Kiều hối: nguồn vốn cần huy động và đầu tư hiệu quả

LH

(Tài chính) Trong thời gian qua, Nhà nước ta đã có chính sách thu hút kiều hối rất hiệu quả, tuy nhiên, để dòng tiền này thực sự hữu ích vẫn là vấn đề cần phải được quan tâm nhiều hơn.

Kiều hối do đồng bào từ khắp các châu lục gửi về ngày càng tăng. Nguồn: internet
Kiều hối do đồng bào từ khắp các châu lục gửi về ngày càng tăng. Nguồn: internet
Nguồn kiều hối dồi dào

Từ năm 1980, Việt Nam đã có hình thức hợp tác lao động - đưa người lao động sang các nước Xã hội chủ nghĩa (cũ) làm việc, vừa giải quyết vấn đề việc làm vừa tạo thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên số ngoại tệ thu về chưa đáng kể, hầu hết để trả công cho người lao động và trả nợ của Chính phủ đã vay mượn các nước để bảo vệ và xây dựng đất nước trong kế hoạch kinh tế 5 năm 1976-1980 (khi nguồn viện trợ từ phía các nước Xã hội chủ nghĩa giảm sút, đặc biệt, viện trợ từ Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn từ năm 1977).

Từ năm 1991, hoạt động xuất khẩu lao động càng phát triển mạnh mẽ hơn, Việt Nam ký hợp tác lao động với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện nay, theo thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 500.000 lao động làm việc tại các nước bạn và quãng 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống trên 101 nước ở khắp các châu lục, hàng năm đã gửi về cho đất nước một lượng ngoại tệ lớn (đặc biệt là từ kiều bào sinh sống ở Mỹ, Úc, Canada).

Trước đây, nguồn kiều hối chuyển về tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng… nhưng những năm gần đây các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, đặc biệt các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình... trở thành thị trường mới nổi về kiều hối chuyển về do có đông người đi xuất khẩu lao động. Nhờ kiều hối, chúng ta có thêm một nguồn thu ngoại tệ ổn định, tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia, giảm thâm hụt ngân sách cũng như thâm hụt thương mại với nước ngoài.

Các yếu tố quan trọng góp phần thu hút kiều hối:


Một số nguyên nhân tích cực, góp phần khai thông lượng kiều hối về Việt Nam một cách dễ dàng và giúp người lao động tại nước ngoài yên tâm hơn khi gửi tiền về cho người thân, khiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam năm sau cao hơn so với năm trước. Cụ thể:

-
Yếu tố thông thoáng và cởi mở trong chính sách của Việt Nam: cho phép gửi và nhận tiền bằng đồng USD.

-  Chênh lệch lãi suất đáng kể: trong khi lãi suất của đồng USD trên thế giới khá thấp (lãi suất cho vay liên ngân hàng thế giới chỉ dao động quanh 0,23-0,78%/năm cho tất cả các kỳ hạn) thì tại Việt Nam, mức lãi suất huy động USD xoay quanh 2%, có lúc lên đến 5%-6%/năm.

- Tỷ giá đồng ngoại tệ được Chính phủ điều hành tương đối ổn định, mấy năm gần đây, tình trạng đô la hóa đã giảm thiểu tối đa, khiến đồng ngoại tệ chảy vào ngân hàng nhiều hơn, không lưu hành ngoài thị trường tự do như trước đây nữa.

- Chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết ngân hàng và thị trường tự do không đáng kể nên có tới 30% lượng kiều hối chuyển về đã được người dân bán lại cho ngân hàng.

- Các ngân hàng thương mại triển khai và nâng cấp liên tục dịch vụ kiều hối (trên các kênh kể cả ở trụ sở ngân hàng cũng như dịch vụ đến tận gia đình, với thời gian tiến hành nhanh hơn, mang lại tiện ích tốt nhất cho khách hàng, Nhiều ngân hàng triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn dành cho khách hàng nhận tiền gửi từ nước ngoài).

- Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, chỉ có 16 quốc gia có kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union thì hiện tại con số này đã lên đến trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

- Cùng với các chương trình "hút" kiều hối của các ngân hàng và doanh nghiệp, Chính phủ cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích kiều bào gửi tiền về nước. Theo Văn bản hợp nhất về việc khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, bắt đầu từ ngày 11/12/2013, người thụ hưởng kiều hối có thể nhận bằng tiền VND hoặc bằng ngoại tệ theo yêu cầu và không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về. Chính phủ cũng khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu gửi tiền về nước được chuyển ngoại tệ về nước phù hợp với quy định. Người thụ hưởng có thể bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng hay được phép chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân…).

- Một  nguyên nhân quan trọng: Việt Nam có nền chính trị ổn định, nền kinh tế đang phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, tiềm năng cơ hội đầu tư rất lớn, đặc biệt là triển vọng thị trường chứng khoán khá tốt, thị trường bất động sản đang ngày càng sáng sủa hơn…

Giải bài toán sử dụng kiều hối

Số liệu ngoại hối đổ về Việt Nam qua một số năm gần đây cho thấy, lượng kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng cao:

- Năm 1991 lượng kiều hối đồ về Việt Nam mới chỉ đạt mức 1,2 tỉ USD.

- Năm 2010 lượng kiều hối đồ về Việt Nam đạt mức 8,26 tỉ USD (xếp thứ 9 trong số các quốc gia đang phát triển về nhận kiều hối).

- Năm 2011 lượng kiều hối đồ về Việt Nam đạt mức 9 tỉ USD, bù đắp được 92% chênh lệch cán cân thương mại (đưa Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới).

