"Không cần làm lại đề án tái cơ cấu"

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Xung quanh những vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, phóng viên đã có buổi phỏng vấn chuyên gia kinh tế TS. Phạm Chi Lan.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng tiến độ tái cơ cấu kinh tế đang tiến hành khá chậm. Bà có bình luận gì về vấn đề này, thưa bà?

"Không cần làm lại đề án tái cơ cấu" - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế
TS. Phạm Chi Lan
Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng việc tái cơ cấu kinh tế còn chậm. Nhìn lại các mốc thời gian xa hơn, vào tháng 5/2008, Quốc hội đã đưa ra vấn đề tái cơ cấu kinh tế. Khi đó, đã có một loạt nghiên cứu của các cơ quan khác nhau như Viện Khoa học xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Quản lí kinh tế Trung ương, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đều đã đưa ra những chương trình, đề xuất phương án tái cơ cấu kinh tế nghiêm túc, trình lên các cơ quan có liên quan.

Tính từ thời điểm đó đến nay đã 5 năm trôi qua, còn tính từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thì đã hơn 2 năm, từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đã hơn 1 năm. Đó là những dấu mốc quan trọng để định hình tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng vào tháng 2/2013, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt đề án tổng thể về đề án tái cơ cấu. Điều đó thể hiện tương đối rõ bước tiến chậm chạp của quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Nhìn lại 1 năm qua, việc tái cơ cấu kinh tế chỉ có một số ít thay đổi. Ví dụ việc phân bổ vốn đầu tư công, Chính phủ đã có quyết định tập trung đầu tư cho 5 khu kinh tế thay vì trước đây tới 15 khu kinh tế ven biển, chỉ phê duyệt những dự án đầu tư có khả năng đảm bảo nguồn vốn cho cả quá trình chứ không phải cho từng năm. Như vậy, đó mới chỉ là những chủ trương rất chung.

Trong lĩnh vực ngân hàng, cơ quan quản lí đã làm được việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ, nhưng giờ vẫn chưa biết các ngân hàng này hoạt động ra sao. Đến nay, một số doanh nghiệp nhà nước đã trình Chính phủ phê chuẩn những đề án tái cơ cấu. Nhưng họ tiến hành như thế nào là vấn đề cần xem xét. Bởi vì Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines lại yêu cầu Nhà nước “đổ” vào đó một đống tiền để phục vụ tái cơ cấu trong khi họ đã nợ nần rất nhiều. Tái cơ cấu như vậy là không thể được. Vì vậy những ý kiến cho rằng trong 1 năm qua, tái cơ cấu tiến hành chậm, chưa làm được nhiều là cũng đúng.

Thưa bà, có chuyên gia cho rằng tái cơ cấu là vấn đề quá lớn của một quốc gia. Do đó, đặt vấn đề là đã được gì, đã làm được nhiều chưa trên thực tế còn hơi sớm. Quan điểm của bà như thế nào, thưa bà?

Nhìn lại thời gian qua chúng ta chưa làm được nhiều cho nên bây giờ chúng ta cần phải bắt tay vào làm. Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vừa qua, có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng đề án tái cơ cấu Thủ tướng phê chuẩn chưa ổn và phải làm lại.

Đó là ý kiến mạnh nhất của TS. Cao Sĩ Kiêm. Tôi nghiêng về luồng ý kiến thứ hai là đề án chưa thật đầy đủ như chưa đề cập đến vấn đề an sinh xã hội, song cần phải tiếp tục làm. Tôi đồng tình với ý kiến của ông Nguyễn Đình Cung nói rằng đây là phương án tốt nhất có thể có trong thời điểm hiện nay. Nếu xóa đi làm lại từ đầu thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể bắt tay thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Tôi cũng đề xuất cần phải tiếp tục thực hiện theo đề án tái cơ cấu, vấn đề gì còn thiếu thì chúng ta cần bổ sung. Chẳng hạn bổ sung một đề án an sinh xã hội hoặc trong từng đề án cụ thể, cần bổ sung thêm vấn đề này vì tái cơ cấu kinh tế sẽ có tác động đến an sinh xã hội.

Tái cơ cấu thực sự cấp bách, nếu không làm thì kinh tế vẫn mãi theo kiểu “chữa cháy”, “ăn đong” từng năm một, không giải quyết được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chuyện này giải quyết lại nảy sinh chuyện khác. Nguồn lực của đất nước hiện nay đã cạn, không có nhiều để Chính phủ lo cứu chỗ nọ, chỗ kia.

Cho nên không nên đặt vấn đề lấy tiền ngân sách cứu khu vực nọ, cứu lĩnh vực kia, tức là có trường hợp phải chịu hy sinh trước mắt, chịu trả giá. Ví dụ có thể tạm dừng một số dự án đầu tư lại 5-7 năm nữa mới tiến hành. Có những doanh nghiệp, ngân hàng phải để cho phá sản, khu vực bất động sản phải để tự nó sắp xếp lại, giảm mạnh giá xuống. Khi đó cung cầu thị trường gặp nhau được, sẽ giúp cho thị trường phục hồi. Tái cơ cấu tất nhiên cần có sự trả giá song phải chấp nhận để vượt lên.

Một trở ngại cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã được chỉ ra là lợi ích nhóm. Bà có bình luận gì về vấn đề này?

Vâng, đúng vậy. Tại Diễn đàn kinh tế mùa Xuân vừa qua, nhiều người băn khoăn vì sao tái cơ cấu lại diễn ra chậm như vậy, phải phân tích nguyên nhân chứ không ai đứng lên chỉ ra nguyên nhân cả. Lúc đó tôi phát biểu ngay rằng, theo tôi nguyên nhân số 1 là lợi ích nhóm.

Chính lợi ích nhóm là cản trở lớn nhất quá trình tái cơ cấu kinh tế. Sau đó mọi người đều đồng tình với quan điểm này. Thực ra, lợi ích nhóm không muốn có sự thay đổi vì thay đổi sẽ buộc lợi ích nhóm phải giảm bớt lợi ích của họ để lo cho lợi ích chung của nền kinh tế, của đông đảo người dân. Lĩnh vực bất động sản cũng là điển hình của lợi ích nhóm. Trước đây họ đã làm giàu, thu lợi trên mồ hôi của bao nhiêu người dân, bao nhiêu người nông dân, người nghèo bị mất đất.

Họ đã được hưởng lợi rất lớn nhưng nay lợi ích nhóm của họ lại muốn Nhà nước hỗ trợ để vực dậy thị trường này. Những doanh nghiệp như vậy không dễ dàng chấp nhận tái cơ cấu, nên tái cơ cấu mà không chấp nhận những đề xuất của họ thì họ không thích.

Xin cảm ơn bà!