Kinh nghiệm quốc tế về áp dụng chính sách thuế bảo vệ môi trường

TS. Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính

Chính sách thuế là một công cụ kinh tế, có vai trò quan trọng tác động tới chi phí và lợi ích của các thể nhân và pháp nhân, có thể điều chỉnh hành vi, hoạt động của họ hướng theo mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia không áp dụng sắc thuế bảo vệ môi trường nhưng có áp dụng các chính sách thuế liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường theo đối tượng chịu thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường là loại chính sách khuyến khích, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh tế, không gây tổn hại đến môi trường.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ sạch, phát triển sản xuất xanh được hưởng ưu đãi thuế, được giảm nghĩa vụ thuế phải nộp đối với khoản đầu tư mà doanh nghiệp đã bỏ ra.

Chính sách thuế đối với hoạt động kinh tế gây tổn hại đến môi trường lấy nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường làm cơ sở để đạt được sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả, người hưởng lợi phải trả...

Đây cũng chính là công cụ có khả năng tốt nhất trong việc khắc phục những thất bại, khiếm khuyết của thị trường; là những công cụ có tính hiệu quả cao nhất trong việc thay đổi hành vi gây ô nhiễm, khuyến khích sự năng động và tính tự giác của người gây ô nhiễm trong việc bảo vệ môi trường.

Chính sách thuế đối với hoạt động kinh tế gây tổn hại đến môi trường tạo cơ hội và điều kiện để nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm, tức là chuyển trách nhiệm bảo vệ môi trường gián tiếp cho người tiêu dùng, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường tương xứng với mức đầu tư phát triển sản xuất.

Về bản chất, các chính sách thuế này khuyến khích đối tượng gây ô nhiễm giảm lượng chất ô nhiễm thải ra môi trường và kèm theo đó là mục tiêu tăng thu ngân sách.

Trên thế giới, nhiều quốc gia không áp dụng sắc thuế bảo vệ môi trường nhưng có áp dụng các chính sách thuế liên quan đến mục tiêu bảo vệ môi trường theo đối tượng chịu thuế.

Chính sách thuế đối với các-bon

Thuế các-bon là sắc thuế áp dụng đối với lượng khí các-bon phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí CO2 - một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Thuế các-bon được coi là giải pháp dựa trên nguyên tắc thị trường nhằm giảm khí thải.

Áp dụng thuế các-bon sẽ làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải tính toán lợi ích và chi phí, qua đó điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức.

Đối tượng chịu thuế các-bon chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu, methanol, naphtha, butan; khí hóa lỏng; nhiên liệu đốt như than bùn, than đá… Cơ sở tính thuế là lượng khí thải các-bon (tính theo tấn khí thải).

Thuế suất có thể là thuế suất theo tỷ lệ phần trăm, thuế suất tuyệt đối (mức thu tuyệt đối) hoặc thuế suất hỗn hợp (vừa thu theo tỷ lệ phần trăm, vừa thu theo mức thu tuyệt đối). Mức thuế suất thuế các-bon dao động trong khoảng 1 - 130 USD/tấn CO2.

Chính phủ các nước có thể sử dụng nguồn thu từ thuế các-bon để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, hoặc thực hiện các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu.

Năm 2016, số lượng các quốc gia áp dụng công cụ thuế các-bon để giảm thiểu khí thải nhà kính tăng gấp khoảng 2 lần, từ 20 nước lên tới gần 40 nước, so với năm 2012. Lượng khí thải bị định giá các-bon khoảng 7 tỷ tấn/năm, chiếm 12% tổng lượng phát thải toàn cầu.

Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch là những nước đầu tiên áp dụng thuế các-bon vào đầu thập kỷ 1990. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới (Anh, Hà Lan, Mỹ, Canada…) áp dụng thuế các-bon nhằm giảm thiểu khí thải.

Thụy Điển áp dụng thuế các-bon từ năm 1991 đối với nhiên liệu đốt và nhiên liệu sử dụng cho phương tiện cơ giới, với mức thuế có xu hướng ngày càng tăng, ở mức 27 EUR (31 USD)/tấn vào năm 1991, sau đó tăng lên 114 EUR (130 USD)/tấn từ năm 2011.

