Không lơ là dự án FDI vay vốn trong nước

Theo thoibaonganhang.vn

Cùng với hội nhập, cơ hội tiếp cận vốn trong nước phải bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Sòng phẳng theo thị trường

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo rà soát nhằm đánh giá mức độ rủi ro của việc phụ thuộc vào vay nước ngoài của doanh nghiệp FDI, khắc phục chiến lược vốn mỏng của khối doanh nghiệp này.

Cùng với câu chuyện vốn mỏng, nhiều ý kiến đã “xới” lên việc doanh nghiệp FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, nhưng thực tế lại vay vốn trong nước để thực hiện dự án. Các ý kiến cho rằng như vậy là “lấy mỡ mình rán mình”, bởi trong khi doanh nghiệp trong nước đang khát vốn, thì ngân hàng lại nới rộng các khoản vay cho doanh nghiệp FDI.

Lâu nay khi nhắc tới thu hút FDI, ba lợi ích cơ bản mà khối doanh nghiệp này mang đến một quốc gia là vốn, công nghệ, việc làm; chỉ khi đạt ba điều kiện trên mới được xem là thuộc diện doanh nghiệp FDI.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước cho các dự án FDI vay vốn là làm méo mó tính chất của nguồn lực này, khiến tác động của FDI không còn hiệu quả và thực chất.

Tuy nhiên theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cần nhìn nhận vấn đề một cách sòng phẳng hơn.

Ông Thành phân tích, đúng là khi thu hút FDI, chúng ta đều muốn doanh nghiệp mang công nghệ, kỹ năng, vốn… để lan tỏa tích cực vào nền kinh tế trong nước. Song cần hiểu sâu xa rằng, tác động quyết định nhất, tích cực nhất của dòng vốn FDI chính là lan tỏa công nghệ, kỹ năng, và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.

“Nhấn mạnh điều đó đầu tiên để thấy rằng vay vốn trong nước có thể có tác động tiêu cực, ví dụ làm bớt đi một miếng bánh vốn cho doanh nghiệp trong nước, nhưng nó chỉ là yếu tố phụ. Cái quyết định nhất vẫn là tác động lan toả tích cực về công nghệ, kỹ năng… thì thời gian qua chúng ta còn chưa làm tốt”, ông Thành đánh giá.

Bên cạnh đó, việc “chĩa mũi dùi” về phía NHTM khi cho rằng các ngân hàng đã phóng tay cho vay FDI và xén bớt quyền lợi của doanh nghiệp trong nước cũng là chưa thỏa đáng.

Cần nhắc lại rằng sau một thời gian thu hút FDI thì chính các cơ quan quản lý đã thay đổi chính sách theo hướng uyển chuyển hơn, với kỳ vọng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong15 năm đầu tiên thu hút FDI, hoàn toàn không có chuyện nhà đầu tư nước ngoài vay vốn tại Việt Nam để làm ăn.

Tuy nhiên, từ năm 2005 quy định liên quan đến vấn đề vay vốn của FDI đã được dỡ bỏ. Vì vậy, khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam muốn vay vốn thì có thể liên hệ với ngân hàng trong nước.

Mức vay dành cho nhà đầu tư nước ngoài do các ngân hàng tự cân nhắc và thỏa thuận sau khi xem xét hồ sơ vay. Cùng thời điểm đó, các NHTM ở Việt Nam đã phát triển hơn, tiềm lực đã mạnh hơn, để thích nghi với nhu cầu phát triển thị trường thì câu chuyện cho nhà đầu tư nước ngoài vay vốn bắt đầu diễn ra ngày một sôi nổi.

“NHTM có vốn nhưng thiếu dự án tiềm năng để cho vay, thì khi Chính phủ không cấm, họ có thể chọn các dự án FDI để triển khai, đó là quyền của họ. Như thế vừa bớt rủi ro, lại được lợi cả đôi đường”, ông Thắng nhận xét.

TS. Võ Trí Thành cũng nhắc lại rằng, việc lựa chọn đối tượng cho vay là quyền của những người kinh doanh, dù đó là NHTM hay doanh nghiệp, chưa nói trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu sắc, về nguyên tắc phải có môi trường kinh doanh bình đẳng.

Vì vậy không thể ngăn chặn sự hợp tác giữa ngân hàng với bất kỳ khối doanh nghiệp nào bằng các biện pháp hành chính, bởi khi đã hội nhập thì không được phép tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực giữa các thành phần khác nhau trong nền kinh tế.

“Cho nên việc lựa chọn này có thể có tác động tiêu cực với doanh nghiệp trong nước nhưng đây là cuộc chơi, chúng ta phải chấp nhận”, ông Thành nhấn mạnh.

Ngân hàng thương mại không lơ là rủi ro

Mặc dù nhìn nhận việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp FDI là sòng phẳng trong nền kinh tế thị trường, song các chuyên gia cũng lưu ý, không thể lơ là hoạt động cho vay đối với khối doanh nghiệp này. Thực tế vừa qua Ngân hàng Nhà nước và bản thân các NHTM cũng đã rất cẩn trọng trong việc phê duyệt các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp FDI.

Lãnh đạo của một NHTM chia sẻ kinh nghiệm, khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI để tài trợ, ngân hàng luôn tập trung đánh giá một số yếu tố quan trọng như lịch sử, kinh nghiệm hoạt động trong ngành, quan trọng hơn cả là năng lực tài chính của chủ đầu tư, khả năng huy động vốn…

Một số ngân hàng thậm chí chỉ tập trung vào những doanh nghiệp có thương hiệu, vốn đầu tư dự án tối thiểu phải từ 10 triệu USD trở lên. Các doanh nghiệp chỉ đầu tư vài trăm ngàn USD đặt vấn đề vay vốn rất nhiều song ngân hàng cũng phải thận trọng.

Đối với phân khúc này, ngân hàng chỉ tiếp cận để tập trung vào các mảng dịch vụ như thẻ, chuyển tiền trong nước hoặc các hoạt động tài trợ thương mại nhỏ.

Bằng kinh nghiệm quản lý nhiều năm trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, TS. Phan Hữu Thắng khuyến nghị, những nhà đầu tư nước ngoài thích được vay vốn ở Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc và là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Còn các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Nokia… dù NHTM có chào mời bằng mọi ưu đãi cũng chưa chắc đã nhận được cái gật đầu của những nhà đầu tư này.

Bên cạnh đó theo ông Thắng, hệ thống luật pháp về đầu tư cũng đã có những nội dung siết chặt quản lý FDI để tạo điều kiện giám sát tài chính của khối doanh nghiệp này.

Đơn cử như Luật Đầu tư 2014 đã quy định nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam phải có 2 loại giấy phép và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh.

Trong đó Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư buộc phải ghi cụ thể về vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để ngân hàng xem xét và quyết định cho vay.