Không nên đợi dự án BT hoàn thành mới kiểm toán tổng thể

Theo Xuân Hồng/baokiemtoannhanuoc.vn

Với kinh nghiệm của một chuyên gia kinh tế đã nhiều năm làm việc tại Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế đã dành thời gian trả lời phỏng vấn phóng viên về vấn đề liên quan đến dự án BT.

Phóng viên: Thưa ông, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đang là một hình thức đầu tư khá phổ biến ở Việt Nam. Với kinh nghiệm của một chuyên gia kinh tế đã nhiều năm làm việc tại Mỹ, ông có thể cho biết một vài đánh giá về hình thức đầu tư này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi được biết, các dự án đầu tư theo hình thức BT không được sử dụng tại Mỹ cũng như các nước phát triển tương tự mà chỉ có ở một vài nước kém phát triển. Với Việt Nam, loại hình BT được ưa chuộng hiện nay là “đổi đất lấy hạ tầng”, hiểu một cách đơn giản là nhà đầu tư xây cơ sở hạ tầng (cầu, đường…) và các địa phương thay vì trả tiền thì trả cho nhà đầu tư một diện tích đất nhất định. Hình thức này ngày càng phổ biến nhưng nó tạo ra rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế cũng như tạo ra các hiện tượng tham nhũng, “sân sau”, lạm dụng ngân sách. 

Theo Hiến pháp Việt Nam, đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Bởi vậy, chúng ta không có thị trường mua bán đất mà chỉ có thị trường mua bán quyền sử dụng đất. Cũng vì chỉ có thị trường cho quyền sử dụng đất trong khi giá đất lại do chính quyền xác định nên nhiều trường hợp giá được tính rất chủ quan (quá thấp hoặc quá cao). Đây là một nguyên nhân căn bản dẫn đến tham nhũng, lãng phí trong các dự án BT.

Bên cạnh vấn đề định giá đất đai, có nhiều nguyên nhân khác cũng đưa đến tình trạng thất thoát, tiêu cực trong những  dự án đầu tư theo hình thức này, đáng quan ngại nhất là các lỗ hổng về chính sách. Hiện, chúng ta chưa có một chính sách nhất quán cũng như các công cụ giám sát hiệu quả để có thể phát hiện những vấn đề tư túi, tham nhũng, lợi ích nhóm, “sân sau” xảy ra khi chỉ định nhà thầu.

Trong các trường hợp khác, dưới áp lực về thời gian, chính sách, chính quyền Trung ương và địa phương chọn cách chỉ định thầu thay vì chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu công khai, dẫn đến việc vội vã lựa chọn những nhà thầu không đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm kỹ thuật để có thể hoàn thành công trình. 
Không nên đợi dự án BT hoàn thành mới kiểm toán tổng thể - Ảnh 1
TS. Nguyễn Trí Hiếu 
Vậy theo ông, những tình trạng trên cần được giải quyết như thế nào? 

Trước hết, khi xây dựng một dự án hạ tầng cơ sở, Chính phủ nên có những nghiên cứu chặt chẽ về tính khả thi, nguồn vốn, thời gian thực hiện… Sau khi có những dữ liệu, chỉ tiêu cơ bản như vậy, Chính phủ sẽ mở thầu. Việc lựa chọn nhà đầu tư rất quan trọng. Tôi cho rằng, nên chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu công khai, không nên chỉ định thầu trừ trường hợp bất đắc dĩ. Về phía nhà đầu tư, họ cũng phải mở những cuộc đấu thầu công khai, minh bạch để chọn nhà thầu.

Thực tế, rất nhiều dự án thua lỗ vì chủ đầu tư chỉ định thầu hoặc thông đồng với nhà thầu để bòn rút tiền của dự án. Bởi vậy, hình thức đấu thầu công khai cần được áp dụng nhiều nhất có thể trong việc lựa chọn nhà thầu.

Thứ hai, Chính phủ nên có công ty tư vấn độc lập bởi trong tất cả các công đoạn, dự án luôn cần sự giám sát độc lập. Công ty tư vấn độc lập này có thể giúp Chính phủ xét duyệt và thẩm định các dự án, cũng như khả năng kỹ thuật và tài chính của nhà thầu được chọn, từ đó có những khuyến cáo cho Chính phủ. 

Thứ ba, NHNN nên rà soát mọi khả năng xảy ra rủi ro đối với các ngân hàng thương mại trong việc tài trợ cho những dự án BT, để bảo đảm các ngân hàng thực hiện quản lý rủi ro hiệu quả khi tài trợ những dự án này.

Thời gian qua, những biểu hiện tham nhũng, thất thoát trong các dự án BT đều được phát hiện bởi các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Ông có nghĩ đến việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm toán như một giải pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng tiêu cực trên?  

Tôi luôn tin tưởng rằng hoạt động thanh tra, kiểm toán là một giải pháp hữu hiệu để hạn chế những vấn đề tiêu cực trong các dự án đầu tư nói chung và BT nói riêng. Trong thời gian tới, tôi nghĩ KTNN nên đẩy mạnh kiểm toán đối với hình thức đầu tư này. 

Để đảm bảo kiểm toán hiệu quả, trước hết, KTNN phải kiểm tra xem chi phí của các dự án đó có hợp lý và có theo đúng kế hoạch ban đầu. Nếu vượt kế hoạch thì vượt như thế nào, nguyên nhân ra sao? Các dự án đó có thể vượt kế hoạch do hoạt động chuyển giá của nguyên vật liệu, dịch vụ hay vì tham nhũng, làm giá, đẩy giá của nhà đầu tư?…
Thứ nữa, KTNN cần “soi” vào quan hệ giữa các nhà thầu phụ với nhà thầu chính, giữa nhà thầu chính với chủ đầu tư, giữa chủ đầu tư với tất cả cơ quan, ban, ngành chủ trì dự án đó. Chúng ta không loại trừ khả năng có lợi ích nhóm, có sự thông đồng và cấu kết giữa quan chức với chủ đầu tư để bòn rút tiền của Nhà nước. Nếu đó là những hành vi mang tính chất hình sự, lừa đảo thì cần phải được xử lý theo pháp luật, còn nếu mang tính chất thương mại (chẳng hạn như giá cả) thì phải có kiến nghị để chủ đầu tư kịp thời sửa đổi. 

Theo tôi, đối với các dự án BT, KTNN cần thực hiện kiểm toán theo tiến độ xây dựng, không nên đợi dự án hoàn thành mới kiểm tra tổng thể. Có thể kiểm toán 6 tháng một lần, thậm chí là 3 tháng một lần. Nếu 1 năm mới kiểm toán một lần hoặc khi dự án hoàn thành thì quá muộn. Tất nhiên, vấn đề này sẽ tăng áp lực và tăng chi phí cho Nhà nước, nhưng chi phí đó dẫu có cao thì cũng vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí thiệt hại do tham nhũng, lãng phí gây ra. Chúng ta phải làm điều đó để sàng lọc tất cả các dự án, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho quốc gia.