Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng

Theo nhandan.com.vn

Sau khi có sự sụt giảm nhẹ khi bước vào tháng đầu năm 2016, tín dụng đã lấy đà tăng trở lại và tính đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt mức 2,54%.

Các TCTD đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn. Nguồn: internet
Các TCTD đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn. Nguồn: internet

Sự khởi sắc này đem lại hy vọng về đà tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2016, song, để đạt mức tăng từ 18 đến 20% như mục tiêu ban đầu đề ra vẫn là bài toán khó. Đặc biệt, đi kèm tốc độ tăng trưởng là việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

Hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh

Năm 2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm đạt từ 18 đến 20%. Chính vì vậy, đẩy nhanh cho vay ngay từ đầu năm là cách hợp lý nhằm giúp giảm tải áp lực cuối năm cho các ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đã tung ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp. Theo đó, từ nay đến hết năm 2016, doanh nghiệp được áp dụng mức lãi suất ưu đãi trong suốt thời gian vay vốn. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi khác như ưu đãi phí thanh toán nội địa, phí thanh toán quốc tế, phí dịch vụ ngân hàng điện tử,…

Đặc biệt, để tăng sức cạnh tranh nhằm tăng tín dụng, ngân hàng này đã "may đo" các sản phẩm doanh nghiệp phù hợp với từng ngành nghề như sản phẩm tín dụng dành cho các doanh nghiệp giấy Bắc Ninh, sản phẩm cho vay doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Tuần Châu (Quảng Ninh), cho vay vốn các doanh nghiệp kinh doanh tại Phú Quốc (Kiên Giang), sản phẩm cho vay dành riêng cho các doanh nghiệp dầu khí, doanh nghiệp vận tải, đại lý xe ô-tô,…

Cùng với việc thiết kế từng sản phẩm tín dụng phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực và đối tượng khách hàng, hiện nay theo định hướng chỉ đạo từ NHNN, các ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm theo hướng ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa,...

Đơn cử như tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), cơ cấu tín dụng của ngân hàng đã chuyển dịch theo định hướng tập trung vốn giải ngân cho vay đối với các lĩnh vực trực tiếp sản xuất, kinh doanh, khu vực kinh tế được Chính phủ khuyến khích phát triển. Ngay từ đầu năm 2016, để mở rộng tín dụng, VietinBank đã ban hành nhiều cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất phù hợp, kết hợp với đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ,...

"VietinBank thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng lành mạnh đi đôi với bảo đảm duy trì lợi nhuận ổn định. Một trong những giải pháp cụ thể được triển khai là giữ vững thị phần khách hàng truyền thống, tiếp tục khai thác khách hàng mới; giữ vững thế mạnh ngân hàng bán buôn, phát huy vai trò chủ lực cho vay đầu tư các lĩnh vực, thành phần kinh tế trọng điểm; đột phá thị phần và hiệu quả sinh lời ở phân khúc khách hàng vừa và nhỏ, khách hàng doanh nghiệp FDI...", đại diện lãnh đạo VietinBank cho biết.

Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng cao

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 12-4, tín dụng toàn hệ thống đã đạt mức tăng trưởng 2,54%. "Đến nay, tín dụng nhìn chung tăng trưởng tốt, mức tăng đều và tăng theo từng tháng" - đại diện lãnh đạo NHNN nhận định.

Trước đó, cũng theo số liệu từ cơ quan này, tín dụng tính đến cuối tháng 1-2016 giảm 0,21% so cuối năm 2015. Nguyên nhân của việc giảm này là do yếu tố mùa vụ và cũng là quy luật thường thấy của hằng năm.

Nhưng nếu so sánh cùng thời điểm, mức giảm này vẫn cho cái nhìn lạc quan hơn khi cùng kỳ năm trước là âm 0,5%. Và tín hiệu lạc quan này càng được khẳng định rõ hơn khi đà tăng trưởng tín dụng đã quay trở lại vào tháng sau và tiếp tục giữ mức tăng khá đều cho đến nay.

Thực tế tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong quý I vừa qua cũng khá tương đồng với nhận định và kỳ vọng của các tổ chức tín dụng (TCTD). Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) mới đây công bố, phần lớn TCTD đều kỳ vọng vào sự phục hồi bền vững của thị trường tiền tệ.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, các TCTD đã điều chỉnh giảm nhẹ kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng huy động vốn và dư nợ tín dụng trong năm 2016 về mức hợp lý hơn. Nhưng mức điều chỉnh không đáng kể và vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015.

Đặc biệt, Vụ Dự báo Thống kê cho biết, dư nợ tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng được các TCTD kỳ vọng tăng trưởng 20,09% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong năm năm gần đây.

Bộ phận Nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra dự báo, năm 2016, tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng tích cực và có thể đạt mức tăng 20%, do NHNN tiếp tục chính sách thiên về nới lỏng. Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng do nợ xấu và áp lực trích lập dự phòng rủi ro đã giảm bớt.

Dù đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như có những dự báo khá lạc quan như vậy, nhưng theo nhiều ý kiến chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 vẫn chịu nhiều tác động tiêu cực từ yếu tố thị trường và chính các chính sách điều hành từ nhà quản lý.

Điều này cũng có khả năng khiến cho tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Đơn cử, với dự thảo Thông tư 36 sửa đổi dự kiến được ban hành trong năm nay, dòng tín dụng sẽ hướng tới khu vực sản xuất, kinh doanh nhiều hơn, đặc biệt là các lĩnh vực được ưu tiên; mặt khác cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa dòng tín dụng chảy vào các lĩnh vực phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán.

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VietcomBank cũng đưa ra nhận định, với việc thắt chặt quy định cấp tín dụng cho kinh doanh bất động sản, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có khả năng sẽ thấp hơn mức thực hiện năm 2015.

"Năm 2016 tăng trưởng tín dụng dự báo khoảng 16%, thấp hơn năm 2015 do tín dụng sẽ tập trung hơn vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng cho hoạt động xây dựng, BOT và bất động sản có thể sẽ chững lại do cả yếu tố thị trường và sự điều tiết của NHNN", các chuyên gia Công ty chứng khoán VietcomBank cho biết thêm.