Kiến nghị thả nổi lãi suất: Những quan điểm trái chiều

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Kiến nghị mới đây của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần đảm bảo lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường, tức thực thi thả nổi, trả lãi suất về cho thị trường định đoạt. Kiến nghị này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Kiến nghị thả nổi lãi suất: Những quan điểm trái chiều
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kiến nghị thả nổi lãi suất. Nguồn: internet
Điều mà đa phần các doanh nghiệp (DN) quan tâm hiện nay là cơ chế nào để họ tiếp cận lãi suất, tiếp cận được, với lãi suất ổn định ít nhất trong 1 năm.

Song trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt với DN, việc NHNN có quyết định thả nổi lãi suất hay không, không quan trọng bằng việc có giải pháp nào để họ tiếp cận được vốn vay với lãi suất ổn định.

Bao giờ tới... 2002?

Trả lời phóng viên xung quanh kiến nghị của Trung tâm nghiên cứu thuộc BIDV, một chuyên gia Kinh tế cho rằng thông thường, một số các ngân hàng Quốc doanh và thương mại cổ phần Quốc doanh vẫn có các động thái đi trước và “dò sóng” thị trường để tạo tiền đề cho NHNN ra một quyết sách, một thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ nào đó.

Riêng trong trường hợp này, với nhận định của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, có lẽ không phải là một tín hiệu “dò sóng” hay dọn đường, mà có lẽ là căn cứ trên thực tế thị trường nhiều hơn.

“Thực tế hiện nay, lãi suất ở cả huy động lẫn cho vay đã xuống mức đáy của lãi suất thấp trong vòng 5 năm qua. Và đang có một nghịch lí diễn ra là tăng trưởng huy động vẫn rất tốt, còn tăng trưởng tín dụng ngược lại, vẫn ì ạch. Điều đó cho thấy thị trường tổ chức và dân cư đang có nhiều đối tượng chưa tìm được kênh để gửi vốn, đầu tư tối đa hóa lợi nhuận và đành cất tiền tạm thời ở tiết kiệm.

Mặt khác, cũng cho thấy có nhiều đối tượng tổ chức, dân cư lại đang rất khó khăn về tiếp cận vốn mà trong khi đó, “điểm nút” khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) và người vay đều “kẹt” lại không phải là lãi suất mà là cách để tiếp cận vốn và giải ngân vốn ra thị trường”, vị này nói.

Theo dữ liệu của NHNN, tại Hà Nội, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vượt xa tổng dư nợ, tương ứng 978.629 tỉ đồng so với 675.713 tỉ đồng. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD tính đến đầu tháng 9 đạt 1.062.500 tỉ đồng, trong khi dư nợ cho vay ước khoảng 897.100 tỉ đồng.

Mặc dù vẫn có một số địa bàn có xu hướng ngược lại, huy động không theo kịp nhu cầu cung vốn nhưng tựu trung, 11 tháng, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống chỉ ước đạt 7,54%, cách xa so với chỉ tiêu và theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đó là một mức “tăng chậm trong bối cảnh tổng cầu thấp”.

Cũng theo đánh giá của Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên vẫn tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế: tín dụng công nghiệp phụ trợ và tín dụng cho xuất khẩu tăng thấp và tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa tăng trưởng âm.

 Do đó, “tiếp tục triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các DN trong nước, đặc biệt các DN nhỏ và vừa. Đồng thời triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong 2014” , Ủy ban này đề xuất chính sách tiền tệ - tín dụng năm 2014.

Một điều đáng ngạc nhiên là trong báo cáo, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia không đề cập đến vấn đề thả nổi lãi suất, điều mà trước đây cũng như hiện nay, nhiều thành viên của Ủy ban đã cực lực “đấu tranh”.

Có lẽ bức tranh tài chính tiền tệ hiện nay và năm 2014 đã rất khác xưa, càng khác với bức tranh của thời điểm cách đây hơn 11 năm, khi thị trường được thực thi chính sách lãi suất thả nổi và cho đến 6 tháng đầu năm 2002. Hoặc có lẽ ưu tiên của nền kinh tế hiện nay đã không còn là vấn đề thả nổi hay “cố định” lãi suất.

DN quan tâm gì?

