Không nên nôn nóng kích cầu

Theo baodautu.vn

Có khả năng, mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 được điều chỉnh giảm từ mức 7-7,5%/năm, xuống còn 6,5-7%/năm.

Không nên nôn nóng kích cầu
Cần duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn. Nguồn: internet
Tuy nhiên, theo TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), nếu không có các chính sách đột phá trong đầu tư, thì GDP khó tăng trưởng 6,5-7%/năm.

PV: Trong 6 tháng đầu năm nay, GDP chỉ tăng 4,9%, nên để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%/năm cũng hết sức khó khăn, thưa ông?

TS. Đinh Trọng Thắng: Có rất nhiều nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế khó có thể đạt bình quân 6,5%/năm trong giai đoạn 2011-2015, trong đó một vấn đề vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tăng trưởng kinh tế thấp, đó là tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm mạnh kể từ năm 2011 trở lại đây.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 và 2012 giảm xuống chỉ còn tương đương 34% GDP và 28,5% GDP, thay vì đạt mức xấp xỉ 40% GDP của giai đoạn 5 năm trước đó.

Còn trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư toàn xã hội mới đạt khoảng 401.000 tỷ đồng, bằng chưa đến 40% kế hoạch (30% GDP). Đầu tư không đủ mạnh dẫn tới tổng cầu giảm sút, thu nhập của doanh nghiệp và người dân suy giảm và nền kinh tế lún sâu vào tăng trưởng thấp.

Theo ông, vốn đầu tư toàn xã hội giảm do đâu?

Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi muốn nhấn mạnh tới một nguyên nhân quan trọng là sự giảm sụt lòng tin của nhà đầu tư vào triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô và sự phát triển của thị trường. Điều này một phần bắt nguồn từ việc điều hành kinh tế vĩ mô liên tục thay đổi qua nhiều thái cực khác nhau.

Theo tôi, để tăng tổng đầu tư toàn xã hội, không nên nôn nóng thực hiện chính sách kích cầu, mà cần kiên trì định hướng “ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, coi đó là một mục tiêu điều hành trong dài hạn. Mọi chính sách về tỷ giá, lãi suất, tài khóa, hỗ trợ thị trường… phải thực hiện theo định hướng này.

Trong bối cảnh này, phải tăng đầu tư công, thưa ông?

Là một nước đang phát triển, Việt Nam vẫn phải duy trì đầu tư ở mức tương đối cao. Quốc hội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2011-2015, vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 33,5-35% GDP. Trong năm 2011 và 2012, tổng vốn đầu toàn xã hội không đạt mục tiêu đặt ra (năm 2011 đạt 34% GDP, trong khi mục tiêu là 40% GDP; năm 2012 đạt 28,5% GDP, còn mục tiêu là 33,5% GDP).

Như vậy, trong 3 năm còn lại, dư địa gia tăng đầu tư toàn xã hội nói chung, đầu tư công nói riêng còn khá lớn. Đầu tư công có vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế, do vậy, mục tiêu không phải là cắt giảm đầu tư công, mà cần nâng cao hiệu quả và quản lý tốt hơn dòng đầu tư này để giảm thiểu thất thoát và lãng phí.

Trong ngắn hạn, không nên tăng đầu tư công một cách tràn lan, nhưng cần tăng cường giải ngân đầu tư công vào các công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia. Trong trung hạn, các thể chế quản lý đầu tư công, bao gồm cả đầu tư dưới hình thức BOT, BTO, BT... cần được thay đổi rất căn bản để nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Với hàng loạt chính sách được ban hành từ đầu năm đến nay, liệu tổng mức đầu tư toàn xã hội sẽ đạt mục tiêu?

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư, theo tôi, quan trọng nhất là cần duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn, kết hợp với vai trò chủ động của Nhà nước trong điều hành đầu tư công.

Trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện gia hạn, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp. Cùng với đó, một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi; Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, với các chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho hầu hết mọi đối tượng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh nhà ở xã hội, là một đòn bẩy rất tích cực để các thành phần kinh tế bỏ vốn ra đầu tư.

Những chính sách này đã mang lại những kết quả bước đầu. Nếu như so với cùng kỳ năm 2012, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm giảm 1,2%, thì tính đến hết tháng 5/2013 đã tăng 4,8% và đến hết tháng 6/2013 đã tăng 7,8% so với 6 tháng đầu năm 2012. Cũng trong thời gian này, số doanh nghiệp đứng bên bờ vực giải thể, phá sản, nay hoạt động trở lại đã tăng từ 8.300 doanh nghiệp trong tháng 4, lên 8.800 doanh nghiệp trong tháng 5 và 9.300 doanh nghiệp trong tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, trong trung hạn và dài hạn, đầu tư toàn xã hội chỉ có thể phục hồi, nếu những cải cách cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp nhà nước.