Không đánh đổi vì lợi ích ngắn hạn

Theo daibieunhandan.vn

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS., TS. Bùi Tất Thắng, trong hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài là xu thế tất yếu. Song cần bảo đảm nguyên tắc không đánh đổi phát triển bền vững, an toàn môi trường vì lợi ích ngắn hạn trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hài hòa lợi ích

- Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông nhận xét gì về trào lưu của các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam?

- Nhìn khái quát, đầu tư nước ngoài vào nước ta có 3 trào lưu:

Thứ nhất,quy mô từ nhỏ đến lớn. Ngày nay những dự án đầu tư lớn khá nhiều.

Thứ hai,đi từ lĩnh vực cụ thể đến toàn diện. Bây giờ không chỉ đầu tư một lĩnh vực sản xuất hay kinh doanh một sản phẩm, ngành nghề mà có thể đầu tư tổng hợp nhiều lĩnh vực.

Thứ ba,công nghệ sản xuất hay quy trình quản trị đi từ đơn giản đến hiện đại. Nhìn chung vận động theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế thế giới theo hướng ngày càng hiện đại, hội nhập và toàn cầu hóa.

- Nhiều dự án đầu tư nước ngoài tuy có quy mô, giá trị lớn song lại gây ra không ít nguy cơ tàn phá môi trường, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên hay lao động xã hội. Vậy đối với nước đang phát triển và đang cần nguồn đầu tư phát triển như nước ta, làm thế nào để hài hòa lợi ích?

- Sử dụng các nguồn đầu vào như tài nguyên, lao động, là điều tất yếu trong phát triển kinh tế. Vấn đề là sử dụng sao cho hợp lý. Các nhà đầu tư không phải đổ xô đến các nước đang phát triển chỉ để đạt mục đích cố gắng vơ vét, khai thác tài nguyên. Mà ở góc độ kinh tế, họ cần tính toán hài hòa chi phí đầu vào, đầu ra. Giá trị nhân công ở các nước phát triển cao buộc họ tìm đến nơi có chi phí đầu vào thấp hơn ở những nước đang phát triển là xu thế tất yếu.

Mỗi nhà đầu tư nước ngoài đều tìm kiếm ba nhân tố quan trọng:

Thứ nhất,thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai, tìm kiếm nguồn tài nguyên thiên giá rẻ hơn trong mức độ so sánh tương đối.

Thứ ba,nguồn nhân lực giá rẻ hơn để hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Với công nghệ phát triển cao và dòng chu chuyển vốn của toàn cầu hóa, khả năng khai thác tổng hợp các nguồn lực trong đó có nguồn tài nguyên thiên nhiên chính là có cơ hội phát triển sản xuất tốt nên các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm và khai thác rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các nhà đầu tư, nước chủ nhà và cư dân sở tại, cần xây dựng một cơ chế tốt. Trong đó, Nhà nước quản lý nền kinh tế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên nhưng vẫn bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế.

Phát huy quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư

- Tuy đã có đủ công cụ để ngăn chặn tình trạng đầu tư thiếu trách nhiệm hoặc chỉ nhìn lợi ích trước mắt, hay yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường; nhưng thời gian qua, vẫn có những dự án đầu tư gây tác động xấu đến môi trường. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Nguyên nhân chính được cho là do vấn đề thực thi công vụ, trong chuỗi từ xây dựng đến triển khai pháp luật, từ cấp phép đến triển khai thi hành, đánh giá tác động... Song suy cho cùng, nếu chúng ta không có công cụ tốt, không có triết lý về quản lý nhà nước trong kinh tế thị trường hiệu quả, thậm chí ngay cả khi đã xác định được triết lý nếu cơ chế, con người cụ thể để thực thi công vụ không tốt thì những văn bản pháp luật đó cũng khó đi vào thực tiễn.

Thực tế chúng ta đã gặp nhiều sự cố liên quan đến khai thác tài nguyên môi trường của các dự án đầu tư nước ngoài. Rà soát lại các quy định không thiếu nhưng sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra chủ yếu do khâu thực thi công vụ.

Tuy nhiên, để đánh giá chính xác, cần đánh giá trong suốt một chu trình thực thi nhưng chất lượng của các văn bản pháp luật đó cần được bảo đảm. Do vậy cần tiến hành rà soát, đánh giá mức độ cụ thể của từng khâu thì mới có giải pháp thích hợp.

- Như các nhà kinh tế môi trường tính toán, để thu 1 đồng tiền thuế từ các dự án đầu tư gây tổn hại đến môi trường thì phải chi 6 - 7 đồng để khắc phục hậu quả. Vậy tại sao vẫn có những dự án đầu tư nước ngoài gây tổn hại cho môi trường ở ta, phải chăng có lỗ hổng trong cấp phép?

- Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề tổng quát, dài hạn và tổng thể hơn, phát triển kinh tế không thể không thu hút đầu tư. Vấn đề đầu tư như thế nào và lựa chọn lĩnh vực cấp phép đầu tư phù hợp. Công thức đối với môi trường ở trên đúng ở một số lĩnh vực nhưng cũng có những lĩnh vực vừa thu được thuế vừa góp phần cải thiện môi trường, thế nên tại sao chúng ta không nghĩ mình có quyền và năng lực lựa chọn lĩnh vực đầu tư. Do đó cần tìm kiếm, xác định cơ cấu đầu tư, cơ cấu kinh tế hợp lý để phát triển và huy động được sự đồng thuận của toàn xã hội, của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

- Nhận thấy tồn tại kẽ hở trong cấp phép hay không bảo đảm an toàn môi trường, nhưng quá trình giám sát vẫn buông lỏng. Vậy cần làm gì để lấp những kẽ hở này, thưa ông?

- Cần xây dựng thể chế tốt, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu là phải xây dựng một Nhà nước kiến tạo, phục vụ và liêm chính. Ba yếu tố này giúp cho bộ máy vận hành và quá trình thực thi công vụ bảo đảm thực hiện tốt; sẽ khắc phục những sai sót hiện nay.

Tuy nhiên, để bộ máy có các chức năng này vận hành hiệu quả trong thực tiễn, cần ban hành chế tài, xây dựng cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng và làm sao công chức, doanh nghiệp, người dân có vị trí rõ ràng trong việc quyết định những chủ trương lớn trong đó có đầu tư và liên quan đến môi trường.

- Xin cảm ơn ông!