Kiểm soát lạm phát có ý nghĩa quyết định

Theo Đầu tư Chứng khoán

“Trong vòng ít nhất 3 năm tới, mục tiêu của chính sách tiền tệ nên hướng vào việc ổn định thị trường”. Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Theo quan điểm của ông, chính sách tiền tệ năm 2013 nên như thế nào để phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế, thưa ông?

Những năm vừa qua, thị trường tiền tệ có nhiều bất ổn như nợ xấu, một số ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản, phát hiện nhiều sai phạm của một số ngân hàng và lãnh đạo ngân hàng... Nguyên nhân một phần là do hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng rất nhanh trong những năm trước đây, song năng lực quản trị, điều hành không theo kịp. Do vậy, trong năm nay và ít nhất 3 năm tới, mục tiêu của chính sách tiền tệ nên nhắm vào việc ổn định thị trường tiền tệ.

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_01_17/nguyen-tri-hieu2.jpg
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Trong ngắn hạn, có thể xảy ra xung đột giữa ổn định và tăng trưởng, nhưng nếu muốn hệ thống ngân hàng phát triển bền vững thì ổn định và trật tự thị trường là điều kiện tiên quyết. Trong năm 2013, nếu phải lựa chọn giữa ổn định và tăng trưởng, thì ổn định phải được xem là ưu tiên. Dĩ nhiên, chúng ta không thể không quan tâm đến tăng trưởng, nhưng tăng trưởng ở một mức độ hợp lý để tập trung nguồn lực và thời gian vào các nỗ lực, nhằm tạo sự ổn định và tái lập trật tự cho hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại năm 2012, mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh so với kế hoạch đặt ra từ đầu năm, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được mục tiêu. Theo ông, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 được NHNN đặt ra là 12% có thực tế?

Tăng trưởng tín dụng thấp trong năm 2012 không chỉ là hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, mà phần lớn là do hoạt động của ngân hàng còn bộc lộ những yếu kém, trong đó có nợ xấu. Vấn đề nợ xấu đã làm cho các ngân hàng chùn tay trong việc cấp phát tín dụng.

Năm 2013, nếu tái cấu trúc ngành ngân hàng, nỗ lực giải quyết nợ xấu đạt kết quả tích cực và sức khỏe tài chính của ngân hàng được phục hồi tốt hơn thì khả năng cho vay của các ngân hàng được tăng cường. Tôi cho rằng, 12% là con số hợp lý, bởi trên thực tế, nhu cầu về tín dụng còn rất cao. Vấn đề là các ngân hàng có sẵn sàng cho vay hay không và các DN có tiếp cận được nguồn tín dụng của ngân hàng hay không?

Quan điểm của ông về chính sách lãi suất năm 2013 ra sao?

Công bằng mà nói, trong năm vừa qua, NHNN đã thành công trong điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt, kéo lạm phát xuống rất sâu, giữ tỷ giá ổn định... Đây là tiền đề để NHNN đưa ra những chính sách và biện pháp thích hợp, ổn định thị trường lãi suất.

Dù vậy, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, gánh nặng lãi suất vẫn đè nặng trên vai các DN và đưa nhiều DN đến nguy cơ ngưng hoạt động hay phá sản. Theo tôi, năm 2013, trong khi vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, NHNN sẽ nỗ lực đẩy mặt bằng lãi suất huy động và cho vay xuống thấp hơn nữa. Tuy nhiên, việc tiếp tục điều chỉnh mặt bằng lãi suất qua mệnh lệnh hành chính sẽ khó tạo được sự ổn định của thị trường. Do đó, NHNN nên xem xét vấn đề tự do hóa lãi suất tại một thời điểm thích hợp, khi mà lạm phát nằm trong vòng kiểm soát.

Vậy còn câu chuyện tái cấu trúc và giải quyết vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì sao, thưa ông?

Dù nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nhưng đây cũng chính là cơ hội để ngành ngân hàng tái cơ cấu hoạt động.

Nói đến tái cấu trúc, trọng tâm luôn là xử lý nợ xấu, khi nào nợ xấu còn nằm trong hệ thống thì sự vận hành vẫn bị ách tắc. Chính vì thế, nợ xấu là vấn đề ưu tiên trong việc lập lại trật tự ổn định cho ngành ngân hàng. Vấn đề là nợ xấu sẽ được xử lý ra sao? Dĩ nhiên, chủ thể đầu tiên trong việc xử lý nợ xấu là các NHTM với những nỗ lực thu hồi nợ, xử lý dự phòng nợ xấu, thanh lý tài sản đảm bảo và tranh tụng pháp lý. Nhưng chúng ta không thể tránh được việc thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu một cách toàn diện và dứt điểm. Công ty này cần phải sớm được thành lập dưới sự chủ trì của NHNN và sự tham gia của nhiều bộ, ngành của Chính phủ và Quốc hội.

Ông có cho rằng, chính sách tỷ giá nên được vận hành như năm ngoái?

Thị trường thế giới vẫn nhiều biến động, nhưng chưa xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng lớn tới giá trị của đồng USD. Tình hình xuất nhập khẩu trong năm nay có lẽ sẽ không có những bước đột phá so với năm 2012, do mức cầu trên thế giới dự báo vẫn yếu. Vì vậy, tỷ giá được dự đoán sẽ giữ ở mức ổn định tương đối so với năm 2012.

Về chính sách hối đoái, có thể yên tâm là NHNN sẽ quản lý thị trường hối đoái một cách cẩn trọng, linh hoạt và giữ cho sự ổn định tiếp tục trong 2013.

Điều này có thể hiểu rằng NHNN sẽ neo cứng tỷ giá như năm ngoái?

Cho đến giờ này, NHNN vẫn chưa có thông điệp chính thức neo tỷ giá ở mức nào. Tôi cho rằng, năm nay không cần neo tỷ giá, để thị trường vận hành linh hoạt. Với nguồn dự trữ ngoại hối trong năm qua, NHNN có khả năng can thiệp và giữ thị trường ổn định. Do vậy, tôi dự đoán, tỷ giá có thể không biến động quá 2%, ổn định ở khoảng 21.200 đồng/USD.

Gần đây, vấn đề quản lý thị trường vàng đang “nóng” lên trên nhiều diễn đàn. Quan điểm của ông ra sao?

Thời gian qua, NHNN đã siết lại kỷ luật trên thị trường này như việc “chuẩn hóa” vàng miếng, “chuẩn hóa” hệ thống kinh doanh vàng. Đó là tiền đề cho việc lập lại trật tự trong thị trường vàng.

Trong những ngày vừa qua, khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới đã được rút ngắn rất nhiều và đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ những biện pháp và quyết định mới đây của NHNN đang có tác dụng tích cực.

Tóm lại, điều hành CSTT năm 2013 vẫn hướng đến mục tiêu cao nhất là kiềm chế lạm phát, thưa ông?

Đúng vậy. Chính sách tiền tệ luôn là chìa khóa để kiểm soát lạm phát, là van mở và đóng dòng tiền lưu thông. Mục tiêu của chính sách tiền tệ trong năm nay là kiểm soát lạm phát đạt mức 6%, trong khi vẫn tạo điều kiện để kinh tế tăng trưởng ở mức 5,5%. Tuy nhiên, để kiềm chế lạm phát, cần sự góp sức của các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.