Với các DN, có lẽ vấn đề thả nổi lãi suất hay không hiện không còn là chính sách được họ quan tâm, mong đợi nữa. Câu chuyện vĩ mô vốn đã quá nhiều biến động. Và để giải quyết vấn đề sống còn của mình, DN tất nhiên không thể tách rời mình khỏi hoạt động vĩ mô, song cũng không thể vì thế mà ngồi… ngóng chính sách. Điều mà đa phần các DN quan tâm hiện nay là cơ chế nào để họ tiếp cận lãi suất, tiếp cận được, với lãi suất ổn định ít nhất trong 1 năm.

“Ba yếu tố cấu thành và tác động trực tiếp đến hoạt động DN là “cơ chế - con người và nguồn vốn”. Hiện nay, cơ chế đã rất khó cho DN. Con người thì DN đang có nhiều nếu chúng ta không bàn đến trình độ quản trị và chất lượng nhân sự. Song vốn liếng như thế nào vẫn đang là một ẩn số mà DN muốn đi tìm lời giải cũng không được. Có cơ chế, có con người mà không có vốn liếng thì DN cũng xem như… bó tay chịu thua!” - ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh nói.

Thống kê của phóng viên cho thấy trên 2 sàn chứng khoán niêm yết hiện tại, số DN có “dính líu” tới nợ vay các TCTD hiện vẫn chiếm trên 2/3. Khoảng một nửa trong số đó là các DN vẫn đang còn chịu khoản vay với lãi suất thỏa thuận với biên độ cộng trừ theo lãi suất huy động của thị trường khá rộng, khoảng 5-6%.

Đại diện một nhà băng cho biết thực tế, biên độ này cũng đã là một cố gắng với các nhà băng bởi các ngoài mức lãi suất huy động phải chi trả, nhà băng còn tính lãi suất vay vốn trên thị trường 1, tính chi phí thẩm định, chi phí vận hành, chi phí phát sinh trong quá trình dòng vốn giải ngân và thu hồi, thậm chí chi phí này nhà băng cũng gần như đã rất giảm thiểu đối với các trường hợp DN trả nợ trước hạn hoặc thậm chí quá hạn trong ngắn hạn.

“Chung quy cũng là để giữ và tỏ ra thiện chí đồng hành với khách hàng, chưa kể quan trọng nhất là nhà băng phải trích lập dự phòng rủi ro. Vì vậy, cho dù thị trường đều đang dự đoán lãi suất cơ bản sẽ không điều chỉnh tăng trong thời gian tới, song là những người kinh doanh vốn, chúng tôi không thể không thận trọng “dự phòng” cho chính mình một biên độ lớn. Đây là sự bảo đảm cho đồng vốn trước hết của người dân dựa trên… kinh nghiệm đường cong lãi suất trong quá khứ!” - ông này nói.

Ông Nguyễn Huỳnh - Tổng giám đốc công ty Nguyễn Huỳnh VA cho biết, cho dù lãi suất năm 2014 có diễn biến ra sao, cũng khó có thể vượt qua mức điều hành lãi suất cơ bản ±8%, dựa trên các chỉ tiêu kinh tế về CPI, lạm phát, về dự kiến thu chi ngân sách Nhà nước, tổng vốn đầu tư và tổng bội chi ngân sách năm 2014.

“Vì lẽ đó, đa phần DN chúng tôi không nhất thiết phải quan tâm chuyện thả nổi lãi suất hay không, một khi mặt bằng lãi suất 9-12% như hiện nay, chúng tôi vẫn còn chưa tiếp cận vốn được. Nhà nước và cơ quan quản lí làm sao thì làm, nhưng nếu cứ chờ để VAMC mua hết nợ xấu, các ngân hàng sạch hết bảng cân đối tài sản thì mới “mở cửa” vốn, e rằng một chu kì kinh doanh cho năm 2014, khâu chuẩn bị ngay từ bây giờ đối với nhiều DN sẽ là rất trễ. Lúc này, có lẽ chúng ta cần đến niềm tin và cần nhà băng nhìn DN bằng niềm tin, hơn là nhìn vào tài sản và những hợp đồng mang tính thỏa thuận chỉ có lợi một phía cho nhà băng!”.