Kiểm toán Nhà nước: Hướng tới chuyên nghiệp và hiện đại

Theo daibieunhandan.vn

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phải thực hiện theo phương châm là một cơ quan kiểm tra tài chính công và tài sản công có uy tín, chuyên nghiệp, liêm chính và hiện đại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Đồng thời, KTNN cần tập trung đổi mới phương pháp cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các kiểm toán viên, đặc biệt là vấn đề đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp bởi điều này gần như quyết định chất lượng của cuộc kiểm toán - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết.

Lần đầu tiên tăng thu và giảm chi

Phóng viên: KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 36.000 tỷ đồng trong năm 2016, cao nhất trong 22 năm hoạt động và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Ông có thể nói rõ về  nỗ lực để đạt được kết quả đó?

Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ, KTNN xử lý tài chính khoảng 36.000 tỷ đồng, tăng thu trên 13.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số lĩnh vực mới tập trung kiểm toán như: Các dự án BOT, giá trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa, quản lý tài chính công, thu chi ngân sách.

Đạt được kết quả đó là nhờ nỗ lực phấn đấu của toàn ngành cùng sự chỉ đạo sát sao lãnh đạo các chuyên ngành, các khu vực và các vụ tham mưu; trong đó cốt lõi là các tổ kiểm toán, các đoàn kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đã ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; ban hành quy định về việc chấm điểm và bình bầu, xếp loại các đoàn kiểm toán, các tổ kiểm toán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm và đưa ra những giải pháp, bài học kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.

Năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách. Điều này cho thấy KTNN đóng góp không nhỏ vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, thưa ông?

Vấn đề bịt các lỗ hổng từ cơ chế chính sách là một vấn đề đang được KTNN hết sức quan tâm. Bởi, một văn bản pháp luật nếu ban hành vẫn còn lỗ hổng thì sẽ rất nguy hiểm, làm lãng phí tài sản của Nhà nước. Việc bịt các lỗ hổng này nhằm góp phần chống lãng phí, chống tham nhũng, do đó các kiểm toán viên phải vững về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ và đặc biệt phải nắm vững luật pháp.

Trong 110 văn bản chúng tôi đề nghị sửa đổi và hủy bỏ trong năm 2016 có 2 nghị định, 2 thông tư, 2 nghị quyết, 19 quyết định, 85 văn bản khác để hoàn thiện thể chế hết sức quan trọng. Đây chính là trọng tâm mà KTNN đang hướng đến.

Không gây khó cho doanh nghiệp

Người dân cũng như Quốc hội, Chính phủ muốn ngành kiểm toán đưa ra được các kết luận nhanh, chính xác và hạn chế tình trạng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, các tổ chức. KTNN hiện thực hóa mong muốn này như thế nào, thưa ông?

KTNN thực hiện kiểm toán theo một kế hoạch khoa học, minh bạch và dân chủ. Ví dụ, khi lập kế hoạch kiểm toán, KTNN sẽ lấy ý kiến các bộ, ngành, Trung ương, các cơ quan thanh tra của Chính phủ và Ủy ban Kiểm tra. Sau đó, xin ý kiến UBTVQH, các ĐBQH và khi QH có ý kiến, KTNN sẽ tiếp tục hoàn thiện, họp với Thanh tra Chính phủ và ban hành kế hoạch kiểm toán trên cơ sở lắng nghe tiếp thu ý kiến. Kế hoạch kiểm toán sẽ được công bố công khai trên website của ngành cũng như trên phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy việc kiểm toán sẽ hết sức chủ động và không gây khó khăn cho doanh nghiệp, không để xảy ra vấn đề trùng lặp trong nội dung kiểm toán.

Thời gian tới, KTNN tập trung nâng cao năng lực kiểm toán viên và phương pháp kiểm toán tốt nhất, không để thời gian kiểm toán kéo dài để gây khó khăn cho đơn vị.

Vậy, theo ông để kiểm toán nhanh, chính xác thì vấn đề nào quan trọng nhất?

Kiểm toán viên phải hết sức liêm chính, chuyên nghiệp, có chuyên môn, nghiệp vụ sắc sảo, hiểu biết pháp luật và thực tiễn để đánh giá vấn đề chính xác, toàn diện. Lấy các tổ kiểm toán làm hạt nhân, các kiểm toán viên là trung tâm và lấy các phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin làm phương tiện để thực hiện công tác kiểm toán một cách tốt nhất và kết luận đưa ra được tâm phục khẩu phục.

Tiến hành 234 cuộc kiểm toán trong năm 2017

Trong năm 2017, KTNN tập trung vào nhiệm vụ nào, thưa ông?

Trong năm 2017, KTNN sẽ có 234 cuộc kiểm toán trong toàn ngành. Cụ thể, sẽ tập trung kiểm toán ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để phục vụ nhiệm vụ phê duyệt ngân sách của QH cũng như HĐND các cấp. Tập trung kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công và tài sản công; đặc biệt là về ngân sách và tài sản nhà nước.

Năm nay KTNN sẽ làm chuyên đề kiểm toán về đất đai đô thị và đất đai các nông lâm trường; kiểm toán giá trị của doanh nghiệp, tại các địa phương lồng kiểm toán quỹ lương và biên chế để xem việc sử dụng biên chế; đồng thời tập trung kiểm toán các dự án BOT, trái phiếu Chính phủ, nợ công, tái cơ cấu trong các doanh nghiệp; đặc biệt kiểm toán các ngân hàng thương mại, tổng công ty để phát hiện ra các sai phạm để uốn nắn, tập trung các nguồn lực đầu tư trọng điểm đưa đất nước phát triển nhanh bền vững.

Để nâng cao hiệu lực hoạt động của KTNN, theo ông, ngành KTNN có kiến nghị gì?

Luật Kiểm toán năm 2015 có hiệu lực từ 1/1/2016. Đến nay KTNN mới thực hiện Luật được một năm. Khó khăn lớn nhất hiện nay là về cơ chế chính sách. Chẳng hạn muốn kiểm toán một đơn vị, thì phải vào hệ thống dữ liệu điện tử cũng như phần mềm của đơn vị đó thì nhiều đơn vị không muốn hợp tác. Bởi theo quy định của Luật nhiều điểm còn bao quát, chưa cụ thể.

Đó là lý do nhiều đơn vị không muốn hợp tác gây cản trở trong quá trình thực hiện. Do đó, KTNN đang đề nghị UBTVQH có một hướng dẫn về Luật Kiểm toán, trong đó quy định các cơ quan, đơn vị phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan kể cả hồ sơ, tài liệu về dữ liệu điện tử, cũng như các phần mềm để các kiểm toán viên thực hiện việc kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật. Thứ hai là việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán cũng còn chưa được ban hành.

KTNN đang đề xuất với Thủ tướng việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán để những cơ quan, đơn vị nào cố tình chây ì, chống đối hoặc không thực hiện kết luận kiểm toán, gây khó khăn trong quá trình kiểm toán. Nếu thực hiện được những việc này sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm toán.

Xin cảm ơn ông!