Khó đánh giá thông tin của doanh nghiệp nhà nước

Khánh An (Báo Đầu tư)

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả và chất lượng hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước đang thiếu cả tiêu chí và công cụ để chủ sở hữu nhà nước thực hiện trách nhiệm của mình.

Khó đánh giá thông tin của doanh nghiệp nhà nước
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Những bất cập trong cơ chế giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhà nước lại nổi lên, khi con số về tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2011 vừa được công bố (lên tới hơn 1,292 triệu tỷ đồng).

Nếu chỉ có những con số mang tính trọn gói kiểu như tổng số nợ phải trả, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của tập đoàn…, thì sẽ không thể đánh giá một cách đầy đủ và chất lượng các con số đó. Trong trường hợp này, phải có phân tích rõ ràng về cơ cấu nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, phải tách ra nợ chéo giữa các tập đoàn, xác định rõ ngoài số nợ ngân hàng, số còn lại là những khoản nợ gì…

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số nhiều tiêu chí cần phải giám sát, đánh giá về hoạt động của khu vực doanh nghiệp này. Ngay cả trong Báo cáo về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội, thông tin để phục vụ yêu cầu của quy định tại khoản 3, Điều 168 của Luật Doanh nghiệp là chưa đủ.

Cụ thể thế nào, thưa ông?

Theo quy định trên, định kỳ hàng năm, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo tổng hợp về thực trạng kinh doanh vốn sở hữu nhà nước, thực trạng bảo toàn và phát triển giá trị vốn đầu tư và tài sản sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Để thực hiện yêu cầu này, cần xác định rõ khung đánh giá, trong đó cụ thể hoá bảo toàn và phát triển vốn là gì, tổng vốn là bao nhiêu, kế hoạch kinh doanh trong từng năm và các năm tới thế nào… Hơn thế, đối tượng không chỉ dừng ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, mà là toàn bộ vốn và tài sản sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, với báo cáo này, có thể coi, đây là năm cơ sở để thực hiện các báo cáo tiếp theo. Việc xây dựng và thống nhất khung đánh giá có vai trò rất quan trọng, làm cơ sở so sánh, đánh giá cho các báo cáo của những năm tiếp sau. Đây là công việc đáng ra phải được thực hiện từ rất lâu rồi.

Trong Nghị định 99/2012/NĐ-CP về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chế độ giám sát, kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao của doanh nghiệp; Bộ Tài chính xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp…

Trong bối cảnh hiện tại, các quy định này rất cần thiết để các cơ quan được phân công thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước định rõ công việc của mình trong giám sát, đánh giá doanh nghiệp, từ đó chủ động phương pháp, cách thu thập thông tin, phục vụ công việc.

Liên quan đến việc xây dựng tiêu chí giám sát, đánh giá khu vực doanh nghiệp nhà nước, cần phải đặc biệt quan tâm tới những đặc thù khá lớn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu, tiêu chí nên được cân nhắc xây dựng riêng cho từng tập đoàn, tổng công ty nhà nước. .

Đi kèm các tiêu chí là công cụ và phương pháp thực hiện. Hiện tại, hầu hết các thông tin về doanh nghiệp nhà nước được dựa trên báo cáo từ doanh nghiệp. Tạm không đặt vấn đề về tính khách quan, chính xác của các báo cáo, song ở góc độ của chủ sở hữu, các thông tin đó cần được kiểm chứng, đối chiếu và cập nhật hàng tháng theo các tiêu chí cần giám sát.

Nghĩa là cần bộ phận độc lập, chuyên trách thực hiện thu thập, cập nhật và phân tích thông tin về doanh nghiệp theo khung giám sát, đánh giá được xây dựng?

Theo tôi, nên có một bộ phận chuyên trách. Đây là cách để có được những đánh giá thường xuyên, phản ứng kịp thời với những chệch hướng hay cảnh báo rủi ro trong từng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.