận về vấn đề xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, cho biết: Nếu trước đó ngân hàng định giá tài sản thế chấp 100 tỷ đồng, nhưng hiện tại bất động sản đóng băng, có thể định giá lại, hạ xuống 70 tỷ đồng, 50 tỷ đồng hoặc thậm chí 30 tỷ đồng để bán và ngân hàng chịu mất mát có được không?

Bởi thời gian trước, nhiều ngân hàng cho thế chấp bất động sản với giá quá cao, nhiều trường hợp nâng giá lên khi cho vay, tạo tài sản ảo, giờ phải chấp nhận kéo xuống. ngân hàng phải chấp nhận mất tài sản để cân đối tài sản thật chứ không phải cân đối tài sản ảo, nhân cơ hội này để kéo giá bất động sản xuống. Nhưng qua tiếp xúc, nhiều ngân hàng báo cáo không thể nào bán tài sản thế chấp là bất động sản được, vì phải qua bao nhiêu quy trình, thủ tục và mất rất nhiều năm.

Hơn nữa, xử lý tài sản là nhà ở còn liên quan đến vấn đề dân sự, chính trị xã hội. Muốn đuổi người dân ra khỏi nhà để thu hồi tài sản phải có nhà cho họ ở là đúng, vì ở các nước cũng vậy. Tuy nhiên, ở nhiều nước, Nhà nước có nhà ở xã hội cho thuê, khi xử lý tài sản đảm bảo thế chấp, họ chuyển người vay qua nhà thuê thì dù đã mất tài sản sở hữu nhưng vẫn có chỗ ở. Còn ở Việt Nam không có nên không thể làm như vậy.