Ireland áp dụng thuế các-bon từ năm 2010 cho tất cả lượng khí thải CO2 từ các lĩnh vực phi thương mại như nông nghiệp, giao thông, nhiệt trong các tòa nhà, chất thải… Mức thuế suất tăng từ 15 EUR (17 USD)/tấn vào năm 2010 và 2011 lên 20 EUR (23 USD)/tấn từ năm 2012.

Pháp áp dụng thuế các-bon từ ngày 01/4/2014, với mức thuế suất là 7 EUR (8 USD)/tấn CO2, tăng lên 24 EUR (27 USD)/tấn vào năm 2016. Ngày 22/7/2015, Pháp chính thức thông qua Luật Năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh, bổ sung mức thuế các-bon cho năm 2020 và 2030 lần lượt là 56 EUR (62 USD)/tấn vào và 100 EUR/tấn (110 USD/tấn).

Anh áp dụng thuế các-bon từ năm 2013, với mức thuế suất 4,94 Bảng Anh (7 USD)/tấn CO2, tăng lên 18,08 Bảng Anh (26 USD)/tấn CO2 vào tháng 01/2015. Đến năm 2016 - 2017 và 2017 - 2018, mức thuế tăng lên lần lượt là 21,2 Bảng Anh (30 USD) và 24,62 Bảng Anh (35 USD) mỗi tấn CO2. 

Tại Australia, thuế các-bon được áp dụng từ ngày 01/7/2012 và duy trì ở mức thuế suất 26 USD/tấn CO2.

Theo OECD (2015), thuế các-bon có tác động làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính, đồng thời tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách quốc gia. Hầu hết các nước Đông Á có thể tăng thu ngân sách thêm 0,5 - 2% GDP vào năm 2020 nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2. Nguồn thu ngân sách này đặc biệt cao hơn ở các nước đang phát triển do lượng phát thải so với GDP cao. Nếu Trung Quốc áp dụng thuế các-bon ở mức 20 USD/tấn CO2 thì nước này có thể tạo ra nguồn thu lên tới 2,5% GDP vào năm 2020.

 Chính sách thuế đối với nhiên liệu hóa thạch

Nhiên liệu hóa thạch là sản phẩm đầu vào thiết yếu đối với nhiều ngành sản xuất cũng như là sản phẩm tiêu dùng cần thiết đối với đời sống. Tuy nhiên, do nhiên liệu hóa thạch là nguồn năng lượng không tái tạo nên nhiều nước chủ trương sử dụng tiết kiệm, để dành cho các thế hệ tương lai.

Việc khai thác, sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng gây ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường. Nhằm hạn chế tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch và giảm ô nhiễm môi trường, một số nước đã ban hành thuế đối với nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu, than…).

Thuế đối với nhiên liệu hóa thạch ở các nước khá đa dạng, một số nước gọi là thuế xăng, dầu (theo đối tượng chịu thuế), một số nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Tuy nhiên, cơ sở thuế, phương pháp đánh thuế và thuế suất của các nước cũng có sự khác biệt. Trong đó, có nhiều nước áp dụng phương thức thu theo mức thu tuyệt đối (tính trên khối lượng, thể tích của sản phẩm), kể cả các nước đang phát triển trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philipinnes.

Cụ thể, Nhật Bản thu theo mức tuyệt đối với mức 48.600 Yên/kilolitre (1000 lít) xăng; Hàn Quốc cũng thu theo mức tuyệt đối, trong đó: a) Xăng và dầu thay thế tương tự: 475 won/lít; b) Dầu diesel và dầu thay thế tương tự: 340 won/lít; Một số nước (Campuchia, Myanmar) thu theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán, tùy theo tính chất loại xăng, dầu có chì, không có chì... Myanmar có thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng, dầu diesel là 10%.

Thuế TTĐB chiếm một tỷ trọng khá lớn trong giá bán xăng, dầu ở hầu hết các nước (chủ yếu trong khoảng từ 20-40%) trong đó có nhiều quốc gia có tỷ trọng thuế TTĐB trong giá bán chiếm trên 40% như trường hợp của Croatia, Pháp, Ý, Hà Lan hay ở Anh. Đối với các nước đang phát triển, tỷ trọng thuế TTĐB trong giá bán đối với mặt hàng xăng dầu nhìn chung thấp hơn so với các nước phát triển.

