Kiểm toán hải quan: Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh – Học viện Tài chính

Kiểm toán hải quan là cách thức kiểm tra của cán bộ hải quan nhằm thẩm định tính chính xác của các khai báo hải quan, xác định chính xác ý thức tuân thủ pháp luật hải quan của các đối tượng tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó xem xét mức độ ưu tiên cho các đối tượng tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu, đáp ứng được các yêu cầu tự do hóa thương mại.

Kiểm toán hải quan được gọi là kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam. Nguồn: internet
Kiểm toán hải quan được gọi là kiểm tra sau thông quan ở Việt Nam. Nguồn: internet

Tại Việt Nam, hoạt động này được gọi là kiểm tra sau thông quan, bước đầu đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục tăng cường triển khai công tác kiểm tra sau thông quan trong thời gian tới...

Nội dung kiểm toán hải quan

Kiểm toán hải quan là thuật ngữ chuyên môn được thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thuật ngữ tiếng Việt được sử dụng phổ biến là “Kiểm tra sau thông quan”.

Ở mỗi một quốc gia, khái niệm kiểm toán hải quan được diễn đạt khác nhau và cách gọi nghiệp vụ này cũng có sự khác nhau. Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO): “Kiểm toán hải quan là quy trình công tác cho phép viên chức Hải quan kiểm tra tính chính xác của hoạt động khai hải quan bằng việc kiểm tra các hồ sơ, tài liệu ghi chép về kế toán và thương mại liên quan đến hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá và tất cả các số liệu, thông tin, bằng chứng khác cho cơ quan Hải quan mà hiện tại đang được các đối tượng kiểm tra (cá nhân hoặc doanh nghiệp) trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào hoạt động buôn bán quốc tế nắm giữ”.

Nội dung kiểm toán hải quan là cách thức kiểm tra của công chức hải quan trong quá trình thực hiện kiểm toán hải quan để đạt được mục đích của kiểm toán hải quan. Mục đích chính của kiểm toán hải quan là thẩm định tính chính xác thông thực các khai báo hải quan; xác định chính xác ý thức tuân thủ pháp luật hải quan của các đối tượng tham gia vào hoạt động xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) để từ đó xem xét mức độ ưu tiên cho các đối tượng tham gia vào hoạt động XK, NK nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại quốc tế và đáp ứng được các yêu cầu của tự do hóa thương mại.

Kiểm toán hải quan: Thực tiễn áp dụng tại Việt Nam - Ảnh 1
 Để đạt được các mục đích chính như trên, nội dung kiểm tra chủ yếu trong kiểm toán hải quan gồm các công việc sau:

Thứ nhất, kiểm tra tính đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ hải quan, kiểm tra tính chính xác của các căn cứ tính thuế, tính chính xác của việc khai các khoản thuế phải nộp, được miễn, không thu, được hoàn thông qua quá trình thu thập, xử lý và phân tích thông tin về đối tượng kiểm toán hải quan, thông qua việc kiểm tra hồ sơ hải quan, các chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các chứng từ có liên quan đến hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các đơn vị được kiểm toán hải quan.

Thứ hai, kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nếu hàng hoá đó còn đang được lưu giữ tại đơn vị được kiểm tra hoặc cơ quan hải quan có căn cứ để chứng minh hàng hoá đó hiện đang được các tổ chức, cá nhân khác lưu giữ, quản lý. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá là cần thiết để cơ quan hải quan có căn cứ kết luận chính xác nội dung kiểm tra.

Thứ ba, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật về thuế của đối tượng kiểm toán hải quan. Bằng những nội dung kiểm tra chủ yếu này, kiểm toán hải quan sẽ giải mã được các vấn đề sau:

- Tính nhất quán giữa chủng loại hàng hoá chủ hàng đã khai báo trên tờ khai hải quan để thống nhất mức thuế suất với các chứng từ có liên quan, như phiếu kiểm nghiệm, phiếu giám định, giấy chứng nhận xuất xứ, hoá đơn bán hàng nhập khẩu trên thị trường nội địa...

- Tính đúng đắn của số lượng hàng hoá thực nhập đã được khai báo trên “ô” số lượng hàng hoá của tờ khai hải quan.

- Tính hợp lý, hợp lệ và sự nhất quán của các khoản chi phí mà chủ hàng thực tế đã trả hoặc sẽ phải trả cho người xuất khẩu, các hãng vận tải, các hãng bảo hiểm... mà trước đó chủ hàng đã khai báo trị giá với cơ quan hải quan.

- Sự nhất quán giữa các chứng từ được cập nhật vào sổ kế toán với những chứng từ mà trước đó chủ hàng đã xuất trình khai báo với cơ quan hải quan khi làm thủ tục thông quan.

- Tính chính xác của số thuế mà người khai hải quan đã khai và nộp cho cơ quan hải quan cũng như nguyên nhân của sự khai thiếu số thuế phải nộp (nếu có).

Hoạt động kiểm toán hải quan tại Việt Nam

Ở Việt Nam, hoạt động kiểm toán hải quan được triển khai với tên gọi là kiểm tra sau thông quan.Luật Hải quan Việt Nam năm 2014 ghi nhận: Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan nhằm: Thẩm định tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ mà chủ hàng, người được chủ hàng uỷ quyền, tổ chức, cá nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan; Thẩm định việc tuân thủ pháp luật trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Công tác KTSTQ của Hải quan Việt Nam được đánh giá thông qua kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) và số cuộc kiểm tra sau thông quan.

