Kinh nghiệm Hàn Quốc trong phát triển đối tác công tư PPP và bài học cho Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Tại hội nghị khu vực châu Á “Nâng cao hiệu quả và tăng trưởng bền vững” được tổ chức trong 2 ngày 30 - 31/10/2013 tại Hà Nội, GS. Jungwook Kim, trưởng phòng PPP, Trung tâm quản lý đầu tư kết cấu hạ tầng công và tư, Viện phát triển Hàn Quốc đã trình bày những kinh nghiệm trong việc thực hiện các chương trình PPP tại Hàn Quốc và Indonexia.

Kinh nghiệm Hàn Quốc trong phát triển đối tác công tư PPP và bài học cho Việt Nam
Kinh nghiệm trong việc thực hiện các chương trình PPP tại Hàn Quốc và Indonexia là bài học cho Việt Nam. Nguồn: internet

Năm 1960, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, tuy nhiên, đến cuối năm 2011, Hàn Quốc đã có mức  thu nhập cao hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu. Sự phát triển thần kỳ này được giải thích chủ yếu là do những tiến bộ vượt bậc về cơ sở hạ tầng của quốc gia trong suốt giai đoạn đó.

Trong đó, có sự đóng góp, hợp tác tích cực của khu vực tư nhân trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng công. Do đó, Hàn Quốc đã trở thành 1 ví dụ điển hình để các quốc gia đang phát triển như Indonexia và Việt Nam noi theo. Cụ thể, Hàn Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ càng để thúc đẩy sự phát triển đối tác công tư:

Về hành lang pháp lý

Năm 1994, Hàn Quốc đã chính thức ban hành Luật PPP. Điều này đã thể hiện tầm nhìn dài hạn của chính phủ Hàn Quốc đối với lĩnh vực này cũng như tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho quan hệ đối tác công tư phát triển.

Bên cạnh đó, văn bản luật này cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung qua các năm 1999, 2005 để phù hợp hơn với tình hình trong nước. Bên cạnh luật PPP, chính phủ Hàn Quốc cũng đã xác định rõ chiến lược phát triển của đất nước, chỉ chú trọng phát triển 6 ngành công nghiệp mũi nhọn. Đây cũng là những cơ sở chi tiết để thúc đẩy các dự án PPP phát triển.

Dưới luật, Hàn Quốc cũng ban hành các nghị định về hiệu lực thực thi luật PPP để đảm bảo và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong các dự án PPP.

Về đơn vị chịu trách nhiệm

Bộ Chiến lược và Tài chính là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quản lý các chương trình, dự án PPP. Tuy nhiên, bộ này không hoạt động độc lập mà có sự phối kết hợp với các bộ ngành khác như Bộ tài nguyên, vận tải; Bộ văn hóa; Bộ môi trường, Bộ y tế ….

Ngoài ra, Hàn Quốc còn thành lập riêng đơn vị chuyên đánh giá, thẩm định các dự án, chương trình để tránh những sai lệch trong quá trình đánh giá, lựa chọn dự án.

Về khung hỗ trợ

Một trong những yếu tố nổi bật làm nên sự thành công của việc thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư tại Việt Nam là nhờ những chính sách hỗ trợ hợp lí của Hàn Quốc. Từ đó, các hỗ trợ này đã giúp các doanh nghiệp tư nhân có những động lực thực hiện các chương trình kết cấu hạ tầng. Cụ thể, Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ như sau:

Trợ cấp xây dựng

Chính phủ có thể cập trợ cấp xây dựng cho những người được nhượng quyền, nếu điều đó là không tránh khỏi để duy trì mức phí của người sử dụng ở mức hợp lí. Đây là một trong những quy định rất đáng học hỏi của Hàn Quốc. Nắm bắt được tâm lý chung của các doanh nghiệp tư nhân- luôn tìm kiếm lợi nhuận, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các trợ cấp xây dựng để đảm bảo các doanh nghiệp Hàn Quốc không chịu thiệt thòi khi tham gia các chương trình hợp tác.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc vẫn giữ nguyên quyền lợi của những người sử dụng cơ sở hạ tầng chung.

Tuy nhiên mức trợ cấp có thể xác định trong từng nhượng quyền riêng lẻ cho thấy chính phủ Hàn Quốc đã phòng ngừa trước những quan liêu, bất hợp lí trong những khoản trợ cấp này. Nếu áp dụng 1 mức trợ cấp hoặc khung trợ cấp chuẩn, có thể xảy ra hiện tượng 1 số dự án sẽ được trợ cấp cao hơn mức duy trì phí của người sử dụng trong khi 1 số dự án khác lại chịu thiệt thòi. Do đó, những khoản trợ cấp sẽ được tính phù hợp với từng dự án PPP cụ thể thay vì áp dụng mức trợ cấp chung.

Kế hoạch chia sẻ rủi ro

Chính sách này đã từng được áp dụng để đảm bảo doanh thu của các doanh nghiệp khi doanh thu hoạt động thực tế giảm đáng kể so với nguồn thu dự kiến được quy định trong hợp đồng.

Đây cũng là chính sách nhằm hạn chế rủi ro, đảm bảo doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân khi tham gia các dự án PPP. Cụ thể, đến tháng 12/2010, 35 trong số 207 hợp đồng ký kết có các điều khoản về đảm bảo nguồn thu tối thiểu.

Tuy nhiên, chính sách này đã được hủy bỏ do những chỉ trích về sự minh bạch, chính sách trong việc  hoạch định cũng như tính toán doanh thu thực tế của các doanh nghiệp tham gia dự án PPP.

Bên cạnh đó, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng chính phủ đang nhận phần lớn rủi ro khi thực hiện chính sách này, làm tăng sự ỷ lại của các doanh nghiệp trong việc trông chờ vào nguồn vốn đảm bảo của chính phủ.

Quỹ bảo lãnh tín dụng kết cấu hạ tầng

Quỹ bảo lãnh này được áp dụng cho các khoản vay từ các tổ chức tài chính của những người được nhượng quyền phục vụ các khoản chi của dự án đầu tư tư nhân. Trái phiếu được phát hành theo luật PPP.

Thu hồi đất

Đề tạo điều kiện thực hiện PPP, Luật PPP trao quyền sở hữu đất cho người được nhượng quyền, đặc biệt, tài sản quốc gia và công cộng có thể được bán cho người được nhượng quyền 1 cách tự do theo hợp đồng và được sử dụng miễn phí. Điều này cũng đã giúp các doanh nghiệp giảm bớt được lượng lớn chi phí trong đầu tư, xây dựng và tạo nhiều lợi ích hơn cho các doanh nghiệp.

Những kinh nghiệm quý báu được chia sẻ bởi giáo sư Jungkook Kim đã đem lại nhiều bài học quý báu cho chính phủ Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, cần hoàn thiện 1 khung hành lang pháp lý cơ bản về PPP. Theo đó, chính phủ Việt Nam cần phải ban hành những quy định cụ thể, các quyền lợi và trách nhiệm của các bên khi tham gia các dự án PPP cũng như những mục tiêu và phương thức lựa chọn các dự án PPP để tạo nên 1 khung hành lang pháp lý đầy đủ về PPP.

Thứ hai, có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Theo đó, chính phủ cần đưa ra những chính sách đảm bảo được hoạt động của các doanh nghiệp tham gia dự án PPP cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện dự án.