Khó hưởng lợi từ TPP

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được ký kết vào năm 2015 đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may, trong đó kim ngạch xuất khẩu (XK) vào thị trường Mỹ có thể tăng gấp 3 lần.

Khó hưởng lợi từ TPP
May hàng xuất khẩu tại Công ty May Việt Huy. Nguồn: ktdt.vn
Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa các ưu thế mà TPP đem lại, các chuyên gia cho rằng, ngay từ giờ, DN dệt may phải vượt qua không ít thách thức và cần có những bước chuẩn bị khẩn trương, trong đó việc xây dựng mối liên kết giữa các DN dệt và may được coi là yếu tố quyết định…
 
Nhiều nguy cơ đánh mất thị trường

Ông Lê Quốc Ân - Cố vấn cao cấp Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), thành viên tham gia đàm phán TPP cho biết, nếu đàm phán thành công, TPP sẽ mang lại cho dệt may Việt Nam cơ hội rất lớn ở các thị trường khu vực này. Hiện, mức thuế suất trung bình của 1.000 dòng thuế nhập khẩu (NK) sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Mỹ ở mức 17%, trong đó, nhiều sản phẩm chịu trên 30%, nhưng nếu được giảm hoặc miễn còn 0% thì sẽ tạo lợi thế rất lớn. Tăng trưởng XK dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ đang đạt khoảng 7%/năm, nhưng ngay khi Việt Nam tiến hành đàm phán thì đã có triển vọng tăng lên 10%. Dự kiến khi TPP có hiệu lực, mức tăng trưởng XK dệt may đạt 15%/năm trở lên, năm 2020 đạt 22 tỷ USD. 

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng của các DN dệt may trước các quy định của TPP còn rất hạn chế do nguồn cung ứng nguyên phụ liệu (NPL) trong nước chưa tốt. Ông Dương Văn Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dệt 10/10 đánh giá, tuy trong nước có nhiều nhà máy sợi, song thực tế khi các doanh nghiệp (DN) may không có đơn hàng XK thì các nhà máy này cũng ngừng hoạt động. Nhưng nếu DN may có nhiều đơn hàng XK, cần có nhiều NPL để sản xuất, các nhà máy sợi trong nước lại không đáp ứng đủ cả về sản lượng lẫn chất lượng. 

Cũng vì không chủ động nguồn NPL, các DN dệt may trong nước đang đứng trước nguy cơ phải "nhường" thị trường về tay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi, để hưởng thuế suất ưu đãi 0%, ngành dệt may phải đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định, nghĩa là mọi công đoạn kéo sợi, dệt, nhuộm, may… phải được làm tại Việt Nam. Nhiều khả năng, DN dệt may trong nước sẽ phá sản và DN FDI có thêm lợi thế để vươn lên chiếm lĩnh thị trường. Thực tế mấy chục năm qua, dù có kim ngạch XK lớn nhưng ngành dệt may chỉ làm gia công cho các nước vì không giải quyết được "nút thắt" NPL.  

Tăng tính chủ động - Con đường duy nhất

Lãnh đạo Vitas cho rằng, DN dệt may không còn con đường nào khác để biến thách thức thành cơ hội, đó là phải tăng tính chủ động để có thể kịp thời khai thác tối ưu các lợi thế từ TPP. Bên cạnh đó, DN cần nâng cao khả năng hợp tác với khách hàng thông qua tăng năng lực sản xuất, giao hàng đúng hẹn, quản lý chất lượng và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Công ty cổ phần Dệt 10/10 từ năm 2012 đã tích cực đầu tư đưa vào hoạt động cơ sở sản xuất mới tại Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) nhằm chủ động nguồn nguyên liệu vải để sản xuất màn tuyn XK. Với sự chủ động này, doanh thu 8 tháng năm 2013 của công ty đạt 2.300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012, trong đó XK 105 triệu USD, tăng trên 90% và đã vượt kế hoạch cả năm là XK 95 triệu USD.

Tại Công ty cổ phần May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn), ban lãnh đạo đang tích cực chuẩn bị tham gia TPP bằng cách tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tập trung tạo nguồn cung ứng NPL cho các sản phẩm mục tiêu. Trong khi nhiều DN luôn quan niệm NPL sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu của đơn hàng may XK thì thực tế, Garmex Sài Gòn đã tìm được một nhà sản xuất NPL có chất liệu tương đương sản phẩm nhập khẩu nhưng có giá thấp hơn. "Các NPL sản xuất trong nước vẫn có thể đáp ứng nhu cầu của DN may XK. Vấn đề là giữa DN sản xuất NPL và các DN may chưa có sự kết nối" - đại diện Garmex Sài Gòn nhấn mạnh. 

 Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai nhiều dự án sợi, dệt, nhuộm như: Nhà máy sợi Vinatex Hồng Lĩnh, Phú Tài 2, Phú Hưng, Đông Quý... Vinatex dự kiến đầu tư 2.400 tỷ đồng trong năm nay vào các dự án sợi, dệt, nhuộm, may, xem đây là chiến lược quan trọng để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hơn 350 triệu USD vốn FDI đã đổ vào ngành dệt may và sợi. Mới đây nhất, Công ty KyungBang (Hàn Quốc) vừa đưa vào hoạt động nhà máy sợi tại Bình Dương trị giá 40 triệu USD, công suất 6.600 tấn sợi/năm. Giữa tháng 6/2013, TAL - tập đoàn dệt may hàng đầu HongKong cũng làm việc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư bày tỏ mong muốn mở một tổ hợp các nhà máy se sợi, nhuộm và dệt may để bắt đầu kế hoạch đầu tư mới. Đây được xem là những động thái đón đầu cơ hội mà TPP mang lại.