Mexico đã ban hành thuế bảo vệ môi trường, áp dụng từ ngày 1/1/2014, đối với hai nhóm mặt hàng bao gồm nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và bán ở trong nước. Theo đó, mức thu đối với xăng là 10,38 cent/lít; mức thu đối với diesel là 12,59 cent/lít; mức thu đối với than là 15,60 peso/tấn.

Chính sách thuế đối với ô tô

Mục tiêu của chính sách thuế đối với ô tô là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, qua đó giảm phát thải khí CO2 và giảm ùn tắc giao thông. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước cho thấy, hầu hết các nước đều áp dụng thuế đối với ô tô.

Về bản chất, chính sách thuế đối với ô tô ở các nước tương tự thuế TTĐB ở Việt Nam (có nước gọi là thuế phương tiện giao thông). Tuy nhiên, mức thu và phương thức thu của các nước có sự khác biệt khá lớn.

Hầu hết các nước đều áp dụng phương thức thu theo tỷ lệ phần trăm trên giá trị (bao gồm cả thuế GTGT, thuế nhập khẩu nếu có). Ở hầu hết các nước mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô có phân biệt theo đặc điểm xe, như theo số chỗ ngồi, theo dung tích xi lanh hay loại xe.

Để khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả, nhìn chung, các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Đặc biệt, ở một số nước còn áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch.

Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Chính sách thuế, phí đối với hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây tổn hại môi trường có vai trò thúc đẩy nội hóa những chi phí bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Những công cụ thực hiện chính sách này có thể kể đến như hệ thống mua bán phát thải các-bon, nhãn sinh thái và hạn mức tín dụng, thuế các-bon, cơ chế sản xuất sạch hơn...

Chính sách thuế nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường ở các nước rất đa dạng nhưng đều cùng mục đích nhằm điều chỉnh hành vi sản xuất tiêu dùng đối với các hàng hóa, sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường sinh thái.

Theo đó, các nước đều áp dụng chính sách thuế đối với năng lượng, nhiên liệu hóa thạch như: xăng, dầu, than đá... vì tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch làm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường; đối với phương tiện giao thông vì đây là các tác nhân gây ra ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn và khí thải; đối với các sản phẩm gây ô nhiễm trong quá trình sử dụng như túi ni-lông, hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu; đối với khí thải các-bon vì đây là loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy, nhiều quốc gia áp dụng chính sách thuế chung (thuế TTĐB) đối với các hàng hóa, sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường, song cũng có những nước áp dụng chính sách thuế riêng biệt theo đối tượng chịu thuế như thuế đối với phương tiện giao thông, chủ yếu là xe ô tô; thuế xăng, dầu; thuế các-bon…

So với các nước, chính sách thuế gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng. Theo đó, bên cạnh chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, Việt Nam cũng áp dụng các chính sách thuế đối với hoạt động kinh tế gây tổn hại đến môi trường.

Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam những năm vừa qua cho thấy, tăng trưởng kinh tế cao kèm theo đó cũng là mức độ ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển, ứng dụng công nghệ cao.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải gây hại cho môi trường cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường; phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục kịp thời ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế thấy, việc sử dụng thuế, các công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng là một phương thức hiệu quả nhằm kích thích đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trong một số lĩnh vực kinh tế, ví dụ ngành giao thông vận tải, các ngoại ứng tiêu cực như ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe hoặc giảm năng suất, thường không được phản ánh trong chi phí, do đó không thể khuyến khích chuyển sang hàng hóa và dịch vụ bền vững hơn, tình trạng này cũng xảy ra đối với rác thải.            

Tài liệu tham khảo:

1) OECD (2004), “Green tax reforms in OECD countries: An overview”;

2) UNEP (2004), “The use of economic instruments in environmental policy: opportunities and challenges”;

3) World Bank (2011), “From Growth to Green Growth: A Framework”, Policy Research Working Paper 5872. Office of the Chief Economist of the Sustainable Development Network;

4) World Bank (2012), “Inclusive Green Growth: The Pathway to Sustainable Development”;

5) ADB (2013), “Low-Carbon Green Growth in Asia: Policies and Practices”;

6) Gunnar S. Eskeland and Haakon Lindstad (2015), “Environmental Taxation in Transport”.