Triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế:

Không thanh toán nếu vượt trần quỹ khám chữa bệnh

Theo Cao Linh/daibieunhandan.vn

Nếu vượt mức trần quỹ khám chữa bệnh, các cơ sở y tế sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ nữa. Đó là chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về những điểm mới của Nghị định 146/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bảo đảm quyền lợi người dân

Phóng viên: Xin ông cho biết, với những điểm mới tại Nghị định số 146/2018, những đối tượng tham gia BHYT sẽ được hưởng những lợi ích gì?

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Ông Phạm Lương Sơn: Như chúng ta đã biết Nghị định số 105/2014 ban hành hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật BHYT đã được thực hiện trên 4 năm. Trong quá trình đó, ngoài những kết quả đã đạt được, cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập, từ vấn đề phát triển đối tượng, bảo đảm quyền lợi đến quản lý Quỹ BHYT. Vì vậy, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam tiến hành dự thảo để trình Chính phủ ban hành Nghị định mới, nhằm khắc phục những bất cập cơ bản hướng tới việc bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người dân khi tham gia BHYT và phát triển chính sách BHYT bền vững.

Nghị định lần này khi ban hành, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ khắc phục được một số vấn đề mà dư luận, người dân quan tâm. Trước hết, để phát triển bền vững BHYT, phải xác định độ bao phủ cho nhóm đối tượng và Nghị định lần này đã quy định rất rõ 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT.

Trong đó, đặc biệt quan tâm tới chính sách về hộ nghèo đa chiều, đối tượng là người già, thân nhân của người lao động, thân nhân của người công tác tại lực lượng quân đội, công an.

Nghị định đã chính thức hợp thức hóa những đối tượng đó vào tham gia như một diện tham gia BHYT bắt buộc. Trên cơ sở đó, đề xuất mức đóng, mức hỗ trợ từ ngân sách, từ các nguồn tài chính khác, bảo đảm dù ở nhóm đối tượng nào thì người dân cũng tham gia BHYT một cách bền vững.

Không chỉ vậy, để bảo đảm quyền lợi cơ bản của người dân thì cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Nghị định số 146/2018 quy định rất cụ thể về thủ tục khám chữa bệnh, trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh.

Ví dụ, Nghị định quy định khi người bệnh đi khám chữa bệnh trái tuyến nhưng nếu trong trường hợp cấp cứu, điều trị nội trú hoặc mắc những bệnh phát sinh, vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu thì vẫn được coi là khám chữa bệnh đúng tuyến.

Minh bạch trong quản lý quỹ

Điều quan trọng không kém là bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Vậy, những điểm mới tại Nghị định số 146/2018 có đáp ứng được yêu cầu đó hay không, thưa ông?

Đúng, một trong những nội dung không kém phần quan trọng đó là hướng tới việc quản lý Quỹ BHYT hiệu quả. Để bảo đảm được yêu cầu đó, Nghị định này đã bổ sung một số nội dung như xác định ứng dụng Công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và mũi nhọn.

Theo đó, việc chia sẻ dữ liệu giữa ngành y tế và ngành BHXH ở cấp Trung ương và hướng tới cấp cơ sở, địa phương. Bao gồm phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn nữa của Sở Y tế trong việc thực hiện đúng chức năng là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về Y tế, BHYT trên địa bàn.

BHXH Việt Nam cùng với Bộ Y tế cũng đã thống nhất trong việc cấp tài khoản cho Sở Y tế để theo dõi thông tin, tình hình sử dụng quỹ tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cùng với đó, việc tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ địa phương trong việc quản lý, chia sẻ và sử dụng dữ liệu cũng trở thành chủ trương bắt buộc.

Mặt khác, quy định của Nghị định này thay đổi cơ bản việc giao quỹ, xác định tổng mức thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, từ ngày 1/12 tới, tức là khi Nghị định 46 có hiệu lực, về cơ bản, các cơ sở khám chữa bệnh, không được giao Quỹ khám chữa bệnh theo số thẻ đăng ký ban đầu như trước, mà xác định tổng mức thanh toán cho kỳ quyết toán, cho năm tài chính, căn cứ vào chi phí, kinh phí đã được cơ quan BHXH thẩm định quyết toán ở kỳ trước và hệ số điều chỉnh do Bộ Y tế ban hành hàng năm sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, để hướng tới bảo đảm sự bình đẳng, minh bạch trong quản lý Quỹ BHYT, tạo sự thống nhất giữa các cơ sở y tế cũng như cơ quan BHXH, Nghị định xác định rất rõ hợp đồng khám chữa bệnh với những điều khoản cụ thể và trách nhiệm của các bên.

Song, cũng không thể thiếu vai trò của cơ quan chuyên môn ở địa phương là Sở Y tế cũng như các cơ quan quản lý ở Trung ương.

Theo ông, Nghị định mới có giải quyết được tình trạng các cơ sở khám, chữa bệnh vượt trần, vượt quỹ hay không?

Như đã nói ở trên, Nghị định này không giao quỹ khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế khám chữa bệnh, thay vào đó là giao tổng mức thanh toán. Nếu cơ sở vượt mức thanh toán thì sẽ không được thanh toán, đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ nữa.

Điều đó đòi hỏi cần nâng cao tính tự chủ của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là giám đốc, lãnh đạo. Phải làm sao hướng tới việc đạt được mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh nhưng đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Quỹ BHYT, đặc biệt là phòng chống trục lợi, tiêu cực.

Tức là mỗi cơ sở y tế phải tính đến cả những chi phí phát sinh tăng và giảm. Đơn cử như việc sử dụng thuốc mới, dịch vụ kỹ thuật mới, vật tư y tế mới, xác định những vấn đề mang tính đột biến làm gia tăng chi phí.

Xin cảm ơn ông!