Khống chế hạn mức tín dụng: Nên hay không?

Ts. Nguyễn Văn Hà

(Tài chính) Từ năm 2011, công cụ hạn mức tín dụng (HMTD) đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) đã được sử dụng trở lại, sau nhiều năm bị Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ. Vậy thực chất vấn đề này ra sao? Bài viết bàn đến một số nguyên lý cơ bản và thực tiễn của việc sử dụng công cụ HMTD tại Việt Nam thời gian qua.

Khống chế hạn mức tín dụng: Nên hay không?
Công cụ hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng thương mại sau nhiều năm bị Ngân hàng Nhà nước dỡ bỏ. Nguồn: internet

Một vài nguyên lý cơ bản của hạn mức tín dụng

HMTD là một trong những công cụ can thiệp một cách trực tiếp mang tính hành chính của Ngân hàng Trung ương để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng cho nền kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán theo mục tiêu đề ra trong điều hành chính sách tiền tệ hàng năm.

HMTD là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng Trung ương buộc các NHTM tôn trọng khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Về cơ chế tác động, HMTD được sử dụng để khống chế tổng dư nợ tín dụng, qua đó khống chế tổng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế. Do vậy, cơ chế tác động của nó mang tính áp đặt ở dạng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm không được vượt quá đối với hệ thống NHTM.

Qua việc sử dụng công cụ HMTD, Ngân hàng Trung ương điều chỉnh khả năng tạo tiền của các NHTM phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tránh tình trạng tổng khối lượng cung tiền tăng quá mức trong lưu thông. Lúc này, Ngân hàng Trung ương phải theo dõi hoạt động cho vay của các NHTM, nếu NHTM cho vay vượt quá HMTD quy định sẽ bị xử phạt.

Có thể thấy, với cơ chế hoạt động như vậy, HMTD có những ưu và nhược điểm sau:

Về ưu điểm: HMTD là một công cụ trực tiếp điều tiết lượng tiền trong lưu thông, Ngân hàng Trung ương có thể kiểm soát khá chặt chẽ tổng lượng tiền cung ứng. Công cụ này thực sự phát huy hiệu quả khi tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng cao và các công cụ gián tiếp khác tỏ ra kém hiệu lực.

Về nhược điểm:

Thứ nhất, HMTD có thể làm cho lãi suất tăng lên, bởi vì cung vốn bị giới hạn, không thoả mãn nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Thứ hai, HMTD có thể làm sai lệch cơ cấu vốn đầu tư của các NHTM, ảnh hưởng đến cơ cấu nền kinh tế.

Thứ ba, Khi thị trường tiền tệ hoạt động đúng theo quy luật, thì vô hình trung, HMTD lại kìm hãm sự phát triển của các ngân hàng tốt, làm giảm tính cạnh tranh giữa các NHTM. Do những NHTM có khả năng huy động nhiều vốn, lại bị hạn chế cho vay, trong khi một số ngân hàng không có khả năng huy động vốn lại không sử dụng hết được hạn mức của mình. Điều nguy hiểm hơn nữa là chính việc kìm hãm này sẽ làm phát sinh các tổ chức tài chính mới, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Ngân hàng Trung ương, thay thế ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cho vay. Kết quả cuối cùng là làm cho chính sách tiền tệ dựa trên HMTD mất đi hiệu lực, do một số lượng vốn tín dụng được lưu thông trong nền kinh tế không theo hạn mức đó và không kiểm soát được.

Thứ tư, HMTD cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hộ nông dân. Do tín dụng bị áp mức trần, nên các NHTM thường lựa chọn khách hàng lớn để cho vay, sau đó mới đến những đối tượng trên, mà hiệu quả sử dụng vốn nhiều khi ở các món tín dụng nhỏ lại tỏ ra hiệu quả hơn các món lớn.

Do những hạn chế rất cơ bản nêu trên, nên việc kéo dài thời gian áp dụng công cụ này có thể làm méo mó sự phát triển của thị trường tiền tệ, tín dụng và ảnh hưởng tiêu cực tới cả nền kinh tế.

Thực tế tại Việt Nam

Nhìn lại lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam có thể thấy, từ năm 1994, Ngân hàng Nhà nước thực hiện HMTD cho 4 NHTM quốc doanh. Sau đó, việc áp dụng HMTD được mở rộng sang NHTM cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn nhằm hạn chế tốc độ cho vay, để kiểm soát lạm phát. Trong điều kiện thị trường thứ cấp chưa phát triển, Ngân hàng Nhà nước chưa thể sử dụng thị trường mở để kiểm soát sự gia tăng tổng phương tiện thanh toán, thì việc sử dụng công cụ này là cần thiết.

Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, do bản chất của HMTD là công cụ điều hành mang tính hành chính, can thiệp trực tiếp và chỉ được phân bổ đối với một số NHTM, nên phần nào hạn chế tính công bằng trong cạnh tranh. Đồng thời, HMTD cũng không được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đã làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Do đó, đến năm 1998, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định không sử dụng HMTD như là một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ, mà chỉ dùng khi cần hạn chế sự gia tăng tín dụng nhanh chóng, dẫn tới nguy cơ lạm phát cao.

Sau hơn 13 năm được dỡ bỏ, đến năm 2011, công cụ HMTD lại được Ngân hàng Nhà nước sử dụng trong điều hành. Cụ thể, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 01/3/2011 về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NHTM xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho năm 2011 không được tăng quá 20% dư nợ so với cuối năm 2010 và phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Bên cạnh HMTD nói chung, trong năm 2011, Ngân hàng Nhà nước còn quy định HMTD đối với lĩnh vực phi sản xuất, như: bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng khác... đến ngày 31/12/2011 còn tối đa 16%. Có thể thấy rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết giảm tốc độ và tỷ trọng tín dụng phi sản xuất là đúng! Bởi, hoạt động cho vay khu vực này lại chủ yếu nằm ở các NHTM trong nước. Tại thời điểm đầu năm 2011, có 18 NHTM cổ phần có tỷ trọng cho vay phi sản xuất dưới 25%, và 24 NHTM cổ phần có tỷ trọng trên 26% (trong đó: NHTM có tỷ trọng cho vay phi sản xuất thấp nhất là 8,5%/tổng dư nợ, cao nhất là 59%).

Kết quả thực hiện đến hết năm 2011, dư nợ tín dụng cả nền kinh tế chỉ đạt 12%, thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra, HMTD đối với lĩnh vực phi sản xuất cũng đảm bảo thực hiện nghiêm túc.

Rút kinh nghiệm năm 2011, ngay từ đầu năm 2012, tại Chỉ thị số 01/2012/CT-NHNN, ngày 13/02/2012 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho 4 nhóm NHTM có phân biệt dựa trên chất lượng, trực tiếp là tỷ lệ nợ xấu của từng ngân hàng. Cụ thể: nhóm 1 tối đa là 17%; nhóm 2 tối đa là 15%; nhóm 3 tối đa là 8% và nhóm 4: 0% (không được tăng trưởng tín dụng). Sau đó, cơ quan này đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho 36 tổ chức tín dụng có điều kiện thực tế mở rộng cho vay an toàn; đồng thời, vẫn khống chế HMTD trong lĩnh vực phi sản xuất là 16%. Kết quả là năm 2012, dư nợ cho vay đối với nền kinh tế chỉ tăng được 8,91%, thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra.

Năm 2013, mặc dù lạm phát đã được kiểm soát khá ổn định, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì sử dụng công cụ HMTD. Theo Chỉ thị 01/CT-NHNN, ngày 31/01/2013 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2013, thì mức tăng trưởng tín dụng không quá 12% so với năm 2012. Thế nhưng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến hết tháng 7/2013, tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế mới chỉ tăng có 5,02%, dự báo đến hết năm sẽ khó đạt chỉ tiêu đề ra.

Nên "gỡ bỏ” hạn mức tín dụng?

Nhìn lại thực tiễn ứng dụng HMTD có thể thấy, công cụ này đã phát huy một số tác dụng trong việc thúc đẩy các tổ chức tín dụng đổi mới và tái cơ cấu hoạt động trên các mặt:

Thứ nhất, Thúc đẩy các NHTM phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả và các chỉ số an toàn hoạt động để được xếp hạng tín nhiệm cao và có được hạn mức tăng trưởng cao.

Thứ hai, Điều chỉnh, hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn, góp phần cải thiện tính thanh khoản của từng ngân hàng và cả hệ thống, giảm áp lực lạm phát.

Thứ ba, Tác động mạnh mẽ và có hiệu quả đến mục tiêu tái cơ cấu, sáp nhập các NHTM yếu kém, tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ kiểm soát HMTD của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chết, đặt ra câu hỏi nên hay không nên tiếp tục giữ công cụ này trong điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể là:

Thời điểm áp dụng công cụ HMTD chưa phù hợp.