Đến 31/12/2015, toàn lực lượng đã thực hiện kiểm tra 7.561 cuộc (Cục KTSTQ và các chi cục KTSTQ: 2.532 cuộc, các chi cục Hải quan: 5.029 cuộc). Trong 2.532 cuộc do Cục KTSTQ và các chi cục KTSTQ thực hiện có 779 cuộc kiểm tra đánh giá tuân thủ pháp luật, 1.227 cuộc kiểm tra dấu hiệu và 526 cuộc kiểm tra áp dụng quản lý rủi ro. Kết quả ấn định thuế và phạt 2.181 tỷ đồng (gấp 1,97 lần so với năm 2014), đã thực thu vào NSNN 2.160 tỷ đồng (gấp 1,95 lần so với năm 2014), đạt 135% so với chỉ tiêu do Tổng cục giao từ đầu năm (1.600 tỷ đồng) và đạt 117% chỉ tiêu được Tổng cục Hải quan giao bổ sung trong tháng 11/2015 (1.850 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kiểm toán hải quan ở Việt Nam đã bộc lộ những vướng mắc như sau:

- Cơ sở pháp lý của KTSTQ không được xây dựng theo những hướng dẫn của nghiệp vụ kiểm toán cơ bản, các nội dung của chuẩn mực kiểm toán không được thể hiện trong các văn bản pháp lý. Nếu trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kiểm tra không dựa trên các chuẩn mực kiểm toán quốc gia phù hợp với chuẩn mực kiểm toán quốc tế đã không xác lập được kết luận kiểm tra mang tính chất chuẩn mực. Do đó, khi triển khai nghiệp vụ kiểm tra công chức hải quan làm công tác KTSTQ chưa phát huy được tối đa các vai trò của một cuộc kiểm toán hải quan.

- Công tác kiểm tra trị giá hải quan trong KTSTQ chưa được thống nhất thực hiện ở các địa phương, công tác hướng dẫn kiểm tra chưa được xây dựng phù hợp theo các hướng dẫn trong các chuẩn mực kiểm toán, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa bộ phận thông quan và bộ phận KTSTQ về trị giá chưa kịp thời...

- Công tác kiểm tra báo cáo quyết toán đối với loại hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài và nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu chưa được thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng về thẩm quyền kiểm tra của công chức hải quan; cơ sở dữ liệu quản lý của cơ quan hải quan không đồng nhất với cơ sở lập báo cáo quyết toán, do đó đã tạo ra nhiều khó khăn cho công chức hải quan khi thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán...

Giải pháp tăng cường kiểm toán hải quan ở Việt Nam

Trước những yêu cầu của thương mại quốc tế đặt ra cho công tác kiểm toán hải quan ở Việt Nam, các giải pháp đề ra cho hoạt động kiểm toán hải quan ở Việt Nam là cần thiết, tập trung khắc phục những hạn chế của công tác KTSTQ ở Việt Nam trong thời gian qua, đề ra những giải pháp mới tạo điều kiện cho nghiệp vụ kiểm toán hải quan phát huy hơn các kết quả đã đạt được.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý kiểm toán hải quan, làm rõ hơn một số khái niệm liên quan đến kiểm toán hải quan và phân biệt kiểm toán hải quan với một số hoạt động kiểm tra khác trong các văn bản pháp luật; ban hành quy trình hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm toán hải quan theo các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; ban hành văn bản quy định tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán khi thực hiện kiểm toán hải quan theo các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hoàn thiện các quy định kiểm tra đối với báo cáo quyết toán về nguyên liệu vật tư nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu của loại hình sản xuất xuất khẩu và gia công quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện bộ máy tổ chức kiểm toán hải quan, phân cấp rõ tổ chức bộ máy phù hợp với loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tổ chức bộ máy kiểm toán hải quan phải đảm bảo tính ổn định, phù hợp với tốc độ gia tăng của khối lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ ba, quy trình kiểm toán hải quan cần được cải tiến theo hướng: Quy trình được chuẩn hóa theo ISO trên nền ứng dụng công nghệ thông tin; quy trình  được xây dựng gắn với những quy định kiểm toán hải quan theo các loại hình hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu.

Thứ tư, cơ quan hải quan cần hoàn thiện sớm việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp hỗ trợ quản lý rủi ro và kiểm toán hải quan; xác định rõ kết cấu của hệ thống quản lý theo các phân hệ phù hợp với các loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ năm, cơ quan hải quan cần xây dựng phần mềm quản lý việc sử dụng nguyên liệu vật tư nhập khẩu và hàng hóa xuất khẩu của loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu.

Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực kiểm toán hải quan đảm bảo đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng được những thách thức đặt ra cho công tác kiểm toán hải quan trong thời gian tới.

Với các giải pháp tích cực và đồng bộ, hoạt động kiểm tra sau thông quan của hải quan Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng bản chất của nghiệp vụ kiểm toán hải quan. Nghiệp vụ kiểm toán hải quan của Việt Nam ngày càng phát huy được hiệu quả của công tác kiểm tra, giúp cho hoạt động hoạt động kiểm toán hải quan ở Việt Nam phát triển theo hướng chuyên sâu và chuyên nghiệp, phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đồng thời giúp cho cơ quan hải quan vượt qua được các thách thức và khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, giúp cho Hải quan Việt Nam sớm đạt được mục tiêu phấn đấu tới năm 2020: “Hải quan Việt Nam thành một tổ chức hiện đại, có trình độ quản lý thuộc nhóm đứng đầu khu vực Đông Nam Á”.    

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

2. Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

3. Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;

4. Phạm Ngọc Hữu (2005), Ứng dụng nghiệp vụ kiểm toán vào KTSTQ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, Tổng cục Hải quan;

5. PGS., TS Thịnh Văn Vinh, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện Tài chính “Hoàn thiện nội dung, quy trình và phương pháp kiểm toán báo cáo tài chính sau thông quan” năm 2010.