Không dễ bán nợ xấu theo cơ chế thị trường

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Hiện nay, rất nhiều khoản nợ xấu “đắp chiếu” nhiều năm nên giảm về giá trị. Khi được bán theo giá thị trường sẽ lỗ, khách hàng không chấp nhận bù lỗ, ngân hàng có chịu thiệt không?

Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC phải đảm bảo xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng…Nguồn: Internet
Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC phải đảm bảo xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua. Hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng…Nguồn: Internet

Câu hỏi trên không chỉ là thắc mắc của nhiều khách hàng đang có tài sản thế chấp tại ngân hàng, mà nhiều chuyên gia và các tổ chức tín dụng cũng phải “đau đầu”.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết tính đến hết năm 2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng, với tổng dư nợ gốc nội bảng 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ 277.755 tỷ đồng. 

Nghị quyết 42/2017/QH14 tháo gỡ vướng mắc

Cùng với đó, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được 30.700_tỷ đồng nợ xấu, vượt chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ năm 2017 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao (22.000 tỷ đồng), tăng 2.700 tỷ đồng so với năm 2016.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC, ngay khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu có hiệu lực đã mở ra nhiều cơ chế hơn đối với mua bán nợ theo giá thị trường cho VAMC.

Hiện nay, Nghị quyết 42/2017/QH14 cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã xử lý rủi ro, đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. 

Ngoài ra, VAMC được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ. 

“Những quy định này của Nghị quyết 42/2017/QH14 đã khắc phục bất cập giới hạn chủ thể được mua nợ của VAMC, bảo đảm quyền bình đẳng trong hoạt động xử lý nợ của VAMC, góp phần tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ”, một chuyên gia nhận xét.

Trong năm 2017, VAMC đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch mua nợ thị trường đã được NHNN phê duyệt.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, dù giá trị các khoản nợ này chưa phải là lớn, nhưng cũng phát đi tín hiệu rất tích cực đối với hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. 

Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC phải đảm bảo xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tổi thiểu 6.600 tỷ đồng… 

Tuy nhiên, để đạt được con số này, các chuyên gia cho rằng cần phải phát triển thị trường mua bán nợ xấu và hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt phải gắn liền với các luật khác như Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS). 

Vấn đề mua bán nợ liên quan đến chuyển nhượng nhiều loại BĐS thế chấp cho món nợ nên nếu gặp vướng mắc chuyển nhượng tài sản bằng BĐS thì việc mua bán nợ theo giá thị trường chắc chắn không thực hiện nhanh được.

Cần cơ chế mở
Đánh giá về mục tiêu trên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng vấn đề mua bán theo giá thị trường trên nguyên tắc thì dễ, nhưng khi thực hiện lại rất khó. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ví dụ: giả sử doanh nghiệp có tài sản thế chấp tại ngân hàng được định giá trước đây là 100 triệu đồng, ngân hàng cho vay khoảng 70%, bây giờ giá tài sản này giảm xuống chỉ còn một nửa. 

Ngân hàng muốn thu giữ tài sản đó thì phải thanh lý, ít nhất lấy lại được một nửa bù vào khoản vay 70% nhưng khách hàng không chấp nhận bán với giá đó. Chưa kể, việc bán nợ dưới giá trị sổ sách cũng gặp trở ngại vì các ngân hàng không muốn hình sự hóa.

“Nếu như ở Mỹ thì vấn đề bán dưới giá thị trường là rất dễ vì họ đã theo cơ chế thị trường. Còn ở Việt Nam, luật pháp lại bảo vệ người dân rất chặt chẽ, nên khi người dân chống đối, không chịu nhả BĐS đó ra thì rất khó để ngân hàng thanh lý tài sản bảo đảm này”, ông Hiếu nói.

Một vấn đề nữa cũng khiến những người trong cuộc khá băn khoăn, đó là trách nhiệm khi bán nợ dưới giá trị sổ sách. Dù cơ chế cũng đã mở, nhưng quy định vẫn chưa thực sự rõ ràng. Như VAMC vẫn phải bảo toàn vốn cho khoản nợ mua bán theo giá thị trường, khiến quyết định mua bán phải được cân nhắc thận trọng hơn.

Phân tích những hạn chế của thị trường mua bán nợ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho biết nợ xấu được mua bán chủ yếu với VAMC theo giá sổ sách. 

Hiện nay, đối tượng mua bán nợ đã được mở rộng thêm, nhưng cũng chỉ xoay quanh 4 “ông lớn” là VAMC, công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và công ty quản lý tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng. Vì vậy, muốn xử lý một khối lượng nợ xấu quy mô lớn hơn cần thiết phải phát triển thị trường mua bán nợ.

Theo TS. Cấn Văn Lực, cần sớm có giải pháp mở rộng phương thức mua bán nợ, bao gồm cho phép chứng khoán hóa, bổ sung các chủ thể tham gia thị trường và thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể này. Bao gồm: Cho phép thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp mua bán nợ (như LSTA của Mỹ); Công ty nhận ủy thác (trustees) cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm… Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch mua bán nợ tập trung; Phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản, nghiên cứu thành lập công ty tái cho vay thế chấp…