Không để mất cân đối cấu trúc thị trường

Theo thoibaonganhang.vn

Tiếp tục tạo sức ép ngân hàng cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế có thể sẽ khoét sâu những bất cập trong thị trường tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhận diện thách thức

Tại Hội thảo quốc tế, “Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” diễn ra cuối tuần qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Kim Anh đánh giá: nhìn lại 30 năm đổi mới, thị trường tài chính Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu.

Đó là, cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam ngày càng hoàn chỉnh hơn bao gồm khu vực ngân hàng, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm. Thể chế cho hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam từng bước được hoàn thiện, tiệm cận dần thông lệ quốc tế. Các khuôn khổ pháp lý quan trọng như Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), Chứng khoán… cũng như các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ chế cho thị trường tài chính phát triển…

Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam ông Jonathan Dunn cũng có những đánh giá tích cực đối với thị trường tài chính Việt Nam: Thanh khoản hệ thống ngân hàng được khôi phục, hoạt động lành mạnh hơn nhờ can thiệp của NHNN, lãi suất giảm nhanh và duy trì khá ổn định, cơ chế tỷ giá hối đoái mới linh hoạt giúp cải thiện dự trữ ngoại hối nhà nước...

Tuy nhiên, để thị trường tài chính của Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn thì theo các diễn giả tại Hội thảo đòi hỏi thị trường vững hơn có khả năng tự tái tạo và tự cân bằng mà không cần dựa vào sự trợ giúp quá nhiều từ Chính phủ.

Những yêu cầu cần thiết để có một thị trường tài chính bền vững được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh chỉ rõ: đó là dự trữ thanh khoản và dự trữ vốn lớn để chịu đựng những rủi ro, tổn thất; Sự đa dạng về mô hình kinh doanh, cấu trúc sở hữu, quy mô, ngành nghề để có thể giảm thiểu rủi ro trước các cú sốc và không bị lệ thuộc quá nhiều vào một ngành hay lĩnh vực…

Nhưng đây lại đang là vấn đề bất cập cũng như hạn chế của thị trường tài chính Việt Nam. Sự mất cân đối về cấu trúc thị trường thể hiện rõ khi vốn khu vực ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn.

Cụ thể tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP là 112% trong khi được coi là kênh vốn chủ lực cho nền kinh tế là thị trường chứng khoán… thì lại chiếm tỷ trọng nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, tỷ lệ giá trị trái phiếu/GDP chỉ là 22%, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán/GDP là 27%...

Hiện nay, Việt Nam cũng chưa có thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường chứng khoán phái sinh đúng nghĩa. Chính sự mất cân đối và hạn chế này tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống NH cũng như nền kinh tế. Ông Dunn đồng tình và cảnh báo tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cao như vậy là tín hiệu “đèn vàng” mà Việt Nam phải chú ý.

“Việc hệ thống tài chính phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng, tỷ lệ cấp tín dụng cho nền kinh tế lớn hơn khả năng của mình sẽ khiến các ngân hàng Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro. Biểu hiện rõ nét qua hệ số an toàn vốn (CAR) của hệ thống ngân hàng còn khá khiêm tốn”, ông Dunn nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng con số cụ thể: nếu theo chuẩn Basel I thì hệ số này tại các NH là 11%, nhưng nếu theo Basel II thì có ngân hàng hệ số CAR chỉ còn khoảng 7,8–8%, thấp hơn quy định của NHNN. Tiếp tục là kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế đồng nghĩa với việc tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng nhanh, trong khi tiềm lực tài chính mỏng, khả năng tăng vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn.

Nếu kéo dài tình trạng này, hệ thống ngân hàng đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản… Chưa kể, các ngân hàng đang phải đơn thương độc mã trong xử lý nợ xấu, thì việc bị sức ép về cung vốn có thể khoét sâu những bất cập trong thị trường tài chính.

Thách thức nữa được Giám đốc Học viện ngân hàng, ông Bùi Tín Nghị đưa ra: việc tham gia vào thị trường tài chính quốc tế bản thân nó không gây ra khủng hoảng tài chính, nhưng việc thiếu vắng cơ chế giám sát tài chính thích hợp và không có phương thức điều hành chính sách kinh tế vĩ mô thích hợp thì hội nhập tài chính có thể tạo ra nhiều vấn đề…

Để giảm thiểu rủi ro

Hội nhập sâu rộng chắc chắn thị trường tài chính Việt Nam sẽ phải chấp nhận rủi ro lớn hơn. Vấn đề ở chỗ là chúng ta sẽ hội nhập như thế nào, lựa chọn những chính sách nào để mang lại lợi ích cho nền kinh tế, tránh được những rủi ro tiềm tàng.

Muốn có hệ thống tài chính bền vững, theo TS. Cấn Văn Lực một trụ cột quan trọng là thể chế tài chính. Nhất là trong xử lý nợ xấu đang rất cần tháo gỡ khó khăn về cơ chế, khung khổ pháp luật, nếu không hoạt động này tiếp tục ách tắc, và thị trường tài chính cụ thể là các ngân hàng khó có thể phát triển ổn định được.

Chung quan điểm, ông Bùi Tín Nghị nhấn mạnh điều kiện tiên quyết để tham gia thị trường tài chính quốc tế thành công là phải có một khung pháp lý tài chính lành mạnh. Theo ông Nghị: cần xây dựng các giải pháp vĩ mô nhằm ổn định hệ thống tài chính quốc gia, nâng cao khả năng phòng vệ trước rủi ro phát sinh từ dòng vốn quốc tế như thực hiện chính sách tài khóa và quản lý nợ công hợp lý, thận trọng, phù hợp với chính sách tiền tệ, bảo đảm mục tiêu duy trì tăng trưởng bền vững của nền kinh tế…

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Tiến Đông thì cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước hiện đang ở mức 65% – 95% để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các TCTD. Các diễn giả tại Hội thảo đồng tình và đề xuất nên có chính sách cởi mở hơn đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia.

Sự tham gia của các NĐT nước ngoài với tiềm lực tài chính tốt, kỹ năng quản trị ngân hàng hiện đại sẽ giúp các NHTM Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an toàn hoạt động bền vững, dần tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Đồng thời sẽ đáp ứng được mong muốn của các NĐT ngoại tham gia thị trường tài chính ngân hàng.