Kinh nghiệm của Malaysia khi áp dụng chuẩn mực kế toán công và lập báo cáo tài chính Chính phủ

Theo Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia số 176 (2/2017)

Sự ra đời của chuẩn mực kế toán công có ý nghĩa lớn trong định hướngchuyển đổi sang kế toán trên cơ sở dồn tích và phản ánh thông tin trên báo cáo tài chinh. Bộ chuẩn mực kế toán công không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn đảm bảo phù hợp với đặc thù riêng của kế toán trong lĩnh vực công của từng quốc gia. Nghiên cứu kinh nghiệm của Malaysia để đánh giá những điểm tương đồng và điểm khác biệt giúp đúc rút được kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam trong khi lập báo cáo tài chính nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Việc ban hành bộ chuẩn mực kế toán công là một trong những điều kiện cần thiết đối với Malaysia để ghi nhận và trình bày báo cáo tài chính Chính phủ theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế. Trong lộ trình trình chuyển đổi sang áp dụng kế toán cơ sở dồn tích và lập báo cáo tài chính Chính phủ, Malaysia đã ban hành bộ chuẩn mực kế toán công (MPSAS) từ năm 2013.

Tuy có một số điểm khác biệt so với chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) nhưng MPSAS về cơ bản phù hợp với chuẩn mực kế toán công và lập báo có tài chính Chính phủ như sau:

Phạm vi hợp nhất báo cáo tài chính Chính phủ

Hiện tại, phạm vi hợp nhất báo cáo tài chính Chính phủ gồm các Bộ, đơn vị trực tiếp thuộc chính quyền liên bang. Phạm vi báo cáo tài chính Chính phủ không bao gồm thông tin tài chính của chính quyền Bang.

Chính sách chuyển đổi sang áp dụng kế toán dồn tích

Theo quy định của MPSAS/IPSAS, một số tài sản và công nợ (bất động sản, tài cản cố định, kế hoạch lợi ích được xác định, tài sản sinh học và sản phẩm nông nghiệp, tài sản vô hình, tài sản nhượng quyền dịch vụ và công nợ có liên quan và công cụ tài chính) được phép ghi nhận trong vòng 3 năm kể từ ngày áp dụng. Mức độ ghi nhận những tài sản này sẽ được chi tiết trong thuyết minh báo cáo tài chính.

Về việc đo lường tài sản (hàng tồn kho, bất động sản đầu tư, tài sản cố định, tài sản vô hình, công cụ tài chính, tài sản nhượng quyền dịch vụ), trong trường hợp không còn thông tin về giá gốc của tài sản thì giá trị hợp lý của tài sản tại thời điểm hiện tại được coi là nguyên giá.

Đối với tài sản là cơ sở hạ tầng

Tài sản cơ sở hạ tầng, ví dụ như những con đường, được vốn hóa trên chi phí xây dựng ban đầu, chi phí bảo trì sẽ ghi nhận tăng chi phí, chi phí khấu hao được tính dựa trên chất lượng của đường, chi phí vốn hóa tương lai chỉ được ghi nhận tăng công năng sử dụng của con đường.

Để đảm bảo tính hợp lý khi các định giá trị khấu hao và giá trị còn lại của tài sản cơ sở hạ tầng, một số tài sản cơ sở hạ tầng được bóc tách theo dõi giá trị riêng biệt với những cấu phần có chi phí ảnh hưởng đáng kể đến tổng chi phí của tài sản đó. Ví dụ: Hệ thống điều hòa, thang máy được coi là tài sản riêng biệt / cấu phần hoạt động riêng biệt với tòa nhà.

Tài sản an ninh quốc phòng

Tài sản an ninh quốc phòng có mức độ nhạy cảm và tính bảo mật cao, do vậy các chi tiết về nhóm tài sản này không được công bố. Trong báo cáo tài chính của Malaysia, các tài sản quân đội được trình bày ở một khoản mục riêng biệt (số tổng).

