Không thể chỉ là nhiệm vụ của chính sách tiền tệ

Theo Đại biểu Nhân dân

Luật Ngân hàng Nhà nước đã quy định mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền thông qua điều chỉnh tỷ lệ lạm phát. Trên thực tế, chính sách tiền tệ đang nặng gánh với hai vai trò kiềm chế lạm phát và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không thể chỉ là nhiệm vụ của chính sách tiền tệ
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với những khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu của năm 2013 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012. Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phải phù hợp với diễn biến lạm phát, các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá. Và tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các giải pháp, chính sách vĩ mô khác để vừa kiểm soát được lạm phát mà lại có thể hỗ trợ cho tăng trưởng.

Nhưng có thể thấy, hai nhiệm vụ này đang đặt một gánh nặng trên vai chính sách tiền tệ. Bởi về nguyên tắc hai nhiệm vụ này có phương thức thực hiện không giống nhau, khó kết hợp. Vì thế để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra thì đòi hỏi và cũng là cái khó với cơ quan chức năng là phải chọn đúng giải pháp, liều lượng và thời gian thực hiện. Chính sách tiền tệ cần nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu của chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác. Nói cách khác là cần khắc phục hạn chế chưa phối hợp nhịp nhàng giữa Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành trong một số thời điểm nhất định vừa qua.

Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều đang có những khó khăn nhất định. Với lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 tăng 1,25% so với tháng 12.2012, và trong tháng 2 tăng 1,3% so với tháng đầu năm. Như vậy, chỉ mới 2 tháng đầu năm, CPI đã gần đạt 50% mục tiêu mà Chính phủ đề ra là kiềm chế lạm phát năm 2013 ở mức 6 - 6,5% trong khi khoảng thời gian còn lại là khá lớn. Mức tăng này cũng đưa lạm phát tính theo năm tiếp tục tăng lên.

Nhiều tổ chức trong nước cũng như quốc tế cũng dự báo lạm phát năm nay ở mức cao hơn khá nhiều so với năm 2012. Theo dự báo mới đây của ANZ, lạm phát năm 2013 của Việt Nam vào khoảng 8 đến 10%. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cũng dự báo, lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012 và hướng tới mức 10%. Bởi lạm phát năm 2012 được sự hỗ trợ rất lớn từ việc giá lương thực giảm mạnh trong khi các yếu tố lạm phát lõi vẫn tăng vượt 10%. Trong khi đó, năm 2013, sự hỗ trợ từ việc giá lương thực giảm mạnh không còn nhiều, và giá năng lượng được dự báo sẽ tăng cùng với đà hồi phục của kinh tế thế giới. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, nước, viện phí... theo cơ chế thị trường cộng với nỗ lực vực dậy tổng cầu của Chính phủ cũng sẽ tác động mạnh đến lạm phát.

Đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế cũng mới được khởi động nên tăng trưởng hiện vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư, chưa thể bằng các yếu tố khác. Tuy nhiên, đầu tư công hiện khó tăng cao do thu ngân sách giảm trong năm 2012 và được dự báo sẽ không tăng cao trong năm nay. Đầu tư từ khu vực nước ngoài thì không được kỳ vọng nhiều khi môi trường đầu tư tại nước ta đang mất dần sự hấp dẫn do những yếu kém về thể chế, hạ tầng, nhân lực vẫn chậm được cải thiện lại xuất hiện thêm những yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô. Vì vậy, vốn đầu tư chỉ có thể trông chờ vào khu vực tư nhân mà chủ yếu là nguồn tín dụng ngân hàng. Song tăng trưởng tín dụng không thể bằng ý chí của phía ngân hàng mà phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Mặt khác, nếu không thận trọng, việc tăng trưởng tín dụng dễ dãi còn có thể khiến nợ xấu tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường cho nền kinh tế.

Trong điều kiện hiện nay, phương châm điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tiền tệ, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh là một định hướng đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay nên ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với tái cơ cấu lại nền kinh tế, thay vì chạy theo mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn. Song điều quan trọng nhất là chính sách tiền tệ không thể một mình gánh nặng được, cần có những giải pháp, chính sách vĩ mô hiệu quả khác để san sẻ gánh nặng này.