Không để nợ xấu “dồn toa”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Không để nợ xấu “dồn toa” là quyết tâm chính trị của VAMC. Cũng không “đánh cược” với sự phục hồi của nền kinh tế, VAMC sẽ cùng với Thanh tra giám sát thực hiện chặt chẽ việc trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) theo cơ chế 20%/năm trong lộ trình 5 năm một cách nghiêm ngặt để bảo đảm cho việc thanh lý TPĐB đáo hạn.

Không để nợ xấu “dồn toa”
Không để nợ xấu “dồn toa” là quyết tâm chính trị của VAMC. Nguồn: internet

Thông tin gần đây cho biết, kết thúc năm 2013, VAMC đã mua được gần 39 ngàn tỷ đồng nợ xấu, tính theo nợ gốc; hay là vào khoảng 33 ngàn tỷ đồng nợ xấu, tính theo giá mua bằng TPĐB. Kết quả này phù hợp với tiến độ kế hoạch dự kiến trong năm 2013 sẽ mua khoảng 30-35 ngàn tỷ đồng nợ xấu. VAMC cũng đã xây dựng kế hoạch năm 2014 sẽ mua khoảng 70 – 100 ngàn tỷ đồng nợ xấu bằng TPĐB.

Vậy là nếu so với con số tổng nợ xấu khoảng 140 ngàn tỷ đồng được công bố hồi tháng 12/2013 thì hết năm 2014 về cơ bản nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ được VAMC giải quyết để đưa tỷ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam về mức an toàn.

Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần phát thông điệp với dư luận rằng, xử lý nợ xấu bằng nhóm giải pháp VAMC là phương pháp xử lý mang tính đặc thù của Việt Nam, phù hợp với điều kiện không sử dụng nguồn tiền ngân sách Nhà nước và thực tế một việc làm hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, trong bối cảnh cấp bách cần phải xử lý để khơi thông dòng tín dụng đang bị nợ xấu làm ách tắc.

Việc hàng chục ngàn tỷ đồng và tới đây sẽ là cả trăm ngàn tỷ đồng được VAMC đưa ra ngoại bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng đã dấy lên dư luận về giải pháp xử lý đưa đến kết quả “ảo”. Vì trong thực tế nợ xấu vẫn còn đó, đúng hơn là vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, chưa được xóa sạch khỏi các tổ chức tín dụng có nợ xấu cho vay, các doanh nghiệp còn nợ xấu và nói chung là nợ xấu vẫn chưa biến mất khỏi nền kinh tế.

Cấn cộm này của dư luận cũng đã được nhà điều hành giải tỏa bằng nêu lý giải rằng, với vai trò chủ nợ, lại được trang bị những công cụ phù hợp, VAMC sẽ từng bước xử lý nợ xấu một cách hiệu quả một khi được cả hệ thống chính trị tin tưởng và đồng lòng hỗ trợ tích cực và thiết thực.

Rõ ràng xử lý nợ xấu bằng nhóm giải pháp VAMC là một quá trình không thể vội vàng “cưa đứt, đục suốt” ngay được. Bước đầu tiên với việc mua nợ xấu bằng TPĐB đã giúp thông dòng tín dụng cho nền kinh tế mà hiệu quả to lớn là đã mang lại niềm tin đối với thị trường về khả năng xử lý hiệu quả nợ xấu của VAMC. Các tổ chức tín dụng có nợ xấu đã thay vì che giấu nợ xấu đang xếp hàng nộp hồ sơ sẵn sàng bán nợ xấu cho VAMC. Hiệu ứng quan trọng ở đây là nợ xấu của nền kinh tế đã và đang được công khai, minh bạch, điều mà trước đây khó làm được.

Nhà điều hành tuyên bố vai trò của VAMC trên cơ sở nhóm 5 giải pháp trực tiếp mà VAMC thực hiện đối với các khoản nợ xấu được mua. Đó là giúp các bên có nợ xấu cơ cấu lại khoản nợ, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khách hàng vay, chuyển nợ thành vốn góp, bán lại nợ cho nhà đầu tư bảo đảm có lợi cho tổ chức tín dụng chủ nợ và doanh nghiệp con nợ, xử lý tài sản đảm bảo nhanh và hiệu quả hơn vì có cơ chế đặc biệt.

Kể từ năm 2014, với vai trò chủ nợ, VAMC sẽ có thời gian để thực hiện tất cả các giải pháp đã và sẽ thực hiện nêu trên một cách phù hợp với từng khoản nợ xấu đã được mua bằng TPĐB. Đồng thời, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng cũng đã cho biết, VAMC đang xây dựng phương án tạo dựng thị trường mua bán nợ, để trong trung hạn sẽ đồng thời đưa ra và thực hiện xử lý nợ xấu theo phương pháp thị trường, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích hợp lý của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cũng như của cả nền kinh tế.

Không để nợ xấu “dồn toa” là quyết tâm chính trị của VAMC. Cũng không “đánh cược” với sự phục hồi của nền kinh tế, VAMC sẽ cùng với Thanh tra giám sát thực hiện chặt chẽ việc trích lập dự phòng TPĐB theo cơ chế 20%/năm trong lộ trình 5 năm một cách nghiêm ngặt để bảo đảm cho việc thanh lý TPĐB đáo hạn.

Cũng cần phải nhắc lại đây lần nữa là việc giải quyết nợ xấu của nền kinh tế phải được xác định là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả bộ máy công quyền mà ngân hàng là ngành mũi nhọn chủ đạo, trực tiếp xử lý hệ quả tồn đọng của toàn bộ nền kinh tế. Ngành Ngân hàng đã xây dựng 5 nhóm giải pháp và đã được Chính phủ phê chuẩn để các cấp các ngành cùng thực hiện. Vì thế, xử lý nợ xấu cho dù có giải pháp tốt đến mấy vẫn phải phụ thuộc vào sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô, quá trình tái cơ cấu sản xuất kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, khơi thông hiệu quả hàng tồn kho, sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản… tức là sự cộng đồng trách nhiệm giải quyết nợ xấu của cả nền kinh tế.