Tài sản di sản văn hóa

Tài sản là di sản văn hóa được định nghĩa theo tính chất quan trọng về văn hóa, môi trường và lịch sử, như các khu nhà cổ và các di tích, các công trình kiến trúc, các địa điểm khảo cổ… những tài sản này ít có khả năng tạo ra dòng tiền. Tại Malaysia, đối với những tài sản đã có sẵn thông tin về giá gốc thì sẽ được ghi nhận theo giá gốc. Trong trường hợp không thể xác định theo giá gốc thì sẽ ghi nhận theo giá danh nghĩa là 1 Ringit (đơn vị tiền tệ của Malaysia).

Đánh giá giảm giá trị tài sản

Đối với những tài sản tài chính đặc biệt như các khoản cho vay của Chính phủ cần có đánh giá suy giảm giá trị nếu có dấu hiệu khó khăn trong việc thu hồi khoản cho vay. Tại Malaysia, một số khoản cho vay của chính phủ được xem xét đánh giá suy giảm tài sản như: Các khoản nợ phát sinh do nợ thuế không trả, cá khoản cho vay sinh viên tồn đọng lâu năm, các khoản cho vay nhà nước tồn đọng lâu năm, các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước có tình hình tài chính xấu.

Ghi nhận nợ phải trả

Theo chuẩn mực kế toán công của Malaysia quy định nguồn vốn từ lĩnh vực công (các khoản nhận tài trợ), các hình thức huy động vốn khác của Chính phủ liên bang cam kết thanh toán hàng năm, các hợp đồng cho thuê tài chính sẽ được ghi nhận là khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán. Hiện tại, Quỹ hưu trí chưa được ghi nhận là nợ phải trả mà sẽ được thuyết minh trong báo cáo tài chính. Ngoài ra, các nghĩa vụ xã hội khác như các khoản thanh toán bảo hiểm… sẽ được ghi nhận là chi phí khi phát sinh.

Ghi nhận tài sản và công nợ trong trường hợp hợp tác công tư

Một số loại hình hợp tác công tư đã được áp dụng tại Malaysia như sau:

Sáng kiến tài trợ tư nhân – Private Finance Initiative (PFI), gồm: Xây dựng – cho thuê – chuyển giao (BLT), xây dựng – cho thuê – bảo trì – chuyển giao (BLMT);

Tư nhân hóa – Privatization, gồm: Bán tài san, bán vốn, hợp tác, phát triển/chuyển giao đất, xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT), xây dựng – vận hành/quản lý – sở hữu, cho thuê;

Quản lý hợp đồng.

Tùy thuộc vào loại hình hợp tác, việc ghi nhận kế toán tuân theo quy định của chuẩn mực kế toán công về thuê tài sản; bất động sản, nhà xưởng và thiết bị; đầu tư; tài sản vô hình… Trong đó mỗi chuẩn mực lại có hướng dẫn riêng về việc ghi nhận giá trị tài sản, công nợ, chi phí…

Một số bài học kinh nghiệm khác của Malaysia

Xác định mức độ trọng yếu, khi lập báo cáo tài chính cần rất cẩn trọng khi đưa ra ngưỡng vốn hóa của tài sản. Mức quy định này không nên quá nhỏ vì sẽ rất phức tạp trong quá trình lập báo cáo tài chính.

Loại trừ các giao dịch nội bộ: Tại Malaysia các Bộ không được coi là tự chủ về hoạt hoạt động, chỉ có Bộ Tài chính được quyền nắm giữ tiền, do vậy số dư tiền mặt trên báo cáo tài chính các đơn vị đều bằng không. Khi phát sinh giao dịch nội bộ giữa các Bộ, chi phí được ghi nhận theo từng Bộ và ghi nhận “Nợ phải thu” với Bộ Tài chính, do vậy khi hợp nhất các giao dịch nội bỗ sẽ được loại trừ.