Khó giảm bội chi ngân sách nhà nước

Theo N. Hồng/baokiemtoannhanuoc.vn

Nếu tăng trưởng kinh tế dự báo cả năm 2017 không đạt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là việc giữ mức bội chi NSNN (3,5% GDP) và mức nợ công (dưới 65% GDP), trong giới hạn Quốc hội đã quyết định.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đây là nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (TCNS) nêu trong báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện NSNN năm 2017, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 12/10 - cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. 

Nguy cơ hụt thu ngân sách trung ương

Nhận định trên được đưa ra dựa trên đánh giá cụ thể về tình hình thu, chi NSNN. Theo đó, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, trong thu NSNN, ước thực hiện thu NSNN cả năm 2017 vượt 2,3% (27,3 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã thể hiện những nỗ lực cao trong điều hành của Chính phủ và quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao của ngành Tài chính, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động không thuận (tăng trưởng có khả năng không đạt kế hoạch, giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp, tình hình khó khăn của nhiều DN chưa được cải thiện, tình trạng nợ đọng thuế tuy được khắc phục một phần nhưng vẫn có xu hướng tăng...). Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương khó đạt dự toán.

“Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW khó được đảm bảo, mục tiêu giảm bội chi NSNN hết sức khó khăn” - Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết.

Xem xét về cơ cấu thu NSNN, cơ quan thẩm tra lưu ý, thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán. Đặc biệt, thu từ 3 khu vực kinh tế (DNNN, vốn đầu tư nước ngoài - FDI, DN ngoài quốc doanh) đều không đạt dự toán. Nếu loại trừ khoản thu tiền sử dụng đất (93.500 tỷ), thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau thuế, tiền bán vốn nhà nước tại DN (120.000 tỷ) và thu xổ số kiến thiết (26.200 tỷ), thì số thu nội địa giảm so với dự toán.

“Số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác là do số thu giao cho một số địa phương cao so với thực tế; việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng còn lớn (khoảng 74,9 nghìn tỷ đồng tính đến hết 31/7/2017)”- cơ quan thẩm tra phân tích.

Bày tỏ lo ngại về số thu nội địa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần phân tích rõ hơn những vấn đề đã được Ủy ban TCNS chỉ ra trong báo cáo thẩm tra.

Triển khai Kế hoạch Đầu tư công còn lúng túng

Về chi NSNN, Chính phủ ước thực hiện cả năm bằng 101,7% dự toán, tăng 23.320 tỷ đồng. Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi NSNN tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đánh giá, việc triển khai thực hiện Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt. Đến thời điểm cuối tháng 9/2017, mới giao được 43,1% số vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) năm 2016 chuyển sang năm 2017, vốn TPCP kế hoạch năm 2017 giao được 19.420 tỷ đồng/50.000 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán là rất thấp.
Tương tự, nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu do phê duyệt chậm, nên giao rất chậm, thậm chí còn 4/11 chương trình mục tiêu chưa phê duyệt, gây áp lực trong việc triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.

Cũng theo báo cáo thẩm tra, vốn đầu tư xây dựng nguồn NSNN giải ngân chậm nhất trong 5 năm gần đây (53,1%), vốn TPCP giải ngân đạt 7% so với dự toán (tiến độ giải ngân rất chậm so với cùng kỳ).

“Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, khả năng huy động vốn gặp nhiều khó khăn, việc nhiều Bộ, ngành, địa phương đã được phân giao vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, giảm thu NSNN”- cơ quan thẩm tra đánh giá.