Trong giai đoạn nền kinh tế đang khó khăn, suy kiệt tín dụng và giảm tổng cầu, thì công cụ này không những không phát huy được tác dụng với nhiều tổ chức tín dụng, mà ngược lại còn kìm hãm tăng trưởng.

Cụ thể, trong cả năm 2011, dư nợ tín dụng tăng trưởng 14%/năm, bằng 70% mục tiêu đề ra và giảm (-56%) so với mức tăng trưởng của 2010 (31,19%). Sang năm 2012, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là 15-17%. Trong năm này, từ tháng 3-7/2012, CPI giảm liên tục xuống mức theo các tháng (0,16; 0,05; 0,18; -0,26; -0,29 ), CPI cả năm 2012 tăng rất thấp, tăng 6,81%, thấp hơn mức 7% do Quốc hội đặt ra. Đến hết năm 2012, theo Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tăng xấp xỉ 22% so với cuối năm 2011; tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 10%, trong đó tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2012 cũng tăng thấp, khoảng 6%, chỉ đạt hơn 30% so với mục tiêu. Nguyên nhân là do tổng cầu của nền kinh tế đang trong suy giảm, nền kinh tế không hấp thu được tín dụng. Chính vì vậy, công cụ hạn HMTD trở nên vô tác dụng.

Năm 2013, cầu tín dụng dự báo không có nhiều đột biến, do nền kinh tế vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hai nút thắt lớn nhất là nợ xấu, hàng tồn kho vẫn chưa được xử lý dứt điểm, nên các ngân hàng cũng không mạo hiểm chạy đua tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng đang tập trung vào việc tái cơ cấu hệ thống để đảm bảo phát triển bền vững. Vì thế, việc Ngân hàng Nhà nước giao HMTD cao nhất là 12% đối với hầu hết các NHTM có sức khỏe và tốc độ tín dụng tăng trưởng tốt trong năm 2012, thực sự là không cần thiết và không đúng thời điểm. Cơ quan quản lý nhà nước nên để họ tự cân đối trên cơ sở khả năng huy động vốn, xử lý nợ xấu, mục tiêu quản trị ngân hàng…

Chưa xây dựng được bộ tiêu chí phân loại các tổ chức tín dụng và phương pháp tính toán các tiêu chí phân loại để làm căn cư phân bổ HMTD cho từng ngân hàng.

Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã phân loại các nhóm tổ chức tín dụng làm căn cứ phân hạng mức tín dụng, nhưng cơ quan này lại không công khai các tiêu chí xếp hạng, phương pháp tính toán và bảng xếp hạng. Vì vậy, việc phân loại này không có sức thuyết phục đối với các tổ chức tín dụng. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, các tiêu chí và phương pháp đánh giá, xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng còn rất nhiều bất cập, chất lượng xếp hạng tín nhiệm của một vài tổ chức công bố chưa được thị trường công nhận. Vì vậy, căn cứ để đánh giá, xếp loại, phân hạng các tổ chức tín dụng để từ đó phân bổ HMTD còn nhiều vấn đề, chưa đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch.

Nhìn chung, thực tế gần 3 năm áp dụng trở lại công cụ HMTD đều không đạt được mục tiêu đề ra. Cùng với đó là những nhược điểm, hạn chế của công cụ này cho thấy, không phù hợp với tiến trình đổi mới điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, vận hành nền kinh tế thị trường nói riêng. Vì thế, theo chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước nên dỡ bỏ HMTD từ năm 2014. Thay vào đó, cơ quan này cần có biện pháp tăng cường giám sát chặt chẽ việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn tín dụng, chấp hành các quy định về cho vay của tổ chức tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn tín dụng thông suốt, hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Uỷ ban Kinh tế Quốc hội và UNDP (2012). Lạm phát mục tiêu và lưu ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội

2. Đào Văn Hùng và cộng sự (2012). Nhìn lại chính sách tiền tệ (2011-2012), gợi ý chính sách tiền tệ những năm tiếp theo, tham luận tại Hội thảo Nhìn lại chính sách tài chính tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngày 26/12/2012, Hà Nội

3. Hồng Dung (2013). Phân chia hạn mức tăng trưởng tín dụng: có thừa?, Đầu tư Chứng khoán online, truy cập từ http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJBEEI/phan-chia-han-muc-tang-truong-tin-dung:-co-thua.html