Kiểm toán Nhà nước sẽ tham gia vào cuộc đấu tranh chống chuyển giá như thế nào?

Nguyễn Mạnh Cường - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực III

(Tài chính) Năm 2011, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể thu từ dầu thô) là 77.076 tỷ đồng, bằng 10,7% số thu ngân sách nhà nước (NSNN) (77.076/721.804 tỷ đồng), đây là lĩnh vực có số thu tương đối lớn, nhưng mức đóng góp cho NSNN của lĩnh vực này chưa tương xứng với quy mô và mức vốn đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trong quá trình kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước trên địa bàn các địa phương những năm gần đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng đã quan tâm đến việc kiểm tra, đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên quy mô kiểm toán cũng như kiến nghị xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp này chưa được nhiều. Kiến nghị xử lý tài chính thấp không hẳn do việc các doanh nghiệp này chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính tốt, mà một trong những nguyên nhân là hành vi gian lận thuế bằng cách chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay, "chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các bên có quan hệ liên kết không theo giá thị trường nhằm tối đa hóa tổng lợi nhuận của tất cả các bên liên kết đó". Dấu hiệu chuyển giá diễn ra ở nhiều doanh nghiệp như: nâng khống giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào; giảm giá trị đầu ra của hàng hóa, dịch vụ… hay nói cách khác là mua giá cao, bán giá thấp; lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và phát sinh giao dịch với doanh nghiệp liên kết tại nước ngoài với số lượng, giá trị giao dịch lớn...

Kết hợp với các thông tin báo chí trong thời gian vừa qua cho thấy hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là có thật. Tuy nhiên, việc có đủ bằng chứng chứng minh việc chuyển giá là hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều bên, nên đến nay tại Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào bị phạt vì hành vi này. Một số tên tuổi lớn dính nghi án chuyển giá tại Việt Nam như Coca Cola, Pepsi… và gần đây nhất là Keangnam Vina đã buộc phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng.

Trên thế giới, một số vụ điều tra chuyển giá điển hình đã bị xử lý như: Năm 1993, Mỹ điều tra và kết luận Công ty Nissan của Nhật Bản định giá rất cao các loại xe nhập khẩu vào Mỹ. Kết quả, Nissan bị cơ quan Thuế nội địa Mỹ phạt 170 triệu USD; Năm 1994, cơ quan Thuế của Nhật Bản điều tra và kết luận Tập đoàn Coca Cola khai giá quá cao các loại nguyên liệu nhập từ Mỹ và các công ty con tại Nhật Bản phải trả phí bản quyền rất cao cho công ty mẹ tại Mỹ. Kết quả, Coca Cola bị  phạt 150 triệu USD…

Vì vậy, vấn đề đặt ra là KTNN Việt Nam sẽ tham gia vào cuộc đấu tranh chống chuyển giá như thế nào?

Về địa vị pháp lý và chức năng của KTNN đã được quy định tại Điều 13, 14 Luật Kiểm toán nhà nước: "Kiểm toán Nhà nước là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; có chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước".

Tuy nhiên, tại Điều 5 Luật Kiểm toán nhà nước quy định: "Đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước", nên có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp FDI không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN, điều này gây khó khăn cho KTNN trong công cuộc đấu tranh này.

Do đó, cần có cách hiểu rộng hơn quy định về đối tượng này, cụ thể: Hàng năm, KTNN đều tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán thu ngân sách trên địa bàn do cơ quan Thuế và Hải quan lập. Để có thể xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý báo cáo này, theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước (Điều 16) thì "Kiểm toán Nhà nước có quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán" nên việc KTNN tiến hành kiểm tra đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp FDI là đúng quy định. Tuy nhiên, để công việc được tiến hành thuận lợi, đặc biệt là việc KTNN tham gia vào công cuộc chống chuyển giá, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi cũng cần xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Về phương pháp kiểm toán hiện nay của KTNN, tại khoản 2, Điều 52 Luật Kiểm toán nhà nước có quy định "kiểm tra, đối chiếu, xác nhận; điều tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán làm cơ sở cho các ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán". Như vậy, phương pháp kiểm toán điều tra đã được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, phương pháp này chưa được áp dụng nhiều trong thực tế công tác kiểm toán, trong khi hành vi chuyển giá là một hoạt động tinh vi, phức tạp, nếu chỉ áp dụng các phương pháp kiểm toán cơ bản như hiện nay thì rất khó phát hiện. Cho nên, các kiểm toán viên khi thực hiện nhiệm vụ, ngoài việc nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, cần được trang bị kỹ năng, phương pháp kiểm toán phù hợp, mà trong đó phương pháp kiểm toán điều tra cần có quy định và hướng dẫn cụ thể.

Tóm lại, công tác kiểm toán chuyển giá là một công việc mới, trong khi việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI lại hết sức tinh vi, phức tạp. Thực tiễn của hoạt động kiểm toán nhà nước sau gần 20 năm đã khẳng định rằng, để có thể kiểm toán thành công, đạt được kết quả cao nhất cần phải huy động trí tuệ tập thể để đưa ra các giải pháp mang tính hữu hiệu. Điều đó đã và đang đặt ra những thách thức mới trong quá trình chuyển đổi nhận thức và tư duy hành động của mỗi cán bộ, công chức và kiểm toán viên nhà nước.

Bài đăng trên Báo Kiểm toán số 12 - 2013