Kịch bản nào cho Kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm?

ThS. HOÀNG THỊ THU HIỀN

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016, với điểm tựa kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định đã đưa tốc độ tăng trưởng đạt mức 5,52%, tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2015, kết quả này tương đối thấp và so với mục tiêu đặt ra trong năm là 6,7% thì nhiệm vụ trong những tháng cuối năm là rất nặng nề. Nếu không có sự quyết tâm cao độ từ các cấp, các ngành thì mục tiêu này khó có thể hoàn thành… Kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm là vấn đề đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh tế tăng trưởng chậm

Theo nhận định của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô của nước ta cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý (CPI 6 tháng đầu năm 2016 tăng 2,35% so với tháng 12/2015); lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Số doanh nghiệp đăng ký mới, doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng cao hơn cùng kỳ. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi như hạn hán, thiên tai... cần có những giải pháp linh hoạt để đáp ứng.

Nhận định này, có nhiều đồng thuận với báo cáo của Tổng cục Thống kê. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,55%. Tốc độ tăng trưởng năm nay tuy cao hơn tốc độ tăng chung của cùng kỳ các năm 2012 – 2014 (lần lượt là 4,93%; 4,9%; 5,22%) nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,28% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Như vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2016, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có biểu hiện chững lại ngay sau năm đầu tiên vượt dốc (năm 2015). Với mức tăng chậm và chững này, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016 thì trong 6 tháng cuối năm GDP phải đạt 7,6% trung bình mỗi tháng.

Năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN, nhưng năm nay nhiều dự báo đưa ra có thể thấp hơn nhiều nước. Sự suy giảm tăng trưởng này là kết quả của việc sụt giảm quá mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp và khai thác, kéo lùi kỳ vọng tăng trưởng đặt ra trước đó. Mặc dù, đa phần các lĩnh vực đều duy trì được mức tăng trưởng tốt nhưng một số lĩnh vực chủ lực đang gặp khó khăn, gây nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả chung. Cụ thể, mức suy giảm chủ yếu đến từ khu vực sản xuất, mà trong đó hai lĩnh vực nông nghiệp và khai thác khoáng sản, thủy sản là các nhân tố chính kéo giảm đà tăng này.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm từ 2014-2016

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, thấp hơn tiến độ thu cùng kỳ năm trước (49%), trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ bằng 94,5% so với cùng kỳ năm 2015. Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 33,2% kế hoạch. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm. Đây là một trong những yếu tố kéo GDP nửa đầu năm chững lại. Nguyên nhân khiến cho nông nghiệp sụt giảm là tình hình thời tiết khắc nghiệt như xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước.

Ngành Công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm, mức tăng trưởng ngành công nghiệp thấp hơn cùng kỳ năm trước do ngành khai khoáng tăng trưởng âm và công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác dầu thô giảm hơn 500 nghìn tấn so với 6 tháng năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% (quý I tăng 7,6%; quý II tăng 7,5%), thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% (6 tháng năm 2015 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2014). Đây là mức tăng thấp, kể cả xem xét trong tương quan với mức tăng GDP của năm nay. Mặt khác, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 80,7 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,54 tỷ USD, bằng khoảng 1,9% kim ngạch xuất khẩu. Giá nhập khẩu của các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng kim ngạch nhập khẩu giảm, mặc dù lượng nhập khẩu các mặt hàng hầu hết đều tăng, như: sắt thép, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, cao su, giấy, xơ sợi dệt, kim loại...

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 427,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký 6 tháng đầu năm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm nay là 31.119 doanh nghiệp, tăng 15,0% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu như hầu hết các ngành nghề có xu hướng tăng trưởng chậm, thì khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm nay đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 tới nay. Cụ thể, bán buôn, bán lẻ tăng 8,1%; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 6,1%; thông tin và truyền thông tăng 8,76%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 7,30%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 7,20%; giáo dục và đào tạo tăng 7,15%; Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% (mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay); Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng ước tính đạt 195,5 nghìn tỷ đồng chiếm 11,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng năm nay ước đạt 15 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng ước tính đạt 199,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Phương án nào cho những tháng cuối năm?

Theo đánh giá chung của các tổ chức và nhiều chuyên gia, với mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 và nhìn vào 2 quý đầu năm nay, thì rất khó để về đích như mong đợi. Để về đích đúng kế hoạch, theo các chuyên gia cần các chính sách tác động tổng cầu, mở rộng chính sách tài khóa tiền tệ, mở rộng tín dụng tăng thu ngân sách. Cụ thể, thúc đẩy tiêu dùng; có thể thay vì tiêu dùng cuối cùng sẽ đẩy mạnh tiêu dùng Chính phủ, thay vì đầu tư tư nhân sẽ là đầu tư công. Nhưng lựa chọn phương án này sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ thâm hụt ngân sách trong dài hạn. Nếu phương án mở rộng chính sách tài khóa được triển khai, thì mức độ thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 6,6%.

Phương án tiếp theo để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Về phía NHNN, định hướng tăng trưởng tín dụng năm ngoái là 20% và mục tiêu trong năm nay cũng tương tự. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng là 6,8%, nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm thì 6 tháng cuối năm phải bung tiền ra rất nhiều. Một phương án nữa là dựa vào công cụ đảo nợ, nhập lãi, nhập gốc của các ngân hàng làm cho dư nợ tín dụng tăng lên để đảm bảo mục tiêu này. Tuy nhiên, đây sẽ là một con số không thực chất, gây nên bất ổn cho hệ thống. Vì vậy, cũng tương tự như tăng trưởng vĩ mô thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng cần phải điều chỉnh xuống thấp hơn, thậm chí là ở mức 13% cho phù hợp và đảm bảo an toàn.

Nếu muốn hoàn thành mục tiêu bằng mọi giá thì ngoài những biện pháp, chính sách trên vẫn còn một công cụ khác hỗ trợ là đòn bẩy tỷ giá. Tuy nhiên, nếu phá giá tiền đồng sẽ không hỗ trợ nhiều cho xuất khẩu, vì vậy cần phải giữ giá tiền đồng ổn định. Năm nay Ngân hàng Nhà nước có chỉ tiêu điều chỉnh tỷ giá ở mức 4%, tuy nhiên hiện tại chưa có sức ép lớn nên vẫn chưa sử dụng công cụ này. Như vậy, trong những tháng cuối năm có thể sử dụng 1-2 lần điều chỉnh khi sức ép tỷ giá thực sự gia tăng. Tuy nhiên, chủ trương chống đôla hóa của Ngân hàng Nhà nước là một lý do hạn chế việc xây dựng tăng trưởng kinh tế trên đòn bẩy tỷ giá.

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016;

2. Tổng cục Thống kê, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội các năm: 2012, 2013, 2015, 2015;

3. Chính phủ, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2016;

4. Cục Quản lý Giá, Học viện Tài chính: Kỷ yếu Hội thảo diễn biến tình hình giá cả thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2016.