- Năm 2012 lượng kiều hối đồ về Việt Nam đạt mức hơn 10 tỉ USD (là 1 trong 10 nước nhận kiều hối cao nhất thế giới).

- Năm 2013, lượng kiều hối rót về ước đạt 11 tỉ USD (so với năm 1991, năm 2013 lượng kiều hối đồ về Việt Nam ước tăng gấp 9 lần và tăng 6,5% so với năm 2012, Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam tiếp tục đứng trong danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới).

Lượng kiều hối Việt Nam nhận được ngày càng cao như vậy, tuy nhiên, chúng ta lại chưa có cơ chế chính sách cụ thể để hướng nguồn vốn đó vào đầu tư thật sự  hiệu quả.

Hiện, chưa có cơ quan nghiên cứu tổng hợp, đánh giá chính thức tác động thực sự của kiều hối đến nền kinh tế Việt Nam trên cả khía cạnh vĩ mô (cán cân vãng lai, cung ngoại tê...) và vi mô (tiêu dùng, đầu tư, đầu cơ của cá nhân, hộ gia đình).

Theo một cuộc điều tra nhỏ, 5 năm trước (khi quy mô kiều hối chảy về Việt Nam khoảng 3,8 tỉ USD/năm) thì số kiều hối gửi về để tiêu dùng chiếm khoảng trên 70%, gần 15% xây nhà, 6% đầu tư phi nông nghiệp và gần 7% đầu tư khác (theo Thành Tâm, VnEconomy), nhưng những năm gần đây, đã có sự thay đổi cơ cấu sử dụng kiều hối theo hướng tăng tỉ trọng đầu tư (số liệu như ước tính ở trên). Nhưng đó mới chỉ dừng lại ở con số ước tình, dự đoán.

Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết: thông thường lượng kiều hối về đây chiếm bình quân khoảng 42-43% tổng lượng kiều hối của cả nước, Ngân hàng đã hướng dẫn người dân tham gia vào đầu tư, trong đó 70% đổ vào sản xuất kinh doanh, 23% vào lĩnh vực bất động sản (chủ yếu cho các dự án đang triển khai dở dang), 6% còn lại là hỗ trợ khó khăn cho người thân.

Như vậy, có thể nói, niềm tin vào tiền đồng Việt Nam gia tăng, khiến người dân không ngần ngại khi chuyển đổi từ ngoại tệ thành tiền đồng để thực hiện các mục đích tiêu dùng hay đầu tư, và kiều hối có xu hướng chảy vào nơi dân cư đông, năng động, có tiềm năng đầu tư cao, dịch vụ phát triển.

Kiều hối: nguồn vốn cần huy động và đầu tư hiệu quả - Ảnh 1

Hướng dòng kiều hối vào đầu tư phát triển đát nước. Nguồn: internet


Theo một số nghiên cứu thống kê (chưa đầy đủ), mục đích kiều hối gửi về Việt Nam nhằm:

+ Trợ giúp thân nhân (để chi dùng ước khoảng 15%).

+ Gửi tiết kiệm (ước khoảng 15-20%), đặc biệt là mấy năm ngân hàng duy trì lãi suất huy động tiền Việt cao (có lúc đến 16-17%/năm) lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về rất lớn, sau đó được chuyển đổi thành tiền đồng để gửi ngân hàng nhận lãi suất cao.

+ Đầu tư vào bất động sản, kinh doanh kiếm lời (một số tài liệu báo cáo thống kê cho thấy có đến 45-50% lượng kiều hối đã được đầu tư vào thị trường bất động sản để mua đất đai ở những vị trí đẹp, thuận lợi dành cho khai thác du lịch, văn phòng và khách sạn và một lượng không nhỏ kiều hối đã chảy vào kênh đầu tư đầu tư cho thị trường chứng khoán và vàng).

Làm sao để hướng người dân sử dụng ngoại tệ vào đầu tư, sản xuất, tạo lợi nhuận bền vững chứ không chỉ chi tiêu cá nhân, đó là mục tiêu của Nhà nước ta. Muốn vậy, Nhà  nước cần có chính sách thu hút đầu tư nói chung, chính sách đầu tư dành cho kiều bào nói riêng, lấy mô hình của TP. Hồ Chí Minh áp dụng rộng rãi cho các vùng miền khác, xây dựng cơ sở hạ tầng để các vùng miền Trung và Nam Trung bộ, các vùng nông thôn không có sự chênh lệch lớn về tốc độ phát triển so với thành thị, giữ được lượng kiều hối đổ về các tỉnh quay lại đầu tư phát triển tỉnh nhà. Trong điều kiện huy động và giải ngân vốn  FDI, vốn ODA ngày càng khó khăn, nguồn vốn kiều hối ổn định và huy động hiệu quả sẽ là điều kiện thuận lợi bổ sung lượng ngoại hối thiếu hụt và là nguồn đầu tư vững chắc, quý báu cho đất nước.

Với chính sách thu hút về “lượng” kiều hối rất hiệu quả như vừa qua, Nhà nước cần có thêm cơ chế rõ ràng để các tổ chức (ngân hàng, đối ngoại, hợp tác lao động, quản lý kiều hối…) có thể giúp bà con kiều bào hiểu rõ hơn chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đó phát huy tinh thần yêu nước, góp công, góp của, góp sức để sử dụng đồng ngoại tệ thực sự có “chất lượng”, tăng thu nhập cho người thụ hưởng và tham gia đầu tư hữu ích cho đất nước.