Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu

Theo tapchithue.com.vn

Khuyến nghị này không chỉ xuất phát từ diễn biến tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) trong những năm qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm, mà còn căn cứ vào các yếu tố được dự báo tác động đến lạm phát trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ tháng 1 diễn biến khá đặc biệt so với thông lệ hàng năm khi CPI không tăng, còn từ tháng 2 đến nay CPI liên tục tăng lên và gần như các tháng đều tăng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Riêng tháng 6 năm nay, CPI đã tăng cao nhất so với tháng 6 cùng kỳ từ năm 2012 đến nay (tháng 6 năm 2012 giảm 0,26%; 2013 tăng 0,05%; 2014 tăng 0,3%; 2015 tăng 0,35%). Tính chung sau 6 tháng của năm nay (tức là tháng 6/2016 so với tháng 12/2015) CPI tăng 2,35%, cao hơn tốc độ tăng tương ứng của 2 năm trước (năm 2014 tăng 1,38%, năm 2015 tăng 0,73%).

Tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm là dấu hiệu cho thấy khả năng CPI cả năm 2016 tuy không cao như thời kỳ 2004-2013 (cao nhất là 19,89%, thấp nhất là 6,04%, bình quân 1 năm tăng 10,62%), nhưng gần như chắc chắn sẽ cao hơn tốc độ tăng của 2 năm trước. Dự báo này được căn cứ vào các yếu tố tác động đến lạm phát trong các tháng còn lại của năm, trong đó yếu tố cơ bản nhất là quan hệ cung- cầu đã có sự chuyển dịch khác những năm trước, cụ thể tổng cung đã tăng chậm lại, biểu hiện ở tăng trưởng kinh tế quý I và 6 tháng đã thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tăng trưởng công nghiệp- xây dựng đã đã giảm tốc, đặc biệt nhóm ngành nông, lâm nghiệp- thủy sản do tác động của các yếu tố đầu vào, đầu ra đã bị giảm ngay từ quý I, khả năng cả năm khó tăng cao, thậm chí có thể vẫn giảm. Tổng cung năm nay giảm còn biểu hiện ở chỗ cùng kỳ năm trước nền kinh tế nhập siêu 3437 triệu USD, thì 5 tháng năm nay xuất siêu 1638 triệu USD.

Trong khi tổng cung tăng chậm lại, thì tổng cầu lại tăng cao hơn. Vốn đầu tư tăng lên (FDI tăng 17,2%, cả vốn đầu tư từ NSNN tăng 11,5%, lượng vốn của các DN đăng ký thành lập mới và bổ sung tăng 59,3%...). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ giá) tăng 7,8%, tuy chậm hơn cùng kỳ nhưng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Xét về yếu tố trực tiếp là chi phí đẩy, sau một thời gian tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm, thì nay có xu hướng tăng cao trở lại. Trên thế giới, giá một số loại hàng hóa, nhất là xăng dầu, ga… tính bằng USD sẽ tăng trở lại cộng hưởng với yếu tố tỷ giá VNĐ/USD tuy so với cuối năm trước thì giảm, nhưng nếu tính bình quân so với cùng kỳ năm trước lại tăng với tốc độ cao và khả năng bình quân cả năm sẽ tăng cao hơn tốc độ tăng tương ứng (3,16%) của năm 2015.

Yếu tố tiềm ẩn, sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư thì năm nay được dự báo thấp hơn năm trước. Trong khi đó yếu tố tài chính, tiền tệ- yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát năm nay được dự báo chuyển biến chậm, có loại còn tác động làm cho giá tăng. Tăng trưởng tín dụng cao hơn năm trước và khả năng tốc độ tăng tiển gửi thấp hơn tốc độ tăng tín dụng, sẽ làm cho tiền ra lưu thông nhiều hơn tiền vào hệ thống ngân hàng. Nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để, thậm chí có thể tăng nếu thị trường bất động sản vừa mới ấm lên đã chững lại.

Một số yếu tố quan trọng khác là việc thực hiện lộ trình giá thị trường năm nay sẽ cao hơn năm trước, nhất là xăng dầu, nước, giáo dục, y tế… Nếu tiến hành dồn dập vào một vài thời điểm và đồng loạt ở các địa phương (đối với giá do địa phương quyết định) cộng hưởng với yếu tố tâm lý sẽ làm cho CPI tăng cao hơn mục tiêu. Đây là cảnh báo cần thiết, bởi đối với người dân, lạm phát được quan tâm nhiều hơn là tăng trưởng kinh tế.